Hoàng Thanh Phong (TPHCM) -
Những tiệm bán cơm trưa và tối ở gần trường tôi học ở quận Thủ Đức, TPHCM ngày nào cũng nườm nượp khách vào ăn, mua mang về nhà. Giá bình quân một suất ăn là 15.000-17.000 đồng và chủ quán không tính tiền cơm trắng gọi thêm. Tâm lý chung của sinh viên, công nhân, người lao động nghèo... vẫn luôn hướng tới tiêu chí ưu tiên hàng đầu là ăn no và giá rẻ.
Với mức giá chưa tới 20.000 đồng cho một bữa ăn no nê thoải mái như vậy thì quả là rẻ hơn rất nhiều so với việc mua đồ ăn về nấu nướng ở nhà, đã thế lại không phải làm lụng, không phải lo rửa chén đĩa. Chính vì ăn cơm tiệm giá rẻ, lại tiện lợi như vậy nên mấy chục phòng trọ trong khu tôi sống thì chỉ có độ dăm ba phòng là có nấu nướng, còn tất cả cứ đến bữa ăn là kéo nhau ra tiệm.
Tôi và bạn cùng phòng trọ cũng ăn cơm ở đó suốt năm học đầu, đến gần đây thì dứt hẳn. Một số người làm thuê ở các quán cơm sinh viên giá rẻ – những người thuê trọ sát với phòng của tôi – đã tiết lộ về việc chủ tiệm toàn mua các loại thực phẩm ôi thiu mang về chế biến để bán cho khách. Họ bảo khi mua những loại thực phẩm như vậy thì giá thành mới rẻ, thậm chí là rẻ bằng một nửa so với thực phẩm tươi ngon.
Tôi nghĩ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang rất nóng, thông tin về các vụ ngộ độc thực phẩm, thực phẩm đông lạnh bẩn… tràn lan. Người tiêu dùng, đặc biệt là giới sinh viên, người lao động có thu nhập khiêm tốn cũng nên học cách tự bảo vệ mình trong việc ăn uống, trong lựa chọn quán ăn hoặc tự lựa chọn thực phẩm để nấu ăn.