Thứ bảy, Tháng Một 11, 2025

Chất lượng nữ trang: Cẩn trọng không thừa

THẢO NGUYÊN -

Ba năm qua, kể từ khi Thông tư 22/2013/TT-BKHCN quy định về quản lý, đo lường chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ có hiệu lực, vàng nữ trang tại thị trường TPHCM có những chuyển biến đáng kể về mặt chất lượng. Tuy nhiên, người dùng vẫn nên cẩn trọng khi mua nữ trang, bởi ngoài vàng vẫn còn những nguyên liệu khác trên sản phẩm nữ trang mà doanh nghiệp có thể nhập nhèm.

Gian lận tuổi vàng đã bớt

nu-trang-2Khách hàng đang chọn nữ trang có gắn nhãn theo quy định tại tiệm vàng Mi Hồng, quận Bình Thạnh, TPHCM.  Ảnh: Thành Hoa

Trước đây, gian lận tuổi vàng là vấn đề nhức nhối tại TPHCM, vì nhiều cửa hàng bán vàng thiếu tuổi. Cụ thể, vàng được bán cho người dùng ghi 18K, nghĩa là hàm lượng vàng (hay còn gọi là tuổi vàng – phần trăm vàng có trong thành phần chính của sản phẩm vàng trang sức) phải đạt 75%. Nhưng trên thực tế, tại nhiều tiệm vàng, hàm lượng vàng thường chỉ đạt 61%-68%.

Trưởng phòng kinh doanh của một công ty vàng lớn, chuyên bỏ sỉ vàng nữ trang, cho biết trước đây khi bỏ vàng cho các tiệm, trên sản phẩm đều được các tiệm yêu cầu ghi vàng 18K, nhưng kỳ thực hàm lượng vàng chỉ khoảng 65%. Còn các sản phẩm của công ty ghi đúng hàm lượng 75% đối với vàng 18K thì hầu như các tiệm vàng không mua. Nhưng hiện nay, tình trạng gian lận tuổi vàng cũng đã giảm bớt trên địa bàn TPHCM.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM, sau ba tháng phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ để kiểm tra tình hình thực hiện quy định tại Thông tư 22, kết quả cho thấy đa phần các doanh nghiệp vi phạm viết sai nhãn hàng hóa, còn vi phạm về chất lượng vàng không đúng như ghi trên nhãn thì ít hơn. Cụ thể, trong 30 doanh nghiệp đã kiểm tra thì chỉ có hai doanh nghiệp vi phạm về hàm lượng vàng thực tế trong sản phẩm thấp hơn hàm lượng ghi trên nhãn.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho rằng sau ba năm thực hiện Thông tư 22, đợt kiểm tra vừa qua là lớn nhất, cho thấy các doanh nghiệp đã tập trung hơn vào việc bán vàng đúng chất lượng. Những vi phạm khác, dù có, cũng không quá ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Theo ông Minh, những thông tin gần đây trên báo về sự “móc túi” người tiêu dùng của các đơn vị kinh doanh nữ trang do bán vàng thiếu tuổi thực sự chỉ diễn ra ở vài doanh nghiệp, không còn tràn lan như trước.

Vị trưởng phòng kinh doanh vàng nói trên cũng cho biết, nhiều tiệm vàng gần đây thực hiện tốt việc niêm yết tuổi vàng. Việc buôn bán vàng của công ty ông gần đây cũng tốt lên vì nhiều cửa hàng mua sỉ nữ trang của công ty lớn để có sẵn tem nhãn và hàng đã đảm bảo đủ tuổi, tránh trường hợp mua hàng trôi nổi, dễ bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt. “Vàng chỉ có 61% vàng thì công ty ghi trên nhãn là 61% vàng, cửa hàng cũng bán đúng với thực tế hàm lượng trên, thay vì ghi là vàng 18K như trước”, vị này nói thêm.

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TPHCM, cũng cho rằng nhờ việc kiểm tra ráo riết của cơ quan chức năng nên gần đây các chành cũng thực hiện nghiêm việc bỏ mối vàng đúng tuổi cho các tiệm vàng. Ông cho rằng với những chuyển biến về chất lượng vàng tại TPHCM hiện nay, thì Thông tư 22 đã thực sự mang lại tác dụng nhất định.

