Đoàn Xá (TPHCM)-
Trong thời gian vừa qua, nhiều cuộc giải cứu nông sản, gia cầm ở khu vực Nam bộ đã được người dân, nhất là người dân ở TPHCM đón nhận nhiệt tình. Tuy nhiên, hiện nay ngoài các điểm bán hàng là cầu nối trực tiếp với nông dân đã thấy xuất hiện những điểm bán hàng tương tự nhưng thực chất là mượn danh “giải cứu” để bán các loại nông sản tồn kho hay hàng dạt kém chất lượng từ các chợ nông sản.
Chị Thúy, ở phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TPHCM cho biết thời gian qua ở đường Nguyễn Thị Tú đoạn đi qua quận Bình Tân xuất hiện rất nhiều điểm bán hàng như chuối, thịt heo… có trưng bảng là “giúp đỡ người dân”. Với giá bán khá rẻ so với thị trường bình thường, các điểm bán hàng này thu hút rất đông người mua, nhất là vào chiều tối khi công nhân, người lao động đi làm về. “Lúc đầu cứ nghĩ đây là điểm bán hàng nông sản giúp người dân ở Đồng Nai nên tôi thường ghé lại mua chuối, mua gà nhưng sau thấy chất lượng sản phẩm không như ý. Để ý kỹ thì thấy đây gần như là hàng kém chất lượng, hàng thải ở các chợ nông sản mà nhiều người vẫn đẩy xe đi bán dạo. Sau đó hỏi người bán hàng về nguồn gốc nông sản, giấy cấp phép hay chứng nhận của cơ quan chức năng về nguồn gốc hàng giải cứu thì người bán hàng ở đây không có”, chị cho biết thêm.
Không chỉ các nông sản như chuối, dưa hấu, mít… nhiều người dân cũng phản ánh thịt heo, thịt gà được bày bán nhiều ở khu vực ngoại ô TPHCM cũng có chất lượng khá mập mờ, có dấu hiệu các tiểu thương bán lẻ đội lốt việc giải cứu để buôn bán, trục lợi. Cụ thể, người dân ở đường Phan Văn Hớn (huyện Hóc Môn) cho biết nhiều tiểu thương bán thịt heo thường ghi các biển quảng cáo là heo nhà, heo tự mổ bán… để thu hút người mua. “Thực tế là những điểm bán thịt heo này có giá rẻ hơn so với mặt bằng chung nên nhiều người cũng thích thú. Tuy nhiên, chất lượng cũng như nguồn gốc những mặt hàng này thì hầu hết không kiểm soát được. Nếu có mua phải heo chết, heo bệnh… thì cũng đành phải chấp nhận chứ không biết làm sao”, một khách hàng mua thịt heo ở đây cho biết.
Có thể nói, phong trào giải cứu nông sản, gia cầm thời gian qua là phong trào có ý nghĩa, thiết thực với mục đích giúp đỡ những người nông dân khi khó khăn và cũng là cầu nối gắn người tiêu dùng với người sản xuất trong nước. Nhưng các cơ quan quản lý nhà nước ở cấp địa phương dường như chưa có biện pháp kiểm soát nào đối với những hoạt động của phong trào này dẫn đến tình trạng bị một số tiểu thương trục lợi. Người tiêu dùng, về phần mình, cũng nên xem kỹ chất lượng của mặt hàng trước khi mua như một cách tự bảo vệ mình và gia đình.