Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Chạnh nghĩ về người nông dân Việt Nam

Võ Tòng Xuân

Ông bà ta nói: biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Trong lãnh vực nông nghiệp, suốt gần 40 năm sống trong hòa bình, nông nghiệp đã giúp ổn định xã hội, đưa đất nước Việt Nam đứng vào hàng nhất nhì trên thế giới xuất khẩu gạo, cà phê, cao su, tiêu, khoai mì, thủy sản… Nhưng người nông dân làm ra những sản phẩm ấy vẫn còn là tầng lớp có thu nhập thấp và bấp bênh. Cũng là người Đông Á, người Nhật Bản chỉ cần 15 năm, và người Hàn Quốc chỉ cần 25 năm để đạt đến mức an sinh và sung túc cho nông dân. Còn phần lớn nông dân Việt Nam đến nay chỉ thu nhập từ đủ đến thiếu ăn.

Lại một mùa xuân đang đến, ngày tết, chạnh nghĩ về người nông dân Việt Nam khi nhìn đến những nông dân Hàn Quốc, Nhật Bản như đề cập trong phần dẫn nhập. Có nhiều nguyên nhân khiến phần đông nông dân ta chưa giàu. Ở đây, xin thử bàn đến một số nguyên nhân chủ quan đối với người nông dân khiến cho năng lực cạnh tranh của họ còn thấp.

Lực cản năng lực cạnh tranh

Năng lực cạnh tranh của một người tùy thuộc vào trình độ học vấn chuyên môn. Tôi nhớ một lần đi Đan Mạch nghiên cứu về hợp tác xã nông nghiệp, tôi viếng gia đình một xã viên. Ông chủ hộ giới thiệu người vợ lớn tuổi và con gái xong, quay qua một thanh niên và giới thiệu “gia đình tôi hãnh diện có chú rể là một nông dân!”.

Một cú sốc văn hóa đối với tôi, vì ở Việt Nam, thường chúng ta hãnh diện có chàng rể làm bác sĩ, kỹ sư, đâu có ai hãnh diện với chàng rể làm nông dân! Hỏi ra mới biết là ông cụ lớn tuổi này sắp nghỉ hưu, nếu trong nhà không ai có bằng cấp nông nghiệp để nối nghiệp thì phải giao đất cho người khác. Chú rể này có bằng trung cấp nông nghiệp, có quyền khai thác nông nghiệp trên đất nhà.

Nông dân Việt Nam thường làm theo kinh nghiệm lão nông chứ ít làm theo đúng kỹ thuật do ngành nông nghiệp khuyến cáo. Ảnh: Trung Chánh
Nông dân Việt Nam thường làm theo kinh nghiệm lão nông chứ ít làm theo đúng kỹ thuật do ngành nông nghiệp khuyến cáo. Ảnh: Trung Chánh

Liên tưởng đến Việt Nam, phần lớn chỉ có người không học, không có bằng cấp gì thì mới làm ruộng. Ông nông dân Đan Mạch hoặc nông dân Nhật Bản sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật do ngành nông nghiệp khuyến cáo, còn ông nông dân Việt Nam thì làm theo kinh nghiệm lão nông chứ ít theo đúng khuyến cáo, ngoại trừ nông dân có ký hợp đồng sản xuất theo “liên kết 4 nhà”.

Nông dân Việt Nam sản xuất như thế nên luôn có giá thành rất cao, khó cạnh tranh. Thí dụ, trong sản xuất lúa, người sản xuất theo kinh nghiệm lão nông (sạ quá dày, không bón phân lót, bón quá nhiều phân đạm, quyến rũ nhiều sâu bệnh) giá thành sản xuất 1 kg lúa có thể lên đến 3.800-4.000 đồng. Trong khi người sản xuất theo quy trình GAP trong các hợp đồng “liên kết 4 nhà” thì giá thành 1 kg lúa chỉ có 2.300-2.500 đồng nhờ bón đúng lượng phân cân đối, và bón lót, cùng sạ thưa, ít sâu bệnh. Hoặc trong ngành đường mía, nông dân Việt Nam trồng 1 tấn mía cây phải tốn 50-55 đô la Mỹ, trong khi Thái Lan 30 đô la, Úc 20 đô la, Brazil 16 đô la.

Một lý do khác khiến giá thành sản xuất tăng cao là áp dụng kỹ thuật làm trái thiên nhiên. Lấy trường hợp sản xuất lúa. Tại Thái Lan, đại đa số nông dân trồng lúa trúng mùa chất lượng cao, nhưng năng suất chỉ đạt 2,8-3,2 tấn/ha. Họ đợi có mưa mới lo cày bừa chuẩn bị cấy lúa. Khi lúa lớn lên, người ta chỉ bón vừa đủ phân cân đối và cứ để trời mưa nuôi lúa đến khi thu hoạch thì cũng dứt mưa. Họ ít tốn thuốc trừ sâu bệnh và không tốn nước thủy lợi. Còn nông dân Việt Nam dùng kỹ thuật mới để tăng 2-3 vụ lúa cao sản, ngắn ngày. Trong mùa khô thì lấy nước thủy lợi vào cày bừa; trong mùa mưa thì bơm nước ra cho cạn ruộng để bừa trục đất. Nông dân bón phân đạm nhiều để thấy màu xanh của cây lúa, nhưng vì thế đồng ruộng quyến rũ nhiều sâu bệnh.

[box type="bio"] Nông nghiệp của chúng ta còn nhiều mặt hàng triển vọng, có thể xuất khẩu nhưng thiếu người đi tìm hoặc mở thị trường, và thiếu doanh nghiệp biết tổ chức sản xuất một cách khoa học. Mong sao mùa xuân này có nhà doanh nghiệp đầu năm tổ chức kinh doanh một mặt hàng triển vọng của Việt Nam.[/box]

Ở đồng bằng sông Cửu Long là như thế, còn ở đồng bằng sông Hồng miền Bắc, trồng lúa càng tốn kém: quanh năm người nông dân trồng lúa như chiến đấu với bốn “kẻ thù” là xuân, hạ, thu, đông. Mùa nào cũng phải chống: từ đông sang xuân phải chống rét hại mạ non và lúa non mới cấy; mùa hè thì chống hạn, mùa thu thì chống úng và bão. Tất cả đều rất tốn kém.

Ngày xưa không làm thế thì không có gạo ăn. Nhưng ngày nay thì ta dư thừa gạo để xuất khẩu, không nhất thiết phải trồng lúa. Từ đó Nhà nước đã có chủ trương chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, thay vì trồng lúa, nông dân có thể trồng cây khác, hoặc nuôi trồng thủy sản, đạt lợi tức cao hơn, với điều kiện có bộ phận tìm hoặc mở thị trường cho những sản phẩm mới này. Thí dụ, trong vụ đông ở miền Bắc, thay vì chống cái rét của trời đất thì ta lợi dụng cái rét ấy để trồng khoai tây, là cây trồng chỉ tạo củ được trong nhiệt độ lạnh. Với giống khoai tây cao sản từ Trung tâm Khoai tây quốc tế ở Peru, nông dân Thái Bình có thể đạt 30 tấn củ/ha trong khi trồng lúa tốn kém và chật vật lắm mới chỉ được 5 tấn/ha. Hoặc ở tỉnh Vĩnh Long, nông dân có thể thay lúa bằng khoai lang đạt 25 tấn củ/ha.

Tương tự như thế, nông dân Việt Nam trồng đậu nành cũng giá thành cao, trồng bắp cũng cao. Do đó chúng ta đã nhập khẩu đậu nành và bắp rẻ hơn trồng trong nước. Việc hô hào cho nông dân chuyển đất lúa để trồng bắp và đậu nành, nói thì dễ nhưng trồng rất khó. Khó thứ nhất là chuyển đất lúa thành đất bắp hoặc đậu nành là phải phục hồi cấu trúc tơi xốp của đất, rất tốn kém. Khó thứ hai là tập quán canh tác của nông dân vẫn bón nhiều phân đạm, quyến rũ nhiều sâu bệnh, lại phải tốn tiền mua và phun thuốc.

Ngoài ra, tình trạng đất ruộng manh mún là một lực cản rất lớn cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nông dân Việt Nam. Các nơi sản xuất với giá thành thấp nhất đều là vùng đất liền thửa nhau hàng trăm ha đến hàng ngàn ha. Do đó, cần những giải pháp để nông dân đưa phần đất manh mún của mình vào vùng quy hoạch cánh đồng lớn.

 

Cần lắm tiếp thị nông nghiệp!

Tiếp thị đóng vai trò rất lớn trong phát triển nông nghiệp, vừa giúp lực lượng nông dân khắc phục tình trạng thấp kém trong năng lực cạnh tranh, vừa giúp phát huy những thế mạnh tiềm tàng.

Trong chính sách tái cơ cấu nông nghiệp, từ người nông dân đến lãnh đạo địa phương không thể quyết định phải sản xuất hàng hóa gì, theo phương pháp nào. Tất cả đều phải theo tín hiệu của thị trường. Thị trường có thể được tìm ra ở đâu đấy (thí dụ, khoai lang cần ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…), hoặc có thể mở ra tại đâu đấy (thí dụ, khoai tây của Nam Mỹ được giới thiệu cho châu Âu và trở thành món ăn hàng ngày của người dân phương Tây; mít sấy Việt Nam được giới thiệu ra các nước lân cận, được 20 quốc gia nhập khẩu).

Cần nhiều doanh nhân có tài kinh doanh để biến một mặt hàng vô danh nhưng có tiềm năng trở thành một mặt hàng được nhiều người ưa dùng, nhất là ở thị trường quốc tế. Một thí dụ rất điển hình mà tôi nhớ mãi là trường hợp cá basa của Việt Nam thâm nhập thị trường Mỹ một cách thành công nhanh chóng là nhờ một doanh nhân Việt Nam (gốc Hoa), anh Ngô Húa.

Đầu năm 1999, anh chị Húa về thăm nhà, được mời ăn canh chua cá basa. Anh Húa phát hiện thịt cá basa ngon hơn thị cá nheo (đồng loại với basa – gọi chung với tên “catfish”). Lập tức anh mua ngay hai con-ten-nơ phi lê cá basa đưa sang triển lãm ở Hội chợ Thủy sản quốc tế Boston, Đông Bắc nước Mỹ, vào tháng 3-1999. Anh cho thiết kế tờ rơi giới thiệu đặc tính độc đáo thịt cá basa, đồng thời mướn sinh viên học ngành nấu ăn chế biến cá basa thành những món ăn lạ miệng để đãi khách hàng đến viếng quầy triển lãm của Công ty H&N. Tiếp theo đến tháng 9-1999, Công ty H&N triển lãm cá basa lần nữa trong hội chợ thủy sản quốc tế tại vùng biển miền Tây. Lần này anh Húa mướn ông Gary Puetz, một thợ nấu ăn danh tiếng của Mỹ, trả ông ấy mỗi ngày 5.000 đô la để ông ấy biểu diễn nấu các món ăn ngon từ cá basa Việt Nam mà ông rất thích ăn. Trong dịp này, công ty nhận được nhiều đơn đặt hàng của những siêu thị, nhà hàng Mỹ. Đây là cách tiếp thị độc đáo, rất tốn kém, nhưng nhờ đó người tiêu dùng Mỹ biết danh cá basa, mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành nuôi trồng thủy sản nước ngọt Việt Nam, nay đã được xuất đi trên 100 quốc gia.

Nông nghiệp của chúng ta còn nhiều mặt hàng triển vọng, có thể xuất khẩu nhưng thiếu người đi tìm hoặc mở thị trường, và thiếu doanh nghiệp biết tổ chức sản xuất một cách khoa học. Mong sao mùa xuân này có nhà doanh nghiệp đầu năm tổ chức kinh doanh một mặt hàng triển vọng của Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối