Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ĐBSCL

Với việc khởi công xây dựng dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ góp phần hoàn chỉnh trục cao tốc kết nối từ TPHCM đến Cần Thơ. Đây cũng là động lực quan trọng giúp thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khi dự án hoàn thành vào năm 2023.

Các đơn vị thi công khởi động máy tại lễ khởi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh

Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải tại lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1 diễn ra ở tỉnh Vĩnh Long vào hôm nay, 4-1, cho thấy đây là dự án nằm trong tổng thể trục đường cao tốc từ TPHCM đến TP Cần Thơ và là một bộ phận của trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 140/QĐ-TTg ngày 21-1-2010.

Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tại lễ khởi công cho biết, đoạn cao tốc từ TPHCM đến Cần Thơ được chia ra làm bốn đoạn, gồm đoạn TPHCM - Trung Lương đã khai thác từ tháng 2-2010; đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận đang được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), dự kiến đưa vào sử dụng từ tháng 4-2021; cầu Mỹ thuận 2 đang được đầu tư xây dựng bằng vốn trái phiếu Chính phủ, dự kiến đưa vào sử dụng vào năm 2023 và đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, cho thấy việc đầu tư đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ giúp hoàn chỉnh toàn tuyến cao tốc từ TPHCM đến Cần Thơ. Qua đó, ngoài việc góp phần “chia lửa” nhu cầu vận tải khi tuyến Quốc lộ 1 đã quá tải, còn giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh của các địa phương ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cho biết bên cạnh khởi công xây dựng cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, ngay trong năm nay, sẽ chuẩn bị dự án khả thi để tiếp tục khởi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thời gian tới. Đồng thời, sẽ đầu tư tuyến đường ven biển phía Đông và Tây của vùng ĐBSCL với chiều dài khoảng 400km.

Theo Thủ tướng, việc đầu tư tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần kết nối toàn tuyến cao tốc từ TPHCM về Cần Thơ được đồng bộ, hoàn chỉnh. "Đây là những yêu cầu quan trọng để phát triển ĐBSCL", Thủ tướng nhấn mạnh.

Được biết, dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 4.826,23 tỉ đồng (đầu tư bằng vốn ngân sách) do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư; Tổng công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý Dự án Hạ tầng giao thông Cửu Long được giao là đơn vị quản lý dự án. Theo đó, dự án cao tốc này có chiều dài 22,97 km, có điểm đầu tại km107+363,08 thuộc địa phận phường Tân Hòa, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long; điểm cuối tại km 130+337 (nút giao Chà Và, kết nối quốc lộ 1 hiện hữu), thuộc địa phận xã Thuận An, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được xây dựng với quy mô tuyến chính đạt tiêu chuẩn đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100km/giờ, có quy mô 6 làn xe (bề rộng nền đường là 32,25m). Trong đó, ở giai đoạn 1, có quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường 17m, có vận tốc thiết kế là 80km/giờ.

Liên quan đến dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, ba gói thầu xây lắp đã tìm được nhà thầu thi công, trong đó, có hai gói thầu vừa được Bộ Giao thông Vận tải ký phê duyệt lựa chọn nhà thầu.

Theo đó, gói thầu XL-01 sẽ thực hiện xây dựng đoạn tuyến từ km 107+363,08 đến km 113+500, do liên danh Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C - Công ty TNHH Nhạc Sơn - Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng thực hiện với giá trúng thầu là 809 tỉ đồng, có thời gian thực hiện là 24 tháng.

Gói thầu XL-02 xây dựng đoạn tuyến km 113+500 đến km 120+500, do liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 thực hiện với giá 705 tỉ đồng, thời gian thực hiện 24 tháng.

Gói thầu cuối cùng là XL-03 đã trúng thầu trước đó, thực hiện xây dựng đoạn tuyến km 120+500 đến km 130+337, do liên danh Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Hải Thạch - Công ty cổ phần Xây dựng Tân Nam - Tổng công ty 36 đảm nhận với giá trúng thầu là 1.407 tỉ đồng, thời gian thực hiện là 24 tháng. Cả ba liên danh thực hiện ba gói thầu gồm XL-01, XL-02, XL-03 đều thực hiện hạng mục khảo sát và thiết kế bản vẽ thi công.

Tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, Bộ Giao thông Vận tải, chủ đầu tư, tư vấn giám sát và các đơn vị thi công phải đảm bảo tốt nhất chất lượng công trình cũng như tiến độ thi công. "Ngoài ra, các đơn vị liên quan cần nhanh chóng giải phóng phần mặt bằng còn lại để bàn giao cho các nhà thầu triển khai thi công", Thủ tướng chỉ đạo.

Trung Chánh

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối