Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

Cẩn trọng với suyễn mùa… hè

Khánh Ngân-

Nhiều người quan niệm mùa lạnh mới là mùa “kỵ” của trẻ mắc bệnh suyễn, thế nhưng theo TS.BS. Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1, không chỉ có thời tiết lạnh, mà vào mùa hè trẻ cũng dễ bị lên cơn suyễn do vui chơi, vận động gắng sức, tắm hồ bơi nhiều mà cha mẹ lại chủ quan mùa nóng trẻ ít bị lên cơn suyễn, nên có khi trở tay không kịp.

Nhập viện vì chạy, bơi

BS. Trần Anh Tuấn cho biết, hè năm nào khoa của ông cũng tiếp nhận những bệnh nhi lên cơn suyễn khi chơi đá banh, chạy đua, bơi lội… Vì lẽ đó mà vào đầu hè tháng 5-2017, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “Chuẩn bị cho trẻ mắc bệnh hen suyễn vui, khỏe ngày hè”. Vì sau một năm đèn sách, hè là lúc cha mẹ cho con được “xả láng”, vui chơi thoải mái với những môn thể thao vận động như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bơi lội… Mà nhiều phụ huynh quên mất rằng, với trẻ có tiền sử bị suyễn hoặc có dấu hiệu hen, suyễn thì khi hoạt động gắng sức sẽ bị cơn suyễn quật lúc nào chẳng hay.

Chị Lan ở quận 10, TPHCM có con đang nằm điều trị tại khoa hô hấp kể: “Con tôi năm nay 9 tuổi và bị suyễn đã 6 năm. Trước đây, tôi luôn xịt thuốc phòng ngừa cho bé hàng ngày, nhưng gần 1 năm qua, bé rất ít khi lên cơn nên tôi đã ngưng thuốc. Đợt này, bé vừa thi xong nên chiều nào tôi cũng cho con ra công viên gần nhà chơi đá banh, chạy xe đạp với các bạn. Tôi nghĩ đây là trò rất lành mạnh, an toàn. Vậy mà khi đang hăng say đuổi theo banh thì cháu thở dốc và ngất xỉu. Tôi biết con lên cơn, nhưng không thủ thuốc cắt cơn nên phải chở cháu vô bệnh viện cấp cứu”. Tương tự, một ông bố ở quận Bình Tân cũng cho biết con đang nằm viện vì lên cơn suyễn trong tình huống anh không thể ngờ là đi bơi. Anh cho biết, hầu như chiều nào anh cũng cho con ra hồ bơi nhỏ trong một khu chung cư ở An Lạc, quận Bình Tân để bơi. Con anh bơi được hai ngày thì bị ho, anh nghĩ là bé bị cảm lạnh nên không cho đi bơi nữa, chứ không biết đó là dấu hiệu kích ứng của cơn suyễn với hóa chất hồ bơi. Sau đó, vì con ham bơi, năn nỉ mãi nên anh cho đi bơi tiếp. Đến buổi thứ ba, bé mới xuống hồ được khoảng 15 phút thì ho sặc sụa, người tím tái vì lên cơn suyễn nên phải vô bệnh viện cấp cứu. Bé được các bác sĩ nhận định lên cơn suyễn do chất clo ở hồ bơi.

Xịt-thuốc-cắt-cơn-suyễnXịt thuốc cắt cơn suyễn.

 

Làm “nóng” và làm “nguội” để không lên cơn suyễn

Một trong những nỗi lo lắng thường trực của phụ huynh có con bị suyễn là làm thế nào để hạn chế trẻ lên cơn suyễn, đặc biệt là trong vận động. Vì trẻ con vốn tính hiếu động, hơn nữa khi vui chơi thì các em luôn “hết mình, tới bến” nên quên mất việc mình đang có bệnh, không được vận động mạnh. Trong khi đó, suyễn do gắng sức khá phổ biến và rất hay gặp ở cả trẻ con và người lớn. Do vậy, trẻ bị lên cơn suyễn vào mùa hè rất hay gặp nên phụ huynh cần phải cẩn trọng.