[box type="download"] Kiến nghị bổ sung Thông tư 22

Ông Dưng cũng cho rằng hiện tại người dùng hầu như chỉ quan tâm đến một số loại vàng có hàm lượng quen thuộc như vàng 10K, 14K, 18K, 24K. Vì vậy việc quy định quá nhiều hàm lượng vàng như Thông tư 22 (từ 30% vàng đến 99,99% vàng) khiến người dùng khó theo dõi thông tin trên nhãn. Vì vậy, nếu sửa đổi Thông tư 22 thì chỉ nên quy định vàng với một số hàm lượng quen thuộc như trên.

Còn theo vị giám đốc kinh doanh công ty vàng nói trên thì nên thống nhất đơn vị ghi trên nhãn. Hiện tại, Thông tư 22 quy định quản lý đo lường trong lĩnh vực kinh doanh vàng, vàng trang sức mỹ nghệ bằng đơn vị gam “g” hoặc miligam “mg”, tuy nhiên hiện nay một số đơn vị sản xuất, gia công vàng, vàng trang sức mỹ nghệ tại TPHCM ghi đơn vị khối lượng trên nhãn của sản phẩm vàng, vàng trang sức mỹ nghệ là phân, chỉ, lượng.

Vị này cũng cho rằng trong thời gian qua, có sự khác nhau trong hàm lượng vàng qua kiểm tra của cơ quan chức năng, và của doanh nghiệp khi kiểm định ở tổ chức khác. Vì vậy nên có cơ quan kiểm định độc lập về vàng để kết quả kiểm tra được khách quan hơn. “Như kim cương hiện tại đã có nhiều cơ quan uy tín cấp giấy chứng nhận, điều này giúp cho giá trị của viên kim cương được đảm bảo đúng, và người tiêu dùng yên tâm khi mua”, vị này nói thêm.[/box]

Tránh nữ trang không tem, nhãn

Theo ông Dưng, tem và nhãn trên nữ trang có thể xem là vật bảo chứng cho sự nghiêm túc trong kinh doanh của doanh nghiệp nữ trang. Vì các cửa hiệu nếu đã có tem nhãn đúng quy cách của Thông tư 22 thì sự tuân thủ đối với hàm lượng vàng trong sản phẩm là tốt hơn. Trên tem thường có các thông tin cụ thể về hàm lượng vàng (ví dụ 99,99% vàng, 61% vàng), tên đơn vị sản xuất, ngày sản xuất, tên loại hàng hóa (ví dụ dây chuyền), khối lượng vàng (ví dụ 1 chỉ), khối lượng hột đá, ký hiệu cho chủng loại sản phẩm.

Người tiêu dùng nếu thấy nhãn ghi rõ các thông tin trên, và thống nhất với thông tin ghi trên hóa đơn thì có thể yên tâm mua. Ông Dưng cũng cho rằng người dùng tránh mua các sản phẩm không có tem, nhãn vì như vậy khi xảy ra khiếu nại, người tiêu dùng dễ bị thiệt.

Còn theo vị trưởng phòng kinh doanh vàng nói trên, một điều cần lưu ý là hiện tại đã có những quy định khắt khe để các tiệm vàng phải tuân thủ hàm lượng vàng, khối lượng vàng trong sản phẩm, nhưng lại không có quy định về việc sử dụng đá gì, phải niêm yết giá của hột đá… Trong khi đó, trên các sản phẩm nữ trang có đính đá thì giá hột đá rất khác nhau, tùy loại, tùy màu sắc, là đá tự nhiên, hay nhân tạo, kim cương. Vì vậy người dùng phải thận trọng nếu mua nữ trang đính đá, nên chọn nơi uy tín, có hóa đơn mua hàng, nên tham khảo nhiều nơi vì thị trường đá hiện nay rất nhiều loại, nhiều giá khác nhau, và có thể mua nhầm đá giả, hoặc giá của đá bị đội lên cao.

Thêm vào đó, ông Dưng lưu ý, trong quá trình sở hữu nữ trang, nhiều khách hàng thường có nhu cầu đánh bóng để sản phẩm đẹp lại như mới. Quá trình này làm “hao” vàng, nghĩa là giảm khối lượng vàng xuống, nên khi bán lại thì cửa hàng sẽ trừ đi lượng hao hụt này. Đây cũng là điều bình thường, không phải do tiệm vàng gian lận khối lượng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối