(SGTT) - Càng cận Tết thì người tiêu dùng càng nên cẩn trọng hơn khi nhiều sản phẩm được gắn mác hàng ngoại nhập nhưng thực chất là hàng không nguồn gốc xuất xứ.
- Lâm Đồng cung ứng gần 800.000 tấn rau cho thị trường Tết
- Chợ sỉ Bình Tây nhộn nhịp hàng hóa phục vụ Tết
Gần 5.000 sản phẩm thời trang giả nhãn hiệu nổi tiếng
Tại Hà Nội, ngày 19-1, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với thành viên Tổ công tác 368, Tổng cục Quản lý thị trường, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Cục A05 (Bộ Công an) tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh AE Shop Việt Nam tại địa chỉ số nhà 167 đường Cao Lỗ, thị trấn Đông Anh, Hà Nội.
Theo vietnamplus.vn, ông Phạm Ngọc Phong, quản lý cửa hàng thừa nhận toàn bộ số hàng tại cửa hàng không có hóa đơn chứng từ và là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam.
Số lượng hàng hóa thu giữ như 4.686 sản phẩm giầy, dép, quần áo, thắt lưng... mang các nhãn hiệu Louis Vuitton, D&G, Dior, Lacoste, Adidas, Givenchy, Bubberry, Mango, Clarks, Hermes, Philip Plein, Gucci, Versace, Nike, DSQuared, Fendy.
Rươụ ngoại không rõ nguồn gốc xuất xứ
Cũng tại Hà Nội, ngày 18-1, Đội Quản lý thị trường số 14 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Phòng 7, Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh rượu tại địa chỉ L13 lô U13 khu đô thị mới Đô Nghĩa (Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội).
Theo vietnamplus.vn, lực lượng chức năng phát hiện ba nhân viên của cơ sở đang sang chiết rượu từ can nhựa loại 20 lít vào chai thủy tinh đựng rượu hình con trâu và gắn nhãn dán tem vào nắp chai.
Đoàn liên ngành còn phát hiện thêm 433 chai rượu thành phẩm hình các con vật đóng trong các chai thủy tinh khác. Trên tem của số hàng trên đều thể hiện bằng tiếng nước ngoài song không có công bố tiêu chuẩn áp dụng.
Chủ cơ sở chưa xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và các giấy tờ khác liên quan đến nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm được sản xuất.
Dung Trần tổng hợp