Theo BS. Trần Thiện Ngọc Thảo, giảng viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, có đến 70-90% bệnh nhân suyễn gặp tình trạng này (lên cơn suyễn do gắng sức). Thậm chí, có 10-14% trẻ bình thường có thể bị lên cơn suyễn khi gắng sức dù trước đó hoàn toàn khỏe mạnh. Hay có đến 50% bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng có thể bị lên cơn suyễn khi gắng sức. Lên cơn suyễn do gắng sức thường gặp ở người tham gia những trò chơi vận động mạnh và gắng sức liên tục, mạnh mẽ, kéo dài như thể dục nhịp điệu, chạy đua, đua xe đạp… Thông thường, cơn suyễn xuất hiện sau 5-20 phút gắng sức, hay có thể kéo đến nhanh chỉ sau vài phút vận động mạnh, hoặc có trường hợp vài giờ sau mới bị lên cơn.

Dấu hiệu cho thấy trẻ bị lên cơn suyễn do gắng sức là khò khè, khó thở khi hoạt động gắng sức; trẻ bị ho trong và sau khi chạy; trẻ bị đau ngực, nặng ngực khi gắng sức; trẻ mau mệt; trẻ phải ngừng lại nhiều lần và trẻ có tiền sử bệnh suyễn khó theo kịp bạn bè khi chơi thể thao.

Vậy làm sao để trẻ có một mùa hè vui chơi, vận động thoải mái mà không bị lên cơn suyễn? BS. Trần Anh Tuấn hướng dẫn:

l Chọn môn thể thao, vận động phù hợp với sức khỏe như đi bộ, xe đạp (không đua), các môn chơi đồng đội, tập thể dục, yoga.

l Chạy cự ly ngắn, hay những môn thế thao chỉ gắng sức ngắn (khoảng 10 giây) kèm theo quãng nghỉ dài (khoảng 30 giây) nối tiếp nhau như cầu lông, bóng bàn, bơi lội… Lưu ý, bơi lội tuy tốt cho người bị suyễn, nhưng do nhiều hồ bơi được khử khuẩn bằng hóa chất, đặc biệt là clo, vốn là kẻ thù của bệnh này nên hít phải mùi này thì bệnh nhân suyễn có thể lên cơn. Vì lẽ đó, cần phải chọn hồ bơi sạch, có hệ thống lọc nước liên tục.

l Phòng ngừa bằng thuốc.

l Làm nóng, làm nguội trước và sau khi gắng sức. Đây là điều rất quan trọng, vì nếu không khởi động làm nóng cơ thể trước thì khi vận động trẻ có thể lên cơn suyễn ngay. Tương tự, phải làm nguội sau khi gắng sức, vì với trẻ bị suyễn đang chạy mà dừng lại đột ngột cũng bị lên cơn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải kiểm soát cơn suyễn tốt thì sẽ hạn chế tình trạng tái phát, lên cơn bất ngờ.

“Vận động gắng sức là yếu tố cao có thể làm cơn suyễn khởi phát, nhưng không vì thế mà trẻ bị suyễn không được tham gia thể thao, vui chơi vận động hay thi đấu thể thao. Mà việc lựa chọn môn thể thao phù hợp và việc tập luyện lâu dài sẽ góp phần giúp kiểm soát bệnh suyễn tốt hơn và giảm được tần suất nhập viện vì suyễn”, BS. Trần Anh Tuấn khuyến cáo.

[box] Cách xử trí khi trẻ bị lên cơn suyễn:

l Trẻ lớn: xịt Ventolin 2 nhát và nếu chưa cắt được cơn thì xịt tiếp 2 nhát mỗi 20 phút trong 1 giờ.

l Trẻ nhỏ: xịt Ventolin 4-6 nhát qua buồng đệm. Nếu chưa cắt được cơn thì tiếp tục xịt mỗi 20 phút trong 1 giờ.

Nên đến bệnh viện ngay nếu:

l Thuốc không có tác dụng, hoặc có tác dụng ngắn, trẻ vẫn còn khó thở.

l Nói chuyện khó nhọc.

l Ngồi thở, co kéo vùng xung quanh xương sườn và cổ.

l Cánh mũi phập phồng. l Tím tái. [/box]

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối