Hoàng Xuân Phương-
Châu Á đã đạt được nhiều thành tựu trong việc đẩy lùi các chứng bệnh sốt rét do muỗi gây ra trong những năm qua. Nhưng theo tiến sĩ Benjamin Rolfe, Giám đốc liên minh chống sốt rét Asia Pacific Leaders Malaria Alliance thì “với việc toàn cầu hóa, đô thị hóa và sự biến đổi khí hậu làm cho những trận dịch luôn có điều kiện quay trở lại trên châu lục này, và nay là lúc các nhà lãnh đạo châu Á cần đưa ra một giải pháp chung.”
Vào năm ngoái, các chứng bệnh có liên quan đến muỗi từ sốt rét, sốt dengue hay sốt xuất huyết và sốt Zika đã hoành hành ở châu Á, hàng triệu gia đình đã trở thành nạn nhân. Dịch sốt rét vẫn đang hoành hành tại 19 nước châu Á với hơn 2 tỉ người có nguy cơ nhiễm bệnh. Châu Á cũng là ổ dịch sốt xuất huyết, còn gọi là sốt dengue do loài muỗi có cùng tên này gây ra và thường bùng nổ thành đại dịch cứ năm năm một lần.
Theo các số liệu thống kê hiện có, cứ mỗi 2 phút có một cháu bé qua đời vì muỗi và mỗi năm có từ 200.000 đến một triệu người chết vì sốt rét. Những cố gắng của chúng ta, trên thực tế đã làm giảm nhanh số người bị nhiễm sốt rét từ 30,5 triệu trong năm 2010 xuống còn 15,8 triệu năm 2015 và việc tìm kiếm những giải pháp tiêu diệt các bệnh lây nhiễm do muỗi kể từ 2030 vẫn tiếp diễn.
Trong một chu kỳ đời sống, muỗi chỉ di chuyển được khoảng 1 km, nhưng chính việc di chuyển của con người mang mầm bệnh từ chỗ này sang chỗ khác cách xa hàng trăm hay hàng ngàn cây số và làm bùng phát đại dịch mỗi khi thời tiết trở nên nóng ẩm. Ở nơi nào tìm thấy hơi ấm và nhiều khí carbonic thoát ra, ở đó thu hút đàn muỗi. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết một số người bị muỗi cắn nhiều hơn vì làn da của họ thoát ra nhiều hơi ấm và thán khí, đặc biệt những người có máu loại O và những phụ nữ mang thai. Thông thường đàn muỗi vẫn bay đi tìm bạn đâu đó, nhưng chỉ có những con muỗi cái tìm đến con người để hút máu nuôi trứng. Và, có lẽ vì được tiếp thêm năng lượng từ máu, các con muỗi cái có thể sống đến 30 ngày trong khi vòng đời muỗi đực chỉ từ 7 đến 10 ngày.
Mức độ rộng lớn và hậu quả lâu dài của những căn bệnh gây nên bởi muỗi đòi hỏi có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các nước trong khu vực. Asia Pacific Leaders’ Malaria Alliance (APLMA) là một tổ chức nhằm tạo nên sự phối hợp đó nhằm vào việc loại trừ sốt rét do muỗi khỏi châu lục này kể từ 2030, và đây cũng là mục tiêu của Hiệp định khung chiến lược ASEAN về phát triển y tế chống lại các bệnh truyền nhiễm trong đó có sốt rét và sốt xuất huyết. Những sáng kiến này đều nhắm đến việc giảm thiểu khả năng nổ ra những đại dịch bằng việc chuẩn bị đối phó ở mọi cấp từ lĩnh vực công đến tư nhân.
Bằng cách phối hợp nhịp nhàng này, Sri Lanka đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận là vùng không còn dịch sốt rét kể từ tháng 9-2016. Thành công này cho thấy khả năng loại bỏ dịch sốt rét là điều có thể làm được. Trung Quốc có số ca mắc bệnh trong năm 2014 chỉ còn 56 trường hợp. Cả hai trường hợp đều cho thấy nhu cầu ưu tiên của họ bây giờ là kiểm soát dịch bệnh ngay tại biên giới. Thêm vào đó, sự phát hiện và hỗ trợ phát triển các loại vắc xin sẽ bảo đảm phòng ngừa muỗi có thể tiếp tục phát triển ở đâu đó. Và những việc này đã bắt đầu từ 2015 khi 20 nhà lãnh đạo các nước châu Á đã họp lại và thông qua lộ trình loại trừ sốt rét Malaria Elimination Roadmap được soạn thảo bởi APLMA.
Cho đến nay, biện pháp tốt nhất vẫn là diệt muỗi hơn là sống chung với muỗi. Trong những sáng kiến mới nhất nhằm triệt tiêu sự hiện diện của loài muỗi mang bệnh tại những vùng nhất định, các nhà dịch tễ đã thực hiện kế hoạch dùng muỗi sạch diệt muỗi độc. Tuy nhiên số lượng muỗi sạch hiện đã được thả trong những vùng nghiên cứu tại Mỹ cũng mới chỉ trên 20 triệu con và người ta còn phải tìm cách để sản xuất nhanh hơn nữa, bằng lò ấp robot trang bị trí khôn nhân tạo.
(Theo asiascientist.com)