Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Cảnh báo đồ bảo hộ chống dịch bán tràn lan trên mạng

(SGTT) - Bên cạnh nón chống giọt bắn, đồ bảo hộ cũng được bày bán tràn lan khắp các trang mạng và được nhiều khách hàng tin tưởng. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, loại đồ này không cần thiết. Nếu mua phải hàng kém chất lượng, chúng không có khả năng chống dịch, thậm chí có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và làn da.

Thực trạng kinh doanh tràn lan đồ bảo hộ

Nhiều cửa hàng, shop kinh doanh, sàn thương mại điện tử… đang rao bán loại đồ bảo hộ chống dịch, loại phủ từ đầu tới chân với nhiều mức giá khác nhau. Với giá từ 50.000 đồng đến hơn 100.000 đồng, khách hàng có thể chọn mua được một bộ đồ bảo hộ.

Đồ bảo hộ được rao bán tràn lên trên một trang thương mại điện tử. Ảnh chụp màn hình

Lời quảng cáo hấp dẫn được người bán tung hô như chống được virus, bảo vệ cơ thể, chất liệu thoáng mát… Chính vì vậy, sản phẩm thu hút sự quan tâm của nhiều người với số lượng đặt hàng lớn. Bên dưới bài đăng của shop có khá nhiều khách hàng tin tưởng, mua ít nhất là hai bộ và nhiều hơn là chục bộ.

Những lời quảng cáo sản phẩm được người bán vô tư tung hô. Ảnh được chụp lại từ một shop bán hàng trên shopee

Tương tự, một shop bán quần áo thời trang trên đường Bắc Hải (quận 10, TPHCM) cũng tung ra sản phẩm chống dịch là áo nối liền quần và một đôi vớ trùm chân, giá 120.000 đồng/bộ.

Một shop thời trang tại quận Tân Bình quảng cáo đồ bảo hộ chống dịch. Ảnh: phunuonline.com.vn

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa nhiễm – thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM, việc người dân đổ xô bán hoặc đi mua đồ bảo hộ chống dịch là không cần thiết. Trong ngành y, khi trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, các bác sĩ có quần áo bảo hộ nhưng sản phẩm này có những tiêu chuẩn riêng biệt, phục vụ cho mục đích điều trị đặc thù của ngành chứ không phải loại bán tràn lan trên thị trường hiện nay.

Cảnh giác đồ bảo hộ giả, kém chất lượng

Lợi dụng tình hình dịch bệnh, một số đối tượng đã sản xuất, buôn bán các sản phẩm bảo hộ kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc. Như vậy, khả năng chống dịch như lời quảng cáo là không có và nhiều nguy cơ gây kích ứng, tổn hại đến làn da.

Điển hình là vào tháng 3-2020, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với công an tại Hà Nội phát hiện một cơ sở đang đóng gói hàng ngàn bộ quần áo bảo hộ mua trôi nổi, dán nhãn một công ty có thương hiệu để bán ra thị trường.

Cục Quản lý thị trường và công an tại Hà Nội lập biên bản một cơ sở mua bán đồ bảo hộ trôi nổi. Ảnh: tapchitaichinh.vn

Mặc dù Nghị định 98/2020 đã tăng chế tài so với trước nhưng theo đại diện Ban chỉ đạo 389, nhiều vụ án sản xuất, kinh doanh sản phẩm phòng dịch nhái, giả phần lớn chỉ rơi vào khung phạt hành chính, mức từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/vụ nên chưa đủ tính răn đe.

Bác sĩ Khanh khuyến cáo trong thời điểm này, người dân nên hạn chế ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết, nếu buộc phải ra ngoài cần đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay với xà phòng thay vì mặc đồ bảo hộ. Đồng thời để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng cần tỉnh táo trước những quảng cáo sai lệch và chỉ sử dụng các sản phẩm phòng dịch có thương hiệu uy tín.

Hiệp Trần

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối