Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024

Chật vật khử phèn, chắt từng giọt nước

Văn Nam-Thành Hoa

Mùa nắng nóng hiện đã bắt đầu, cũng là thời điểm mà nhu cầu về nước sinh hoạt tăng cao. Nhưng ở một số nơi thuộc khu vực ngoại thành TPHCM, do nguồn cấp nước sạch đến giờ vẫn chưa đến được, người dân vẫn phụ thuộc vào nguồn nước giếng khoan, cho nên những ngày này họ đang xoay xở khá vất vả với... nước phèn.

Dưới cái nắng cháy da rát thịt giữa trưa tháng 3, bà Nguyễn Thị Mười, 61 tuổi, nhà ở ấp 1, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TPHCM, chỉ tay khoe cái bể lọc nước bà vừa xây xong để thay thế cái cũ bằng xi măng bên cạnh. Sau gần 20 năm sử dụng, cái bể nước cũ có chiều cao khoảng 2 m nay đã ngả màu vàng do lớp phèn đóng dày bên ngoài.

“Khổ lắm! Khu vực này nguồn nước bị nhiễm phèn nặng mà nước máy thì lại không có buộc chúng tôi phải tự xoay xở xây bể lọc để bớt phèn mà xài chứ biết làm sao được”, bà Mười nói. Mà không chỉ có bà, cả khu vực này nhà nào cũng khổ vì nước nhiễm phèn.

Bà Nguyễn Thị Mười, nhà cũng ở xã Nhị Bình bên chiếc bồn lọc nước đã ố vàng mà gia đình bà tự xây và sử dụng hàng chục năm qua.
Bà Nguyễn Thị Mười, nhà cũng ở xã Nhị Bình bên chiếc bồn lọc nước đã ố vàng mà gia đình bà tự xây và sử dụng hàng chục năm qua.
Một người dân sống tại xã Nhị Bình phải đứng canh chừng, chốc chốc lại múc gáo nước giếng khoan lên đổ vào cái lu lọc phèn tự chế để chắt từng giọt nước sử dụng cho việc tắm giặt mỗi ngày.
Một người dân sống tại xã Nhị Bình phải đứng canh chừng, chốc chốc lại múc gáo nước giếng khoan lên đổ vào cái lu lọc phèn tự chế để chắt từng giọt nước sử dụng cho việc tắm giặt mỗi ngày.

Cách nhà bà Mười vài bước chân, cả gia đình gồm năm người trong nhà chị Huỳnh Thị Hương mấy năm nay phải mua nước bình, loại 12.000 đồng/bình, về đun sôi lại để uống. Còn nguồn nước cho việc tắm giặt hoàn toàn trông chờ vào hệ thống lọc phèn giếng khoan tự chế trông rất thô sơ với một cái lu bằng sành bên trong có nhiều lớp vải và đá cuội. Cứ thế, nước trong lu nhỏ từng giọt xuống một cái lu sành lớn hơn đặt bên dưới. Xung quanh đó là hàng chục cái lu lớn, nhỏ được huy động để chứa nước giếng khoan nhằm lắng lọc bớt phèn.

“Lọc thủ công thế này hơi bị lâu, mỗi ngày lọc chỉ được khoảng một khối nước, cả nhà sử dụng mà cứ lo nơm nớp. Bởi sau khi lọc thấy nước hết màu vàng thôi chứ không chắc là đã hết chất ô nhiễm đâu. Có hôm tắm còn thấy ngứa, bữa nào nhà có khách sẽ rất khổ sở vì bị thiếu nước sinh hoạt, tắm giặt”, chị Hương than thở.

Theo phản ánh của nhiều người dân tại xã Nhị Bình, hiện đang vào mùa nắng nóng nên nhu cầu nước sạch càng tăng cao. Người dân đã gửi đơn lên UBND xã kiến nghị được lắp đặt nguồn nước sạch thay thế cho nước giếng khoan đã bị nhiễm phèn nặng, nhưng chờ mấy năm nay vẫn chưa thấy.

Trớ trêu hơn, có người ở ngay cạnh nhà máy xử lý nước mà vẫn không có nước sạch để sử dụng. Đó là tình cảnh của gia đình ông Lê Văn Sáu và nhiều hộ dân khác tại ấp Thới Tây 2, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn. Những người này đang sống ngay cạnh Nhà máy nước Tân Hiệp, một trong những nhà máy nước lớn nhất TPHCM, nhưng hàng chục năm qua họ vẫn phải sử dụng nước giếng khoan.

Ông Sáu cho biết, nhà ông có phần may mắn sau khi thuê thợ về khoan giếng sâu khoảng 30 m, tốn khoảng 2,8 triệu đồng, là có được nguồn nước ít nhiễm phèn, có thể sử dụng cho sinh hoạt và lắng lọc làm nước uống. Nhiều gia đình khác phải thuê thợ về “khoan tới khoan lui mãi mà nước lên vẫn cứ nhiễm phèn vàng khè, không thể sử dụng được”.

“Sống kế bên nhà máy nước lớn mà khổ vậy đấy! Nhiều lúc chúng tôi phải thử nước giếng khoan bằng nước trà, bằng cách lấy một ly nước trà nguội chế vào ly nước giếng khoan, hễ thấy chuyển màu đen thui là biết nhiễm phèn nặng, buộc phải lọc kỹ hơn mới dám xài”, ông Sáu phân trần.

Một trong những nguyên nhân thiếu nước sạch là do chưa có hệ thống cấp nước của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) ở khu vực này. Vấn đề đã được nhiều cơ quan chức năng tại TPHCM đề cập đến vài năm gần đây và cũng đưa ra một số giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, cho đến nay nhiều người dân ở vùng ven thành phố như các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi và quận 12 vẫn còn phải sử dụng nguồn nước giếng khoan nhiễm phèn, không hợp vệ sinh.

Theo số liệu của các quận, huyện báo cáo vào cuối năm 2014, quận 12 nơi có khoảng 125.000 hộ dân thì chỉ mới có khoảng 50% hộ dân được sử dụng nguồn nước sạch của Sawaco, số còn lại sử dụng nước giếng khoan. Tại thị trấn Hóc Môn, nơi có gần 4.000 hộ dân, thì chỉ có khoảng 1.720 hộ dân được cấp nước sạch. Còn tại phường Thạnh Xuân (quận 12), nơi có 8.280 hộ dân sinh sống thì mới có 5.960 hộ dân được cấp nước sạch.

Bà Võ Thị Kim Điệp, 41 tuổi, nhà số 190/97, ấp 1, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn đã phải mua nước loại 12.000 đồng/bình về uống bởi nguồn nước giếng khoan nhiễm phèn nặng.
Bà Võ Thị Kim Điệp, 41 tuổi, nhà số 190/97, ấp 1, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn đã phải mua nước loại 12.000 đồng/bình về uống bởi nguồn nước giếng khoan nhiễm phèn nặng.

[box type="bio"] Một số nơi có nước sạch

Theo ghi nhận của Sài Gòn Tiếp Thị ngày 11-3, một số tuyến đường trên địa bàn các quận 7, 12, 9 và một số khu vực thuộc huyện Nhà Bè, TPHCM không còn cảnh nhiều xe bồn chở nước trên đường để bán lại cho người dân trong mùa khô. Một số người dân cho biết hệ thống cấp nước máy vừa được lắp đặt để đưa nước vào tận nhà. Một số khu vực được lắp đặt ống nước, đồng hồ và bồn chứa nước sạch như đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7), phường Long Đại, Trường Khánh, Long Phước (quận 9), các phường Tam Phú, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Bình Chiểu (quận Thủ Đức)... Sawaco cho biết đã gắn mới khoảng 56.000 đồng hồ nước trong năm 2014.[/box]

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối