Đức Nguyễn (TPHCM) -
Bản dự thảo sửa đổi và bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động vừa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra lấy ý kiến rộng rãi gần đây có đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động, kể cả người lao động nặng nhọc, nguy hiểm.
Nếu bản dự thảo mới được thông qua và có hiệu lực, thì kể từ ngày 1-1-2021, tuổi hưu sẽ được tính cứ mỗi năm tăng thêm sáu tháng làm việc cho đến khi nam đủ 65 tuổi và nữ đủ 60 tuổi. Nghĩa là mức tuổi đủ để nghỉ hưu theo chế độ của nam và nữ lao động sẽ tăng thêm năm năm. Có nhiều ý kiến cho rằng, quy định mới đó không phù hợp với người lao động trực tiếp – những người làm công việc tay chân nặng nhọc ở các công trường hay trong môi trường độc hại.
Trong hơn chục năm làm việc trong mảng chính sách lao động ở doanh nghiệp, có điều kiện tiếp xúc với nhóm người làm việc nặng nhọc và nguy hiểm, tôi nhận thấy có rất ít người hội đủ các điều kiện về tuổi đời, về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để được nghỉ hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật.
Nhiều nam công nhân tuy chỉ mới ngoài 50 tuổi nhưng sức khỏe đã suy yếu, mắc các “bệnh nghề nghiệp”, như đau thần kinh tọa, run tay, run chân, đau nhức xương khớp, thoát vị đĩa đệm, gai cột sống, đau tim... do nhiều năm phải “căng mình” đi lại khắp các công trình để khuân vác tà vẹt, bê tông cốt thép...
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với những nữ công nhân. Nhiều người trong số này xin làm thủ tục giám định sự suy giảm sức khỏe để nghỉ hưởng chế độ hưu trước tuổi nhưng thường là không đủ điều kiện.
Do vậy, việc điều chỉnh và đưa ra phương án nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động, nhất là đối với nhóm người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cần được cân nhắc, xem xét một cách thấu đáo và toàn diện trước khi được thông qua.
Cũng liên quan đến người lao động trực tiếp, ngoài cơ quan quản lý hành chính nhà nước, các doanh nghiệp hiện được cho phép quy định số giờ làm việc trong một tuần là 40, 44 hoặc 48 giờ, tùy theo điều kiện hoạt động của doanh nghiệp. Đa số các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa cho phép người lao động làm việc mỗi tuần 40 giờ và nghỉ liên tục hai ngày là thứ Bảy và Chủ nhật.
Hiện nay ở các doanh nghiệp thi công xây dựng các công trình cơ bản, quy chế làm việc 40 giờ mỗi tuần không áp dụng cho lực lượng lao động “trực tiếp” như đã nói ở trên. Họ thường làm việc luôn cả ngày thứ Bảy, thậm chí là làm cả ngày Chủ nhật và được xem là do tính chất “đặc thù” của công việc. Đó là chưa kể đến việc họ hoàn toàn không được tính ngày công cho ngày nghỉ mà đáng lẽ ra phải được tính, vì doanh nghiệp không được bố trí người lao động làm việc quá 24 hoặc 26 ngày công theo quy định của pháp luật.
Tôi nghĩ, nhu cầu được nghỉ liên tục hai ngày cuối tuần là rất cần thiết và chính đáng đối với hàng triệu người lao động. Do vậy, điều này cần được xem xét sửa đổi, bổ sung trong Bộ luật Lao động nhằm giúp họ có điều kiện tái tạo sức lao động cũng như có điều kiện, thời gian nhiều hơn chăm lo cho gia đình.