Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Cẩn thận khi dùng mỹ phẩm có chất SLS để tránh bị dị ứng

(SGTTO) - Chất SLS có trong các sản phẩm làm đẹp và sản phẩm tẩy rửa có thể làm hại da và tóc, nhất là đối với da nhạy cảm.

Khi bạn xem thành phần trên bao bì của các sản phẩm làm đẹp, nước rửa mặt, nước rửa tay, kem đánh răng hay cả những chất chùi rửa thông thường, bạn sẽ thấy có một chất viết tắt là SLS (sodium lauryl sulfate) hoặc ghi là laureth. Những người có da nhạy cảm sẽ dễ bị dị ứng với chất này.

Chất SLS có trong xà phòng. Ảnh: Internet

Chất SLS là gì?

Khi chúng ta bôi một sản phẩm vệ sinh hay làm đẹp trên da, chất đó sẽ gồm hỗn hợp giữa một phần là nước, một phần là dầu. Dầu và nước không hòa tan với nhau nên cần thêm một chất trung gian để giúp các thành phần hòa quyện. Chất trung gian này còn gọi là chất hoạt tính bề mặt, chẳng hạn như SLS. Chất này được sử dụng nhiều trong sản phẩm tiêu dùng và làm đẹp do giá thành thấp, đơn giản, dễ bào chế, hiệu quả.

SLS có hại hay không?

Lớp biểu bì ngoài cùng của da có nhiệm vụ chủ yếu là ngăn tác nhân gây hại cho da. Sử dụng một hóa chất làm suy yếu cơ chế phòng vệ của da có thể là nguyên nhân gây hại cho da. Có vài chất hoạt tính khiến da ngứa ngáy, khó chịu hơn so với một số chất hoạt tính khác. Các nhà nghiên cứu phân chất hoạt tính làm hai loại, một loại gây dị ứng da, một loại không. Nhưng với trường hợp của SLS, chất này thuộc cả hai loại trên.

Các nhà nghiên cứu tại Đức đã thử nghiệm 1.600 trường hợp để tìm xem SLS có gây khó chịu cho da hay không và có đến 42% trường hợp gây khó chịu. Đáng nói là có một nghiên cứu khác cũng cho thấy khi dùng nước ấm, SLS càng gây khó chịu cho da hơn nữa.

Thực tế, SLS từ lâu đã bị giới khoa học cho là chất gây dị ứng cho da, khiến da tấy đỏ, khô, lên vảy, ngứa và thậm chí bỏng rát. Dù vậy, chưa có chứng cứ khoa học nào cho thấy SLS gây ung thư da, mặc dù bạn có thể bắt gặp đề tài này được thảo luận nhiều trên mạng.

Tại sao giới công nghiệp vẫn dùng SLS?

Dù bị liệt vào chất gây hại cho da nhưng tại sao những quốc gia khắt khe về các tiêu chuẩn sức khỏe như châu Âu hay châu Mỹ vẫn ngó lơ SLS?

Dù SLS bị xem là chất gây hại nhưng các sản phẩm tiêu dùng phổ thông như nước rửa tay, nước tẩy rửa… không bám trên da người quá lâu. Vì khi rửa tay, chúng ta chỉ tiếp xúc với nước rửa tay tầm một phút mà thôi, cơ hội cho SLS tác động đến da là không nhiều. Vì vậy, các cơ quan thẩm định không cấm SLS mà chỉ đưa ra tỉ lệ tối đa chất này được phép có trong sản phẩm. Tùy thuộc vào từng loại sản phẩm mà tỉ lệ này thay đổi cho phù hợp, từ 0,05% đến 2,5%. Đồng thời, các nhà sản xuất phải in trên bao bì khuyến cáo rằng sản phẩm có chứa SLS và người sử dụng nếu bị ngứa hay tấy đỏ da sau khi sử dụng thì nên ngưng ngay và đến gặp bác sỹ chuyên khoa.

Ai cần tránh SLS?

Những ai có tiền sử da nhạy cảm, da dễ nổi mẩn đỏ và các bệnh nhân đang điều trị da liễu, viêm da, vẩy nến tốt nhất là nên tránh dùng các sản phẩm có chứa SLS. Có nhiều sản phẩm thay thế an toàn khác như bạn có thể tìm những sản phẩm có gắn nhãn alcohol ethoxylate, alkyl phenol ethoxylate hay fatty acid alkoxylate.

An Chi
Theo Science Alert

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối