Đặng Đức (TPHCM) -
Chủ nhật vừa rồi tình cờ được theo người bạn và mẹ của bạn đến phiên chợ nông sản an toàn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM tổ chức ở công viên Lê Văn Tám, quận 1, TPHCM.
Các gian hàng được bày bán theo dọc hành lang công viên phía đường Hai Bà Trưng với diện tích hơn 300 m², thu hút hơn 20 đơn vị đến từ TPHCM, Long An, Tiền Giang, Lâm Đồng... Theo thông tin từ Ban tổ chức, phiên chợ được tổ chức thường kỳ vào Chủ nhật hàng tuần nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn an toàn đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng. Các đơn vị tham gia phải đạt tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP. Ban tổ chức luôn có mặt tại phiên chợ để kiểm tra khâu vận chuyển, bao bì, nhãn mác và lấy mẫu hàng ngẫu nhiên để về phân tích. Nói một cách khác, phiên chợ cũng giúp người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa và các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Một trong những nhóm khách hàng hào hứng nhất với phiên chợ này có lẽ là những hộ dân sống xung quanh công viên Lê Văn Tám. Họ ban đầu chỉ đi coi thử nhưng rồi đã mua rất nhiều thực phẩm và rau củ quả. Một bác gái tên là Hân – năm nay ngoài 60 tuổi, nhà ở ngay kế công viên – cho biết, bà tin tưởng vào chất lượng hàng hóa ở chợ phiên nông sản an toàn và cũng như nhiều người hàng xóm bà ra đây để mua hàng cho cả nhà dùng trong một tuần. Chị Lê Thị Hương, 41 tuổi, nhà ở đường Võ Thị Sáu (quận 3), nhận xét: “hàng hóa ở chợ phiên này tươi ngon, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả không đắt”.
Với hết thảy người dân TPHCM nói chung, một khi được tiếp cận với mô hình chợ phiên nông sản an toàn như đang được làm ở công viên Lê Văn Tám thì tôi tin rằng họ sẽ rất thích và sẽ chẳng bỏ lỡ cơ hội để tìm hiểu, mua sắm nguồn rau quả, thực phẩm tươi ngon, an toàn như vậy.
Thiết nghĩ, từ sự thành công với mô hình phiên chợ nông sản an toàn ở công viên Lê Văn Tám, quận 1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM cần nhân rộng mô hình kiểu này và nhóm họp thường kỳ vào Chủ nhật mỗi tuần tại nhiều địa điểm như công viên, sân nhà văn hóa, các khoảng đất trống rộng rãi trong cả nội và ngoại thành của thành phố để người dân dễ dàng thuận tiện tiếp cận mua sắm mà không phải đi quá xa.