Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Cánh cửa du lịch nội địa… vẫn cần rất nhiều “chìa khóa”

(SGTT) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 128 về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” nhưng các chuyến du lịch nội địa ngoài tỉnh vẫn gặp khó khăn về đi lại và yêu cầu y tế của địa phương chưa thống nhất.
Đại diện các doanh nghiệp tìm hiểu mô hình tuần hoàn rác để có thể đưa vào chương trình tour, kinh doanh của mình sau này. Ảnh chụp tại Sea'Lavie Boutique Resort lúc chưa bùng phát dịch lần thứ 4. Ảnh: Nhân Tâm

Mở cửa vùng an toàn

Để đơn giản hóa việc đi lại, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có hướng dẫn hành khách từ vùng dịch cấp 1, 2, 3 (không phải vùng đỏ) không cần thêm giấy chứng nhận xét nghiệm Covid, trừ khi đi máy bay hay tàu hỏa, mà chỉ cần thẻ xanh Covid hay chứng nhận F0 đã khỏi bệnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng giao cho Bộ VHTTDL nghiên cứu ban hành hướng dẫn về du lịch thích ứng an toàn để áp dụng trong cả nước. Nhưng hiện nay việc áp dụng và điều chỉnh phải chờ cho đến khi các địa phương hoàn thành xong việc đánh giá cấp độ dịch và các biện pháp đi lại để kiểm soát hiệu quả dịch tại chỗ.

Đồng thời, liệu hướng dẫn du lịch thích ứng an toàn có thể vận dụng được ở các địa phương đang duy trì biện pháp chống dịch theo phương án zero Covid với cách phong tỏa, cách ly tập trung người bị nhiễm F0 và cả các F1, F2 vì lo ngại hệ thống y tế quá tải khi chưa đủ điều kiện bao phủ vắc-xin đầy đủ như các thành phố lớn hay không?

Đơn cử trước đó toàn bộ 140 hành khách đi trên chuyến bay VN9126 từ TPHCM về Đà Nẵng ngày 12-10 vẫn phải đi cách ly tập trung dù họ đã tiêm 2 mũi vắc-xin, có xét nghiệm âm tính, do một nữ hành khách xét nghiệm lại tại Đà Nẵng thì dương tính. Đặt trường hợp đoàn khách du lịch có đi chung trên cùng chuyến bay, có lẽ chương trình phải bị hủy bỏ hoàn toàn.

Mới đây, sau 3 ngày hoạt động, Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk yêu cầu từ 18:00 ngày 15-10, tạm dừng tất cả xe khách chạy tuyến cố định TPHCM - Đắk Lắk do phát hiện chưa đảm bảo an toàn để lọt ca F0 trên tuyến vận chuyển này.

Để đơn giản hóa việc đi lại, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có hướng dẫn hành khách đi lại bằng máy bay. Ảnh: Nhân Tâm

Tới ngày 16-10, các tỉnh Lâm Đồng, Vĩnh Phúc, Bình Phước, Long An đã công bố tình hình dịch ở cấp 2. Các địa phương như Nam Định, Quảng Ninh quy định người đến từ các địa phương vùng 1, 2, 3 không cần kết quả xét nghiệm nCoV, cách ly.

Các trọng điểm du lịch khác như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Đà Nẵng... vẫn có những quy định kiểm soát đi lại nhưng không đồng nhất. Còn Hải Phòng đã tự phân loại tam thời các vùng dịch trong nước để áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch tễ người đến từ những nơi này.

Riêng TPHCM hiện là vùng cam và đang cố gắng nâng tiêu chí thành vùng vàng trong trạng thái mà lãnh đạo thành phố cho biết tình hình dịch ở thành phố đã được cải thiện nhưng đến tháng 11 cũng chưa thể nói là trở lại trạng thái bình thường mới hoàn toàn.

Càng chậm mở cửa, thiệt hại càng nhiều

Tại tọa đàm trực tuyến “Du lịch thích ứng an toàn với Covid-19” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 15-10, nhiều doanh nghiệp du lịch mong mỏi sớm được hoạt động trở lại do tiếp tục âm vốn trong suốt thời gian dài gần 6 tháng liên tục tới nay.

Ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 buộc hàng loạt doanh nghiệp lữ hành phải đóng cửa. Ảnh: Nguyễn Nam.

Theo thống kê của các cơ quan quản lý, số lượng doanh nghiệp lữ hành quốc tế của cả nước đã giảm hơn 1/5 sau gần 2 năm dịch Covid-19 từ 2.667 doanh nghiệp xuống còn khoảng 2.000.

Riêng tại TPHCM, từ ngày 1-1-2020 đến 25-9-2021 có tổng cộng 190 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành trả giấy phép kinh doanh. Tỷ lệ cắt giảm người lao động tại các doanh nghiệp 50%-80% do ảnh hưởng dịch bệnh. Tổng thu từ khách du lịch 9 tháng năm 2021 đạt 39.523 tỉ đồng giảm 31% so với cùng năm 2020.

Càng kéo dài thời điểm mở cửa du lịch trở lại, các doanh nghiệp càng thêm gánh nặng về chi phí duy trì đôi ngũ nhân sự, cơ sở hạ tầng văn phòng cố định, nhất là các doanh nghiệp lớn.

Chưa kể tâm lý trì trệ, hoang mang không thể triển khai công tác quảng bá tiếp thị với du khách vì không xác định rõ ngày nào hoạt động chính thức. Có doanh nghiệp lỗ 1 tỷ mỗi tháng, trong khi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về miễn giảm thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ cho vay, giảm tiền ký quỹ kinh doanh lữ hành vẫn chưa được thông qua.

Vẫn còn nhiều băn khoăn

Con đường khôi phục du lịch nếu chỉ dựa vào vài tỉnh thành như TPHCM, Hà Nội, Phú Quốc, Đà Nẵng đang tiến đến miễn dịch cộng đồng thì cũng vẫn là các bong bóng du lịch nội tỉnh ở quy mô hạn chế nhóm nhỏ gia đình, người quen đi tự túc hay đi tour khép kín chứ chưa thể kích thích khởi động cả ngành phục hồi trở lại mạnh mẽ.

Đoàn khách tham quan Cần Giờ trong đường tour tri ân do Vietravel tổ chức.

Muốn du lịch trong nước liên thông, có lẽ cần chờ các biện pháp đồng bộ của chính quyền các nơi thực hiện kiểm soát dịch bệnh, kéo giảm về mức nguy cơ thấp cấp 1, 2 và thống nhất biện pháp giao thông thoáng, giảm xét nghiệm, miễn cách ly nếu khách du lịch đã đáp ứng các yêu cầu của bộ tiêu chí an toàn khi đi du lịch. Thậm chí ngay cả có trường hợp rủi ro người trong đoàn bị F0 cũng phải có quy trình tạo thuận lợi cho họ.

Như vậy, khi chưa liên thông du lịch trong nước, chúng ta hãy khoan tính đến chuyện mở cửa du lịch quốc tế, trừ các khu vực biệt lập về địa lý cách xa lục địa như đảo Phú Quốc…

Nếu không, chính quyền các địa phương phải tính toán kế hoạch thiết lập các vùng an toàn khép kín phục vụ du lịch trong khi mặt trận chống dịch toàn tỉnh phải chịu sức ép kiểm soát dịch bệnh, an sinh xã hội, ổn định các ngành kinh tế khác và liên thông hoạt động giao thương với các địa phương khác để lo cho đời sống người dân.

Nguyễn Đức Chí, Chuyên gia du lịch

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối