Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

Cần thay đổi quan niệm về thuốc diệt cỏ

Tình trạng con người lạm dụng thuốc diệt cỏ hiện nay đã tiếp tay cho việc đưa chất độc vào đất, vào nước, vào môi trường sống của mình.

Nhiều nông dân, doanh nghiệp ở Việt Nam đang đầu tư cho việc sản xuất nhiều loại nông sản sạch, trong đó có rau quả để góp phần vào việc bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Ảnh: Thành Hoa

Khi công ty hóa chất Monsanto (Mỹ) bị tuyên án phạt 289 triệu đô la liên quan đến thuốc diệt cỏ, nhiều người mới vỡ lẽ ra rằng lâu nay họ vẫn tiếp xúc với các loại thuốc thuộc nhóm bảo vệ thực vật có chứa glyphosate này.

Hồi chuông cảnh tỉnh

Câu chuyện thuốc diệt cỏ có thực sự gây ung thư hay không vốn là một đề tài gây tranh cãi suốt nhiều năm, với cả những vận động hành lang những nơi có thẩm quyền phán quyết. Nhưng nay thì Tòa án San Francisco (Mỹ) hôm 10-8 đã ra phán quyết buộc công ty hoá chất Monsanto phải bồi thường 289 triệu đô la Mỹ cho một cựu nhân viên bảo vệ tên là Dewayne Johnson vì loại thuốc diệt cỏ mà công ty này sản xuất gây ung thư. Người đàn ông Mỹ này đã đâm đơn kiện vì sản phẩm thuốc diệt cỏ chứa glyphosate của Monsanto khiến ông bị ung thư hạch bạch huyết, trong khi nhà sản xuất đã không có những lưu ý về vấn đề này trên nhãn mác.

Vụ khởi kiện bắt đầu từ năm 2016, theo đó ông Dewayne Johnson, từng làm việc nhiều năm cho một trường học cho biết mỗi năm ông sử dụng thuốc diệt cỏ Roundup và Ranger Pro của Monsanto khoảng 30 lần. Các bác sĩ dự đoán Johnson không sống quá năm 2020. Luật sư Brent Wisner, đại diện nguyên đơn khẳng định tài liệu nội bộ cho thấy “từ hàng chục năm nay, Monsanto đã biết glyphosate và cụ thể là thuốc Roundup có thể gây ung thư”. Nhưng sau khi tòa án đưa ra án phạt, đại diện Monsanto nói rằng: “Những gì xảy ra ngày hôm nay không thay đổi sự thật rằng hơn 800 nghiên cứu, đánh giá khoa học đã chứng minh rằng glyphosate không gây ra ung thư cũng như dẫn tới tình trạng của ông Johnson”.

Monsanto nói rằng công ty sẽ kháng cáo. Thông tấn xã Reuters (Anh) cho biết hiện có hơn 5.000 đơn kiện tương tự cũng đang chờ. Với ngành tư pháp Mỹ, án lệ như trường hợp vừa nêu sẽ có ảnh hưởng rất lớn lên những phán quyết của tòa đối với những vụ án tương tự, nếu tòa kháng cáo cũng giữ nguyên phán quyết của tòa sơ thẩm.

Sức khỏe mới là quan trọng

Vấn đề thuốc diệt cỏ có chứa glyphosate ảnh hưởng như thế nào đến môi trường và sức khỏe con người đã gây tranh cãi trong nhiều năm nay. Tháng 3-2015, Cơ quan quốc tế Nghiên cứu về ung thư (IARC) đã đi đến kết luận “glyphosate có khả năng gây ung thư trên người”. Tuy nhiên, đến tháng 12-2017, Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ, gọi tắt là EPA lại dẫn chứng những nghiên cứu và cho rằng glyphosate “hình như không gây ung thư cho người”. Người sử dụng thuốc diệt cỏ không biết tin ai. Mặc dầu họ lờ mờ linh cảm rằng bất cứ loại thuốc trừ sâu hay thuốc diệt cỏ đều độc cho con người, nhưng không biết là độc như thế nào, và ở mức độ nào.

Dữ liệu xuất hiện trên các trang thông tin như nasdaq.com cho thấy Bayer và Monsanto đã dành những khoản tiền rất lớn để vận động hành lang, và điều này khiến nhiều người yên tâm sử dụng sản phẩm của mình. Giám đốc điều hành Bayer, Werner Baumann, khẳng định rằng Bayer “đã không nhìn thấy trước những vụ kiện như thế này” khi họ mua lại Monsato. Trang này cũng dẫn thông tin từ Bayer cho biết số vụ kiện tương tự có thể lên khoảng 5.200 đến 8.000 trường hợp. Ông Baumann hy vọng con số tiền phạt sẽ không khổng lồ như vậy đối với tất cả những khiếu kiện sau này. Trước mắt, án phạt đối với Monsanto liên quan đến vụ kiện Dewayne Johnson sẽ còn nằm lại đó vài năm trước khi phiên tòa phúc thẩm đưa ra phán quyết.

Vấn đề lớn nhất, cấp bách nhất hiện nay là việc chấm dứt nạn lạm dụng thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu, cần thiết đưa ra một quy định y tế an toàn sức khỏe bắt buộc với mọi người. Chất độc không chỉ ảnh hưởng lên sức khỏe của người sử dụng mà lên toàn bộ môi trường sống, của con người sống gần đó cũng như các loài động vật trên cạn và trong nước. Ngay cả trên các loài thực vật vốn cũng có thể vừa tích lũy chất gây ung thư vừa tăng sức kháng thuốc lên mỗi ngày một nguy hiểm hơn. Án phạt Monsanto hay bất kỳ công ty thuốc bảo vệ thực vật nào cũng là bài học cho chúng ta phải tự bảo vệ lấy mình. Bài học về chất độc màu da cam vẫn còn đó. Điều may mắn là nếu trong chiến tranh người lính không thể tránh né sự ô nhiễm của thuốc khai quang thì ngày nay những nông dân có thể ý thức và tránh né tác hại của thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ cho mình và cho con cháu.

Hoàng Xuân Phương

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối