Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Châu Á cũng lo bài toán nhân lực kỹ thuật số

(SGTT) - Việc tuyển mộ nhân sự cho các vai trò kỹ thuật đặc biệt gặp khó vì sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử đồng nghĩa không có nguồn cung trước cho lực lượng lao động kỹ thuật số.

Một nhân viên của công ty thương mại điện tử Tokopedia (Indonesia) tương tác với khách tham quan tại một trung tâm trải nghiệm khách hàng. Ảnh: Tokopedia

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được kỳ vọng có thể giúp cải thiện các dịch vụ và tăng thêm lợi ích cho ngành thương mại điện tử. Dù vậy, các công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử cần chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng để tận dụng được những tác động tích cực như thế, cũng như để cạnh tranh tốt hơn trong lĩnh vực thương mại điện tử đang ngày càng đông đúc.

4 kỹ năng “hot”

Với sự bùng nổ của các giao dịch được thực hiện trực tuyến, nhu cầu về các kỹ năng thương mại điện tử cũng ngày càng tăng, từ các chuỗi bán lẻ tìm cách cải thiện sự trải nghiệm trực tuyến cho đến các doanh nghiệp tìm cách tăng doanh thu. Vì thế, việc sở hữu nguồn nhân lực có những kỹ năng cần thiết thời công nghiệp 4.0 là bài toán không dễ đối với doanh nghiệp thương mại điện tử.

Phát triển ứng dụng. Phát triển phần mềm ứng dụng được xem là một trong những chìa khóa dẫn đến thành công của thương mại điện tử. Một loạt giải pháp thương mại điện tử mới đang bùng nổ, với các khả năng như tự động hóa, quản lý quan hệ khách hàng (CRM), thiết kế trang web, dịch vụ khách hàng, chức năng liên quan đến tiếp thị… Nhu cầu đối với nhân tài phát triển phần mềm vẫn ở mức cao khi các công ty thương mại điện tử tìm cách mang lại sự khác biệt cho các dịch vụ trực tuyến của mình và thu hút nhiều khách hàng mới.

Giỏi SEO. Chuyên gia về SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm) cũng đang thu hút sự quan tâm của các công ty thương mại điện tử. Các trang web qua bàn tay của chuyên gia SEO hàng đầu xuất hiện đầu danh sách kết quả tìm kiếm của Google, từ đó thu hút sự chú ý của nhiều khách hàng tiềm năng nhất. Các kỹ năng SEO bao gồm những kỹ năng tiếp thị khác nhau, như sao chép văn bản cho mục đích quảng cáo, phân tích dữ liệu, kiến thức sâu sắc về sử dụng từ khóa và tiếp thị nội dung… Trong bối cảnh ngày càng có nhiều trang web thương mại điện tử xuất hiện, SEO tiếp tục là yếu tố thúc đẩy doanh thu cốt lõi cho các trang này nên đây vẫn là kỹ năng không thể thiếu.

Phân tích dữ liệu. Các nhà bán lẻ thương mại điện tử cũng cần hiểu rõ hơn về khách hàng và cách thức tiếp cận họ trong một thị trường ngày càng đông đúc. Họ cũng cần tối ưu hóa chuỗi cung ứng, cải thiện hoạt động và quản lý các cơ sở khác nhau để thu được nhiều lợi nhuận hơn. Đó là lúc họ cần đến chuyên gia phân tích dữ liệu. Nhu cầu về vai trò phân tích dữ liệu trong thương mại điện tử đang bùng nổ khi ngày càng có nhiều công ty dựa vào dữ liệu để hỗ trợ quyết định kinh doanh của họ.

Biết sử dụng các ứng dụng có AI. Trong tiến trình cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động kinh doanh của các công ty thương mại điện tử chịu sự tác động không nhỏ của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), như sự trỗi dậy gần đây của chương trình tán gẫu tự động (chatbot). Các công cụ loại này sẽ thay thế một số vai trò thương mại điện tử nhất định, như trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng. Ngoài ra, chúng cũng sẽ cung cấp vai trò mới cho các chuyên gia biết cách tích hợp và sử dụng chúng tốt nhất. Khi các giải pháp AI tiếp được được hoàn thiện và đón nhận, thương mại điện tử tiếp tục là một trong những ngành công nghiệp đón nhận sớm nhất công nghệ này, từ đó thúc đẩy nhu cầu đối với những kỹ năng dựa trên AI.

Nhiều thách thức về nhân sự

Trong bối cảnh Đông Nam Á được xem là thị trường thương mại điện tử đầy tiềm năng – được hai công ty Google, Temasek dự báo đạt mức 240 tỉ đô la vào năm 2025 – nhu cầu đối với nguồn nhân lực có những kỹ năng nói trên chắc chắn sẽ ngày một lớn. iPrice Group, một trang tổng hợp mua sắm trực tuyến có trụ sở tại Malaysia, gần đây tiến hành cuộc nghiên cứu nhằm phân tích và đánh giá xem liệu lực lượng lao động hiện nay có thể giúp các công ty thương mại điện tử tại khu vực đạt được mức tăng trưởng ấn tượng như dự báo hay không.

Cuộc nghiên cứu phân tích đã phân tích dữ liệu nhân viên và xu hướng tuyển dụng của những tên tuổi thương mại điện tử hàng đầu trong quý 3-2018 tại những nước Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Philippines. Tại các công ty thương mại điện tử, những bộ phận có số lượng nhân viên cao nhất là vận hành hoạt động và tiếp thị. Bộ phận kỹ thuật đứng thứ 3 và công nghệ thông tin thứ 6. Các nghiên cứu đã chỉ ra các thách thức khi tuyển mộ người giỏi đảm nhận các công việc như kỹ thuật phần mềm, tiếp thị số, khoa học dữ liệu và tiếp thị sản phẩm.

Việc tuyển mộ nhân sự cho các vai trò kỹ thuật đặc biệt gặp khó vì sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử đồng nghĩa không có nguồn cung trước cho lực lượng lao động kỹ thuật số. Vì thế, xu hướng thường thấy của các công ty thương mại điện tử là thuê người nước ngoài có kinh nghiệm và kiến thức liên quan. Tuy nhiên, giải pháp lý tưởng trong dài hạn là đầu tư vào các nhân tài địa phương.

Ngoài ra, các công ty thương mại điện tử nên dành nguồn lực cho việc đào tạo lực lượng lao động của mình để giảm nhẹ tình trạng thiếu hụt các kỹ năng chuyên môn và kiến thức, trong đó có giải quyết vấn đề, tư duy chiến lược… Theo iPrice, giới trẻ cũng nên được biết nhiều hơn về tiềm năng to lớn của thương mại điện tử để được truyền cảm hứng và động lực để bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật số. Điều này đòi hỏi sự tham gia tích cực của cả các chuyên gia trong ngành sư phạm và công ty thương mại điện tử thông qua các sáng kiến cộng tác.

Minh Huy (Theo CIO, Bangkok Post)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối