Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Chạm ngõ ngành công nghiệp thiết kế toàn cầu

(SGTT) - Vừa qua, giải thưởng Thiết kế Việt Nam VMARK lần thứ 4 diễn ra đã tạo sân chơi giao lưu, vinh danh nhiều giải thưởng của các tác giả trong và ngoài nước tham gia. Trên sàn diễn thời trang, khán giả nước ngoài cũng có dịp chiêm ngưỡng nhiều bộ sưu tập từ nhà thiết kế Việt. Tuy vậy trong hành trình bước ra quốc tế, những nhà sáng tạo vẫn còn gặp nhiều thách thức nhằm định vị mình mạnh mẽ hơn.

Nỗ lực tạo cơ hội giao lưu quốc tế

Lĩnh vực thiết kế đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của công nghiệp sáng tạo. Qua nhiều năm, một số đơn vị, tổ chức trong nước ngày càng tạo nhiều diễn đàn, sân chơi để hợp tác, tổ chức sự kiện quốc tế thu hút nhân lực trong và ngoài nước góp mặt. Ông Hồ Tấn Dương, Chủ tịch Hiệp hội Thiết kế TPHCM (VDAS) chia sẻ trong bốn mùa giải thưởng thiết kế VMARK diễn ra, hội đồng ban giám khảo quy tụ mỗi lúc một nhiều hơn những thành viên thuộc tổ chức, hiệp hội thiết kế uy tín trên thế giới. Sự kiện đã nhận dự án có quy mô lớn từ các đơn vị, công ty tham gia tranh giải.

Chia sẻ với KTSG Online, ông Tấn Dương nhấn mạnh “Hiệp hội thiết kế của chúng tôi đã tiên phong kết nối, giao lưu thường xuyên với các sự kiện thiết kế quốc tế trong khu vực và ngay cả tại Việt Nam, nên qua đó các mối quan hệ quốc tế ngày càng phát triển mạnh và phong phú trong nhiều lĩnh vực của ngành”

Tuy nhiên, ngành còn nhiều thách thức phải vượt qua. Điều này bao gồm việc cải thiện môi trường kinh doanh sáng tạo, phát triển hệ thống, đặc biệt chưa có sự hỗ trợ chính sách, nguồn tài chính từ chính phủ cho các doanh nghiệp và hoạt động sáng tạo để thúc đẩy hợp tác nhiều hơn giữa các quốc gia trong khu vực.

Đêm trao giải thưởng thiết kế VMARK 2023. Ảnh: BTC

Theo Chủ tịch Hiệp hội Thiết kế TPHCM, các năm trước, quy chế giải thưởng VMARK chỉ áp dụng cho các dự án được thiết kế và xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam. Năm nay hiệp hội đã mở rộng các dự án tham gia bên ngoài phạm vi quốc gia và thêm một số thể loại mới ngoài thiết kế nội thất và kiến trúc. “Chúng tôi nhận rất nhiều dự án thiết kế khắp thế giới, vinh dự vinh danh cho các thương hiệu hàng đầu thế giới như LG, và Mitsubishi”, ông nói thêm.

Mới đây, nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường, Giám đốc sáng tạo của thương hiệu thời trang Sixdo đã giới thiệu bộ sưu tập mới tại Tuần lễ thời trang New York Xuân – Hè 2024. Bộ sưu tập gồm 50 mẫu thiết kế, lấy cảm hứng từ hình ảnh của các fashionista tại New York, với màu sắc chủ đạo là đen, trắng, hồng. Anh đánh giá chuyến xuất ngoại này thành công hơn mong đợi khi có nhiều ngôi sao quốc tế chọn diện các thiết kế của mình.

“Thế giới càng phẳng là lúc những cơ hội được trao đi càng nhiều. Chúng ta có nhiều con đường để tiếp cận với quốc tế, thông qua các sự kiện lớn, quy mô, hoặc thậm chí hiện tại mạng xã hội cũng là hướng đi khá tốt. Đây là điều đáng mừng và nhiều nhà thiết kế đang tận dụng những cơ hội này”, anh tiết lộ.

Thách thức bước ra sàn diễn nước ngoài

Trong khoảng 5 năm gần đây, thời trang Việt Nam đã có những cái tên xuất hiện trên thị trường quốc tế. Trong đó, việc ngày càng nhiều nhà thiết kế được góp mặt ở các tuần lễ thời trang lớn, uy tín là tín hiệu tích cực. Theo đại diện Sixdo, những bước chân ra quốc tế không phải một cuộc dạo chơi, mà phải là hành trình chinh phục chuẩn bị dài ngày. Ngay trong thời điểm dịch bệnh bắt đầu bùng phát mạnh, doanh nghiệp mang nhiều nỗi trăn trở khi kinh tế có dấu hiệu khó khăn và sức mua trên thị trường thời trang có xu hướng giảm, nhưng sau 3 năm, Sixdo đã có 60 cửa hàng trên cả nước.

Người mẫu nước ngoài diện thiết kế của Việt Nam. Ảnh: NVCC

“Nhìn chung, hành trình dài không phải là việc ta đã giới thiệu bao nhiêu bộ sưu tập, mẫu thiết kế mà phải là việc xây dựng được thị trường, tệp khách hàng. Bởi đó mới là nguồn lực để duy trì, phát triển thương hiệu”, nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường nói.

Vào tháng 9 vừa qua, nhà thiết kế thời trang Hồ Trần Dạ Thảo, Giám đốc sáng tạo của công ty thời trang Tsafari đã mang bộ sưu tập “Di sản – Xuyên không gian” đến trình diễn tại Tuần lễ thời trang House of iKons Fashion Week 2023 tại London, Anh. Đây là sự kiện thời trang quốc tế thường niên do House of iKons tổ chức từ năm 2014 trong khuôn khổ Tuần lễ thời trang London (London Fashion Week) vào tháng 2 và tháng 9 hàng năm. House of iKons Fashion Week 2023 thu hút hàng trăm người mẫu quốc tế và các nhà thiết kế đến từ Việt Nam, Mỹ, Ý, Phần Lan, Anh, Thái Lan, Philippines…

Buổi trình diễn nêu trên cũng là một hoạt động nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, góp phần quảng bá các giá trị truyền thống, nét văn hóa, thời trang truyền thống của Việt Nam tại Anh.

Nhà thiết kế Hồ Trần Dạ Thảo (thứ hai, bên trái) nhận hoa chúc mừng từ Phó Đại sứ Việt Nam tại Anh Tô Minh Thu tại buổi trình diễn House of iKons Fashion Week 2023 ở London, Anh. Ảnh: TTXVN

Theo chia sẻ của nhà thiết kế Hồ Trần Dạ Thảo, “Di sản – Xuyên không gian” là một bộ sưu tập đặc biệt khi chính chị dành nhiều năm tâm huyết nghiên cứu, tìm hiểu các nét đẹp trong trang phục truyền thống và văn hóa dân tộc và sau đó thử nghiệm, phục hồi những họa tiết đó một cách cầu kỳ, tinh tế và thực sự riêng biệt trong từng tác phẩm. Chị bật mí ý nghĩa tên của bộ sưu tập là sự xuyên không từ quá khứ, hiện tại và tương lai của các họa tiết gấm bào thế kỷ 16 đến 19, được vẽ, in lên các chất liệu từ thiên nhiên như vải sợi sen, sợi tơ tằm, chiffon, đũi…

Rõ ràng, việc bước ra thị trường thế giới là điều cần thiết, bởi nhà sáng tạo sẽ có cơ hội được học, trải nghiệm, đối diện với thử thách khó thể hình dung ngay tại thị trường Việt Nam.

Theo nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường, thứ nhất, việc tiến thân vào một môi trường mới, tạo dựng ấn tượng, lấy được lòng tin của khách hàng chắc chắn không dễ. Thứ hai, mức độ cạnh tranh rất lớn riêng tại Mỹ, là nơi quy tụ hầu hết thương hiệu đình đám thế giới có mặt. Trong khi đó, người dân nơi đây có điều kiện kinh tế tốt, khá dễ tiếp cận với hàng hiệu. Thứ ba, điều kiện cơ sở vật chất tại những thị trường lớn đắt đỏ hơn rất nhiều so với Việt Nam. Vì thế, muốn đặt nền tảng phát triển tại đây thì bài toán lợi nhuận lại càng phải được tính kĩ. Thứ tư, những khác biệt về tính chất thị trường, con người, văn hoá… cũng là thách thức.

Nhà thiết kế tâm sự sự phát triển hiện tại của ngành thời trang là tất yếu khi nhu cầu mặc đẹp, ý thức về vẻ ngoài của người dân càng gia tăng. Điều đó cũng đồng nghĩa kinh tế và đời sống cá nhân họ có chuyển biến tích cực. Càng nhiều thương hiệu phát triển, càng tạo ra sự lựa chọn đa dạng cho người tiêu dùng. Doanh nghiệp nội địa sẽ tìm được cơ hội nếu xác định và duy trì bản sắc, chất lượng, chiến lược, định hướng phát triển. Trang phục phải bước vào cuộc sống đời thường và có sức sống mãnh liệt ở đó, chứ không chỉ xuất hiện chớp nhoáng trên sàn diễn và chấm hết.

Chủ tịch Hiệp hội Thiết kế Việt Nam cũng cho rằng ngành thời trang đang phát triển mạnh qua các sàn diễn, ý tưởng mới lạ, bay bổng. Để hiện thực giấc mơ Việt Nam có các thương hiệu thời trang lớn, người trong ngành quay lại bài toán đầu tư cho giáo dục, giúp biến các ý tưởng thiết kế thành nền công nghiệp thời trang có tính ứng dụng đa dạng hơn.

“Một số trường đại học đã bắt đầu mở chuyên ngành đào tạo kinh doanh thời trang. Trong tương lai gần, các bộ sưu tập của nhà thiết kế bùng nổ, ứng dụng cao, khi đó việc các thương hiệu thời trang Việt bước ra thế giới như Zara, Shein… không còn là giấc mơ lớn nữa”, ông Hồ Tấn Dương nói.

Hoàng An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối