Nguyễn Đước (TPHCM) -
Đoạn đường sắt cắt ngang khu dân sinh – thuộc cung thông tin tín hiệu đường sắt Hoàng Đạo, phường 9, quận 3 – là đoạn đường ngang dân sinh đường sắt cuối cùng để tàu vào ga Sài Gòn.
Hai bên cung đường sắt này có rất nhiều nhà dân sinh sống, có rào chắn nhưng nhiều nhà dân sinh sống gần sát đường sắt đã tự ý trổ cửa ngõ phía sau nhà để đi tắt ra đường. Người dân nơi đây có lẽ đã quen với các tuyến tàu chạy hàng ngày nên rất chủ quan khi đi trên đường tàu, hoặc băng qua đường tàu trong khi nói chuyện điện thoại, nhiều người còn chạy xe máy sát đường sắt bất chấp tín hiệu đèn báo tàu đang sắp vào ga Sài Gòn.
Nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt rất thương tâm trong thời gian qua, trong đó nhiều vụ xảy ra ở các trục đường ngang dân sinh do người dân thiếu quan sát khi đi vào đường sắt hoặc băng qua đường sắt trong lúc tàu đang lao đến.
Theo thống kê của ngành đường sắt, cả nước có hơn 4.000 đường ngang dân sinh “tự tạo” do người dân tự ý mở ra để đi băng ngang qua đường sắt cho tiện. Điều nguy hiểm là ở các đường ngang dân sinh đường sắt đó hoàn toàn không có các biển cảnh báo, biển báo tín hiệu, cũng không có người canh gác… Do vậy, tình trạng xảy ra tai nạn khi người dân băng qua đường sắt cùng một lúc với đoàn tàu đang lao đến là điều khó tránh khỏi. Và cho đến nay ngành đường sắt vẫn chưa có các biện pháp hữu hiệu nào để ngăn chặn tai nạn xảy ra cũng như xử lý việc người dân tự ý trổ các lối đi tại các đường ngang như nói trên.
Theo tôi, ở các đường ngang dân sinh nào có người dân sinh sống dọc hai bên đường ray thì cần làm loại rào chắn chắc chắn bằng thép và bê tông để người dân không thể tự trổ lối đi. Ngoài ra, ngành đường sắt cần thường xuyên kết hợp với chính quyền địa phương trong việc tuần tra, kiên quyết phát hiện và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt.