Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Căng thẳng chung cư

MẠNH TÙNG -

Cách đây khoảng một tuần, một hội nghị năm tại chung cư 24A-B ở quận Bình Thạnh (TPHCM) đã xảy ra tranh cãi căng thẳng giữa ban quản trị và cư dân. Hội nghị bất thành, những thỏa thuận trong chung cư không được thông qua. Thời điểm diễn ra sự việc này, những quy định về quản lý chung cư theo Luật Nhà ở vẫn chưa kịp có hiệu lực.

Từ những bất đồng...

Theo Luật Nhà ở 2014 được áp dụng chính thức từ ngày 1-7 vừa qua, nhiều quy định mới về quản lý chung cư sẽ có hiệu lực. Tuy nhiên, khi những quy định mới chưa thực sự đi vào đời sống thì những tranh chấp tại các chung cư vẫn diễn ra dai dẳng và chưa có hồi kết.

Quay trở lại câu chuyện ở chung cư 24A-B, theo phản ánh của những cư dân tại đây, ban quản trị chung cư đã không làm tròn trách nhiệm khi để xảy ra những hiện tượng như lối đi vào chung cư vốn chật hẹp lại bị lấn chiếm, tường rào bao quanh của chung cư cũng bị các hộ dân xây lấn vào.

Cư dân ở chung cư 24A-B tại quận Bình Thạnh bức xúc vì bức tường chung cư bị các hộ dân xung quanh lấn chiếm nhưng ban quản trị không có biện pháp xử lý.
Cư dân ở chung cư 24A-B tại quận Bình Thạnh bức xúc vì bức tường chung cư bị các hộ dân xung quanh lấn chiếm nhưng ban quản trị không có biện pháp xử lý.

Anh Cường, một cư dân tại đây, cho biết trong khi nhiều cư dân không có chỗ để xe ô tô thì bãi giữ xe của chung cư này lại được cho người bên ngoài gửi xe dịch vụ. Còn trong tháng 2 và tháng 3 đầu năm nay, nước sinh hoạt tại chung cư bị thất thoát hơn 2.600 m³, quy ra thành tiền là 25 triệu đồng. “Số tiền thất thoát này là do quản lý yếu kém của ban quản trị nhưng họ lại chia đều số tiền trên cho các hộ dân”, anh Cường cho hay.

Trong khi đó, trưởng ban quản trị chung cư 24A-B thì cho biết đã làm việc với chính quyền cấp phường, quận về vấn đề lối đi vào chung cư nhưng chưa có kết quả và không có chuyện ban quản trị vô trách nhiệm. Vị trưởng ban quản trị này cũng cho rằng nhờ nguồn kinh phí từ việc cho thuê bãi giữ xe mà khoản phí chung cư hàng tháng cư dân phải nộp đã giảm bớt. Với việc thất thoát nước, ban quản trị chung cư cho rằng do đường ống bị cũ hư, hoàn toàn không phải lỗi do việc quản lý nên những thất thoát này phải chia đều cho các hộ dân là hợp lý và đúng luật.

...đến tranh chấp dai dẳng

Nếu như mâu thuẫn ở chung cư kể trên chỉ dừng lại ở mức bất đồng giữa ban quản trị và cư dân thì tại chung cư 4S Riverside (quận Thủ Đức), mâu thuẫn đã biến thành những vụ khiếu nại, tranh chấp giữa ban quản trị và chủ đầu tư. Chung cư 4S Riverside do Công ty TNHH Thành Trường Lộc làm chủ đầu tư, được đưa vào sử dụng từ năm 2009.

Theo tìm hiểu của Sài Gòn Tiếp Thị, mâu thuẫn tại chung cư này liên quan đến tranh chấp quỹ bảo trì giữa Công ty Thành Trường Lộc và ban quản trị chung cư. Cụ thể, hồi tháng 9-2014, ban quản trị chung cư đã cung cấp đủ hồ sơ theo yêu cầu của chủ đầu tư để nhận bàn giao quỹ bảo trì trị giá hơn 3 tỉ đồng, nhưng sau đó, chủ đầu tư đã ra thông báo tạm hoãn chuyển giao vì có xảy ra khiếu nại từ phía cư dân.

Ban quản trị của chung cư làm đơn gửi lên cơ quan chức năng khi cho rằng chủ đầu tư cố tình chiếm dụng quỹ bảo trì. Trong khi đó, đại diện phía chủ đầu tư là bà Nguyễn Thị Song Tùng, Giám đốc kinh doanh của Thành Trường Lộc, cho rằng ban quản trị chung cư không chịu ký quyết toán nên không thể giao số tiền này cho ban quản trị. Bà Tùng cho rằng, trong thời gian này, nếu muốn sử dụng khoản tiền quỹ bảo trì trên thì phải có đầy đủ chữ ký của các thành viên ban quản trị để tránh việc đồng tiền bị chi sai mục đích.

Ngoài ra, chủ đầu tư và ban quản trị chung cư 4S Riverside còn xảy ra tranh chấp ở các hạng mục hầm để xe, phòng sinh hoạt cộng đồng và hồ bơi, sân vườn. Ban quản trị chung cư cho rằng những hạng mục này đã được bàn giao là của chung cư và do ban quản trị quản lý. Trong khi đó, phía chủ đầu tư lại cho rằng đó là tài sản của họ. Riêng với tầng thương mại được cho thuê để kinh doanh cũng bị chủ đầu tư phàn nàn về cách ứng xử của ban quản trị. Cụ thể, nếu người lạ vào tầng thương mại này để mua sắm thì phải để lại chứng minh nhân dân và được nhân viên đưa vào. Trong khi đó, theo bà Tùng, chỉ khi nào người lạ lên các tầng có cư dân mới phải làm thủ tục này. Quy định này của ban quản trị đã gây khó khăn trong việc cho thuê mặt bằng của chủ đầu tư.

Cũng từ nhiều năm nay, những vướng mắc tại chung cư Ruby Land (quận Tân Phú) cũng dai dẳng kéo dài mà chưa có hồi kết. Nổi lên trong đó là vấn đề chủ đầu tư chậm cấp giấy chứng nhận cho cư dân dù dự án 280 căn hộ này đã hoàn thành từ năm 2009 và 100% cư dân đã dọn vào ở. Được biết, lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM đã nhiều lần làm việc với chủ đầu tư và cư dân tại chung cư này, song hơn sáu năm nay, cư dân vẫn không có giấy chứng nhận dù tiền đã đóng gần xong.

Đổi mới cách điều hành

Theo thông tin từ Sở Xây dựng TPHCM, khoảng 60 chung cư trên địa bàn thành phố đang phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp giữa chủ đầu tư, ban quản trị chung cư và cư dân. Nguyên nhân chủ yếu của các mâu thuẫn xuất phát từ việc chủ đầu tư, ban quản trị chung cư, doanh nghiệp quản lý vận hành chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật, chưa nắm rõ các quy định về bảo trì công trình, đồng thời các chủ sở hữu nhà chung cư chưa quan tâm đến quyền lợi, trách nhiệm của mình trong quản lý, sử dụng nhà chung cư...

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết theo Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực từ ngày 1-7-2015, ban quản trị chung cư có nhiều chủ sở hữu sẽ được tổ chức và hoạt động theo mô hình hội đồng quản trị của công ty cổ phần hoặc mô hình ban chủ nhiệm hợp tác xã, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng. Điều này sẽ làm nâng cao thực quyền cho ban quản trị chung cư nhằm chăm lo cho cư dân tốt hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối