Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Cắt bỏ phần nấm mốc trong thực phẩm liệu có an toàn?

(SGTTO) - Nhiều người khi thấy đồ ăn bị nấm mốc thường có thói quen cắt bỏ phần bị mốc và tiếp tục ăn phần còn lại. Như vậy liệu có an toàn hay không?

Ảnh minh họa: Freepik

Hầu hết những người khỏe mạnh đều có thể vô tình ăn phải nấm mốc và cảm thấy không sao. Điều này phụ thuộc nhiều vào loại thực phẩm mà bạn ăn và hệ thống miễn dịch của bạn.

Trên thực tế, có một số loại thực phẩm, như Roquefort-phô mai sữa cừu, gorgonzola-phô mai Ý có gân làm từ sữa bò không đường, và các loại phô mai xanh khác đều được cấy thêm nấm mốc vào để tạo màu và hương vị. Hãy tham khảo giải thích của các chuyên gia về câu chuyện nấm mốc.

Nấm mốc tạo ra chất độc

Theo ông Robert Gravani, Giáo sư tại Đại học Cornell ở Ithaca, New York (Mỹ), thì một số nấm mốc có độc tính rất cao. Ví dụ như nấm mốc do loài Aspergillus sinh ra có thể gây ra nhiễm độc aflatoxicosis, một dạng ngộ độc cấp tính đe dọa tính mạng với khả năng gây tổn thương gan.

Loại nấm mốc này có xu hướng ẩn náu trong các loại ngũ cốc; các loại hạt có dầu, chẳng hạn như đậu tương, đậu phộng, hướng dương và hạt bông; các loại gia vị; và các loại hạt cây.

Cũng có loại có ích

Không phải tất cả các loại nấm mốc đều gây hại cho sức khỏe mà ngược lại một số loại còn tốt cho con người. Tiến sĩ Ivanina Elena Ivanina ở Bệnh viện Lenox Hill, thành phố New York (Mỹ), cho biết về Penicillin - loại thuốc kháng sinh có khả năng cứu sống con người là một loại kháng sinh thu được từ nấm Penicillium.

Không nên ngửi thực phẩm để xác định nấm mốc

Giáo sư Robert Gravani nói, ngoài nguy cơ gây bệnh, thực phẩm bị mốc sẽ không còn ngon như lúc đầu. Hầu hết các loại nấm mốc trên các loại thực phẩm mềm sẽ có vị như đất hoặc bụi. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) khuyên mọi người không bao giờ được ngửi nấm mốc để chắc chắn rằng đó là nấm mốc, vì nếu ngửi bạn có thể gặp các vấn đề về hô hấp.

Một số cách xử lý nấm mốc cơ bản với thực phẩm:

Phô mai: Tùy vào từng loại phô mai mà chúng ta có nhiều cách xử lý khác nhau. Phô mai cứng có thể dùng tiếp với điều kiện bạn phải cắt bỏ ít nhất 2,5cm xung quanh và bên dưới chỗ mốc. Nhớ để dao cách xa phần mốc để tránh bị dính mốc. Tuy nhiên, nếu bị mốc nhiều, bạn nên bỏ đi. Nếu bạn thấy nấm mốc trên phô mai mềm như phô mai tươi, phô mai kem hoặc tất cả các loại phô mai vụn và cắt lát, đừng nên tiếc, hãy vứt bỏ. Những loại phô mai này có thể bị ô nhiễm bên dưới bề mặt và cùng với đó có thể có vi khuẩn phát triển cùng với nấm mốc.

Hoa quả và rau: Hãy vứt bỏ trái cây và các loại rau mềm như dưa leo, đào và cà chua nếu bạn thấy có nấm mốc bởi chúng có thể bị nhiễm khuẩn ở phía dưới bề mặt. Các sợi "rễ" từ nấm mốc có thể ăn sâu vào trong các loại củ quả, đặc biệt là khi chúng có biểu hiện nấm mốc nhiều. Với những loại rau củ cứng như bắp cải, ớt chuông và cà rốt, bạn có thể sử dụng sau khi cắt hết phần bị mốc. Độ ẩm thấp trong các loại trái cây cứng này khiến nấm mốc không dễ dàng xâm nhập.

Thịt xông khói hoặc xúc xích: Những loại thực phẩm này khi bị mốc là tuyệt đối không nên ăn bởi chúng có thể bị nhiễm khuẩn dưới bề mặt và có thể chứa vi khuẩn.

Salami (xúc xích sấy khô),dăm bông phơi khô: Bạn có thể giữ lại những loại thịt này nhưng phải chà sạch hết nấm mốc trên bề mặt.

Thịt hầm chín và thịt gia cầm còn sót lại: Loại bỏ những thứ này nếu bạn thấy nấm mốc vì rất có thể nấm sẽ bám sâu và có thể mang theo vi khuẩn. Không nên sử dụng những thức ăn thừa trong vòng ba hoặc bốn ngày cũng là một cách tránh ăn phải thức ăn bị mốc.

Ngũ cốc và mì ống nấu chín: Giống như các loại thức ăn thừa khác, nếu bạn thấy nấm mốc trên ngũ cốc hoặc mì ống đã nấu chín, hãy vứt đi để tránh nấm mốc dưới bề mặt và vi khuẩn.

Sữa chua và kem chua: Nếu bạn thấy nấm mốc, hãy vứt bỏ sữa chua và kem chua ngay lập tức. Nấm mốc cũng có thể phát triển bên dưới bề mặt và rất có thể nấm mốc đang di chuyển cùng vi khuẩn ở những phần khác của sữa chua và kem chua.

Mứt và thạch: Bạn nên vứt những thứ này vào thùng rác nếu thấy có nấm mốc. Những thực phẩm này có thể tạo ra độc tố nấm mốc nếu chúng phát triển thành nấm mốc, đó là lý do tại sao các nhà vi trùng học cảnh báo không bao giờ vớt nấm mốc ra rồi sử dụng phần còn lại.

Bánh mì và bánh nướng: Tiến sĩ Ivanina Elena Ivanina cho biết hãy loại bỏ bánh mì và bánh nướng bị mốc. “Nấm mốc có thể lây lan rất nhanh trên những thứ mềm như bánh mì và bánh mì chuối”.

Bơ đậu phộng, các loại đậu và hạt: Hãy bỏ những thứ này đi vì thực phẩm chế biến không dùng chất bảo quản có nguy cơ bị nấm mốc cao.

Một số lưu ý để tránh ăn phải nấm mốc:

  • Việc ngăn ngừa nấm mốc hình thành có thể giúp bạn giữ được thực phẩm tươi ngon và tránh lãng phí vì không phải vứt bỏ thức ăn. Hãy cất trái cây và rau quả vào từng túi nhựa rồi để trong ngăn kéo đựng rau củ của tủ lạnh.
  • Đậy kín thực phẩm khi dùng để tránh tiếp xúc với bào tử nấm mốc trong không khí và dùng màng bọc thực phẩm để bọc thực phẩm bạn muốn giữ ẩm để tránh nấm mốc.
  • Thường xuyên đổ những hộp thực phẩm dễ hỏng đã mở vào hộp sạch và cất vào tủ lạnh ngay. Không bao giờ để bất kỳ đồ dễ hỏng nào ở bên ngoài quá hai giờ.

Thanh Thảo

Theo The Healthy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối