Thứ hai, Tháng mười hai 23, 2024

Cẩn thận với hóc dị vật

Khánh Ngân -

Thạc sĩ-bác sĩ Võ Quang Phúc, Phó giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cho biết, nơi đây vừa cấp cứu thành công một trường hợp hóc dị vật hy hữu:  hàm răng giả mắc kẹt trong đường thở của một người đàn ông suốt 2 năm. Trước đó, có những ca hóc dị vật mấy chục năm mà bệnh nhân không hề hay biết, cứ tưởng mình mắc bệnh nan y vì khó thở, ho ra máu.

Hóc hạt sa pô chê tới 43 năm

IMG_8756Anh Đ. và BS. Nguyễn Quang Tú, người đã gắp hàm răng “đi lạc” vào đường thở của anh tới 2 năm.

Hóc dị vật khi ăn uống khá phổ biến và hay gặp cả ở trẻ con và người lớn. Thông thường, khi hóc dị vật thì đa phần người bị hóc đều biết và đến cơ sở y tế để lấy ra hoặc tự tìm cách lấy ra. Thế nhưng, có trường hợp, khi ăn uống, dị vật rơi vào đường thở mà người đó không hay biết. Ngày 8-8, BS. Võ Quang Phúc cho biết có một ca hóc hạt sa pô chê không thể tin được: đến 43 năm mới được phát hiện và lấy ra.

Ở tuổi gần 70, ông M., ở Long An cứ thường xuyên tới lui bệnh viện vì chứng ho, khó thở và thỉnh thoảng ho ra máu, sốt. Ông uống thuốc đỡ vài hôm và ngưng thuốc thì cơn khó thở, ho lại xuất hiện và ngày càng nặnh hơn. Hàng xóm thì cho rằng ông mắc bệnh lao và có vẻ xa lánh vì sợ lây bệnh. Tức mình, ông cũng đi khám, làm đủ các xét nghiệm thì không thấy vi trùng lao.

Thế rồi, trong một lần đi khám ở bệnh viện tai mũi họng, bác sĩ đã phát hiện có dị vật bị kẹt trong đường thở của ông. Ông khẳng định gần đây mình không bị “mắc cổ” cái gì hết và khi bác sĩ gợi ý “chuyện xưa” hơn nữa thì ông mới sực nhớ vào năm 21 tuổi, trong một lần ăn sa pô chê ông có bị ho và sau đó thấy thiếu 1 cái hạt, nhưng ông cứ tưởng rớt ở đâu đó, vì không cảm thấy vướng hay mắc cổ. Tuy nhiên, mấy hôm sau ông có bị khó thở, ho, nhưng ông tưởng là làm mệt và bị cảm nên cũng không để ý.

Ngay sau đó, các bác sĩ của Bệnh viện Tai mũi họng TPHCM đã gắp hạt sa pô chê ra, khi đó hạt này đã bể thành nhiều mảnh vụn. Từ đó, cơn ho, khó thở, khàn tiếng cua ông M. đã biến mất hoàn toàn.

Mới đây, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã gắp thành công hạt sa pô chê trong đường thở của một nữ bệnh nhân đã bị hóc cách đây 10 năm. Một bé gái 3 tuổi ở Tây Ninh khi ăn sa pô chê cũng đã bị hóc hạt, khi đó người nhà đưa tay vào họng bé móc, khiến hạt này rớt sâu vào đường thở và bé tử vong trước khi đưa đến bệnh viện.

Tưởng mất răng vì tai nạn giao thông

Không chỉ hóc dị vật qua ăn uống mà còn có những trường hợp hóc dị vật do tai nạn và đây là nguyên nhân mà bệnh nhân thường bỏ qua vì không biết.

Vào tháng 10-2015, trong khi đi giao hàng, anh Đ. ở quận 8 va chạm với một xe máy đi ngược chiều, cú va chạm rất mạnh khiến anh và người kia đều bất tỉnh. Anh được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu, sau khi bác sĩ chụp CT thấy đầu không bị chấn thương nên vài ngày sau cho xuất viện.

Khi về nhà, anh thường xuyên bị khó thở và ho ra máu mà cứ tưởng do hậu quả của tai nạn nên cũng không đi khám. Sau hai tuần thì anh hết ho, còn khó thở ngày càng nặng. Mỗi khi làm việc nặng thì cơn khó thở càng tăng và nhiều hôm anh không ngủ được, phải ngồi dậy thở dốc. Sợ mình mắc bệnh tim hay hô hấp gì đó, nhưng đi khám, đo điện tim bác sĩ nói bình thường nên về sau anh cũng không đi khám nữa.

Gần đây, anh bị khàn tiếng nhiều, sáng ngủ dậy là nói chuyện không ra tiếng và khó thở nên đến một bệnh viện khám. Nơi đây nội soi phát hiện có dị vật trong đường thở nên gợi ý anh đi khám tai mũi họng khám. “Nghe nói vậy, tôi cứ tưởng mình mắc xương, chứ đâu thể ngờ là hàm răng mà tôi mất từ hai năm trước. Vì sau khi tỉnh lại, thấy mất răng, tôi cứ nghĩ nó đã văng ra ngoài khi tôi té”, anh kể lại.

Bệnh viện đã phẫu thuật nội soi để lấy dị vật ra. Đó là một bản nhựa khá dài:  2x4 cm, là một phần khung nướu hàm răng giả của bệnh nhân. Cũng may, do dị vật nằm chiều dọc, cố định một chỗ và vẫn chừa 2 khe hở ở 2 đầu thanh môn nên bệnh nhân chỉ có triệu chứng khó thở, chứ dị vật nằm ngang thì có thể bệnh nhân đã tử vong khi xảy ra tai nạn vì tắt đường thở.

BS.Võ Quang Phúc khuyến cáo: “Dị vật đường ăn và đường thở là tai nạn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Mọi người thường có xu hướng chú ý hóc dị vật do ăn uống, mà ít để ý đến hóc dị vật phổ biến khác là răng giả. Trung bình, mỗi năm Bệnh viện Tai mũi họng TPHCM tiếp nhận hơn chục ca hóc răng giả, nhưng đa phần là rơi vào đường ăn, chứ hiếm gặp rơi vào đường thở như bệnh nhân Đ.

Do đó, khi có răng giả, cần phải đi kiểm tra định kỳ theo chỉ định của nha sĩ, vì qua thời gian dài sử dụng, hoặc ở người lớn tuổi hay bị teo nướu dẫn đến răng lỏng lẻo nên khi ăn rất dễ nuốt luôn răng giả, nhất là những món có chất dính như bánh ít, bánh tét. Nếu chẳng may, hóc dị vật hay khi có dấu hiệu khó thở, thở dốc, khàn tiếng kéo dài nên đến các bệnh viện chuyên khoa tai mũi họng để kiểm tra sớm. Không nên móc họng, cố bắt ói sẽ làm tình trạng càng nặng hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối