Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Chàng trai ‘mặt sẹo’ mở tiệm bánh lần hai, viết tiếp giấc mơ khởi nghiệp

(SGTT) – Thất bại ở tuổi 27 không khiến chàng trai chằng chịt những vết bỏng trên người bỏ đi đam mê làm bánh. Trải qua giai đoạn khó khăn với hình hài chưa trọn vẹn, anh Ngô Quý Hải, quê ở Kon Tum tâm sự nếu ngày đó anh không nỗ lực bước ra khỏi mái nhà quẩn quanh sự bảo bọc, không kiến thức và không chữ viết, có thể tương lai chỉ là chuỗi ngày “đi chăn bò”.

Nỗ lực vươn mình để vượt sự tăm tối

Một tai nạn từ lúc mới sinh ra đã khiến cơ thể của anh Hải bị bỏng nặng hoàn toàn. Anh đã có tuổi thơ khó khăn về cả thể xác lẫn tinh thần khi sức khỏe bị ảnh hưởng, hoạt động bất tiện cũng như phải chịu đựng những lời xì xào từ mọi người. Vì vậy, anh đã nghỉ học từ sớm và chỉ biết viết tạm. Nhớ về quá khứ ở mái nhà chung là quãng ngày thu mình vào thế giới riêng, cho đến khi một cuộc đại phẫu tại nước Đức đã giúp anh lấy lại nghị lực sống.

Năm 2016, qua gần 15 lần lên bàn mổ thành công, chịu đựng nhiều cơn đau một mình trên đất khách xa xôi, anh mới thấy quý trọng phần đời mình từng gieo vào nhiều ý nghĩ tiêu cực. Đây là một chương trình được mạnh thường quân, các bên làm thiện nguyện tài trợ cho một vài trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn. Và anh may mắn nhận suất hỗ trợ tài chính, chi phí phẫu thuật lấy lại phần cơ thể bị tổn thương, giúp dễ hoạt động hơn vì bị sẹo bỏng. Sau chữa trị, anh trở về Việt Nam, bắt đầu chủ động tìm học nghề để có cuộc sống như những người bình thường.

Vì vết bỏng từ nhỏ, anh Hải sinh hoạt và cử động khó khăn hơn người bình thường. Ảnh: An Phú

Anh tiết lộ mình đam mê làm bánh và có giấc mơ mở một tiệm bánh cho riêng mình, có điều kiện sẽ phục vụ miễn phí những người yếu thế trong xã hội. Chia sẻ lý do muốn nên duyên nghề thợ bánh, anh kể lúc 10 tuổi, anh từng bị chủ cửa hàng xua đuổi khi bước vào tiệm mua bánh như những đứa trẻ khác. Ngay lúc đó, chàng trai quê Gia Lai quyết tâm sẽ mở tiệm, gắn bó với ngành “bột sữa đường”.

Anh cho biết, có khoảng thời gian anh từng khăn gói ra Hà Nội học bếp, thực tập ở nhiều nhà hàng cho thạo việc, nhưng vì điều kiện sức khỏe không cho phép duy trì công việc cường độ cao ở nhà bếp nên anh xin nghỉ. Cộng với ấp ủ có tiệm bánh của riêng mình lâu nay, anh chuyển hướng học chuyên sâu hơn về bánh và về quê khởi nghiệp lần đầu.

“Tôi nhớ khi được nhận vào làm bếp, có những ngày làm liên tục mười mấy tiếng không thấy mệt. Tôi hứng thú vì tự kiếm ra tiền, tạo ra giá trị như bao người, làm ra thành phẩm cho người khác ăn ngon nên rất vui. Đó là điều tôi chưa từng có vì nghỉ học từ sớm, không đi học khiến tôi có lúc sống không có ước mơ”, anh Hải bộc bạch.

Hành trình thực hiện lời hứa “hướng dương”

Năm 2021, anh về quê nhà kinh doanh bánh và cà phê sau thời gian vừa đi học vừa làm thuê ở các tiệm bánh. Anh kể bài học năm 27 tuổi về kinh doanh cho anh rất nhiều lời nhắc nhở để làm tốt hơn ở tiệm bánh hiện tại (vừa hoạt động được vài tháng tại TPHCM) ở năm 29 tuổi.

Anh Ngô Quý Hải năm nay 29 tuổi với hai lần mở tiệm bánh. Ảnh: An Phú

Nhớ lại lần đầu thử sức khởi nghiệp, anh một thân một mình tự làm hết từ khâu sửa sang mặt bằng, bài trí, thiết kế, lên món, phục vụ, giao hàng… Theo anh Hải, lý do khiến anh thất bại lớn nhất đến từ việc không quản lý được hoạt động của quán cũng như bài toán chi phí, doanh thu không rõ ràng, làm mọi thứ theo bản năng và sở thích, cộng với dịch bệnh xuất hiện khiến chàng trai 27 tuổi không gồng gánh được và đành phải đóng cửa.

“Tôi như rơi vào trạng thái tiêu cực khi khép lại giấc mơ đầu của mình. Mở quán có nhiều khó khăn, làm dịch vụ cần lắm bộ mặt, ngoại hình nên cũng không ít lần khách hàng thấy rồi bỏ đi. Nhưng tất cả là khởi đầu, thất bại sợ thật nhưng không nản, phải làm để chứng minh thôi”, anh bộc bạch.

Sau đó, anh có cơ hội gặp gỡ những người bạn cùng chung tâm huyết ở TPHCM, cả ba hợp sức mở cửa hàng tại đây, quyết tâm khởi nghiệp một lần nữa với tiệm bánh Hướng Dương. Thời gian bước vào ngành bánh khoảng ba năm, anh nhận thấy mình có thế mạnh trong việc sắp xếp, sáng tạo, hơn hết là “độ lì” để làm dịch vụ, kinh doanh ngành hàng chín người mười ý này.

Tiệm bánh hiện tại ở TPHCM có sự chung tay từ ba thành viên. Ảnh: An Phú

Theo anh Hải, anh mạnh về mảng bánh Âu, và để quảng bá tiệm mới, anh học xây dựng kênh trên các nền tảng mạng xã hội để có đơn hàng mỗi ngày. Anh hy vọng khách hàng ngoài thưởng thức hương vị, họ có thể cảm nhận được câu chuyện khác biệt anh gửi vào từng thành phẩm của mình. “Đó là sự vươn lên, tôi mong họ sẽ không tiêu cực trong mọi chuyện và nhìn thấy cuộc sống không xấu như họ nghĩ, xã hội cũng không bất công cho những người luôn hướng về mặt trời như hoa hướng dương”, anh tâm sự.

Trong tương lai, anh có tâm niệm dành 1-2 ngày làm bánh tặng các trung tâm nuôi dạy những hoàn cảnh kém may mắn, bởi giờ đây anh không còn một mình đối diện với những khó khăn như lần đầu tiên. Đây là việc làm anh mong muốn gửi lời cảm ơn đến những sự hỗ trợ, giúp sức mà anh đã nhận được từ cộng đồng, lan tỏa một chút niềm vui như tên gọi của tiệm bánh. Đặc biệt, tiệm bánh hoạt động ổn định cũng là món quà nhỏ dành cho bố mẹ ở quê tin tưởng vào tương lai của anh sau này.

Chàng trai nỗ lực hoàn thiện cửa hàng, phát triển nhiều kỹ năng cho bản thân để giới thiệu "đứa con" mới. Ảnh: An Phú

“Tôi đang tập trung học thêm, phát triển chất lượng chứ không phải để khách tò mò vì tôi rồi đến một lần mà thôi. Tôi có suy nghĩ chậm mà chắc, đi lên bằng giá trị tay nghề, nếu không ở TPHCM, tôi cũng có thể về quê hay đi bất cứ đâu thỏa đam mê của mình”, anh nói.

An Phú

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối