Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Châu Âu chuẩn bị tái mở cửa biên giới để phục hồi du lịch

Du khách bên ngoài Liên minh châu Âu (EU) có thể được phép đến khu vực này trong mùa hè sắp tới sau khi các nước thành viên EU thông qua kế hoạch nới lỏng các hạn chế liên quan đến Covid-19 đối với du lịch quốc tế.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen nói rằng kế hoạch tái mở cửa biên giới châu Âu là để phục hồi ngành du lịch và thúc đẩy các mối quan hệ hữu nghị xuyên biên giới.

Du khách đã tiêm vắc-xin sẽ không bị cách ly sau khi đến EU

Du khách đến sân bay Faro ở Algarve, Bồ Đào Nha vào 5-2021. Kể từ 17-5, Bồ Đào Nha cho phép nhập cảnh đối với du khách Anh có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành. Ảnh: AFP

Hôm 19-5, các đại sứ từ 27 nước thành viên EU đã nhất trí với đề xuất của Hội đồng châu Âu về việc chấp nhận đón du khách đã tiêm vắc-xin Covid-19 cũng như các du khách nhập cảnh theo các mục đích không thiết yếu (như tham quan, giải trí) từ những nước có rủi ro lây nhiễm Covid-19 thấp bên ngoài EU.

Theo đề xuất này, người dân từ các nước bên ngoài EU có thể nhập cảnh khu vực này và không bị cách ly nếu họ đã được tiêm chủng đầy đủ bằng một trong những loại vắc-xin Covid-19 đã được EU cấp phép sử dụng từ các hãng dược Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson. Tuy nhiên, họ cần phải nhận được liều tiêm vắc-xin Covid-19 cuối cùng ít nhất là 14 ngày trước khi khởi hành sang EU.

Những du khách đến châu Âu vì các mục đích không thiết yếu và chưa được tiêm vắc-xin vẫn có thể sang thăm châu Âu nếu như họ đến từ một danh sách các nước có tỷ lệ lây nhiễm thấp, gồm Úc, Israel, New Zeland, Rwanda, Singapore, Hàn Quốc và Trung Quốc với điều kiện họ phải có giấy chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 gần đây.

Tuy nhiên, EU chỉ cho phép người dân Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông và Macau) sang thăm EU với điều kiện Bắc Kinh cũng có động thái tương tự với người dân EU.

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu, Christian Wigand cho biết EU có thể sớm mở rộng danh sách những nước an toàn về dịch tễ này. Mỹ sẽ chưa được vào danh sách này nhưng những người Mỹ chứng minh được họ đã tiêm vắc-xin Covid-19 đầy đủ cũng có thể được phép nhập cảnh vào châu Âu theo các quy định mới.

Anh (nước đã rút khỏi EU) dường như sắp được gia nhập danh sách nhưng đợt lây lan gần đây của biến chủng virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Ấn Độ, có tên gọi B.1.617.2, ở Anh có thể trì hoãn tiến trình gia nhập này.

Ông Christian Wigand nói: “Để hạn chế rủi ro các biến chủng SARS-CoV-2 xâm nhập vào EU, Hội đồng châu Âu đã nhất trí về một cơ chế dừng nhập cảnh khẩn cấp, cho phép các nước thành viên hành động nhanh chóng và có sự phối hợp”.

Chẳng hạn, khi tình hình dịch tễ ở một nước thứ ba trở nên xấu đi nhanh chóng, đặc biết nếu có một biến chủng đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2 xuất hiện, các nước thành viên EU có thể tạm thời hạn chế công dân nước đó nhập cảnh vào EU.

Chưa có hệ thống quốc tế chứng minh tiêm vắc-xin Covid-19

Tuy nhiên, việc thực hiện đề xuất trên có thể chưa thực hiện sớm như kỳ vọng vì một hệ thống quốc tế chứng minh đã tiêm vắc-xin Covid-19 chưa được thiết lập. Vì vậy, du khách bên ngoài EU vẫn chưa rõ sẽ chứng minh đã tiêm vắc-xin Covid-19 như thế nào. EU cho biết mỗi nước thành viên có thể tự quyết định vấn đề này theo tiêu chí của riêng họ.

EU hiện đang nghiên cứu xây dựng một giấy chứng nhận Covid-19 kỹ thuật số cho phép du khách sử dụng để chứng mình họ đã được tiêm chủng hoặc đã phục hồi sau khi nhiễm bệnh hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính gần đây.

EU đang đàm phán với các nước như Mỹ và Anh đã quyết định xem liệu du khách từ các nước này có thể sử dụng giấy chứng nhận Covid-19 của EU hay không. Ông Wigand cho biết hệ thống chứng nhận này sẽ đi vào hoạt động vào cuối tháng 6.

Trong tuần qua, giới chức trách ở Anh đã bổ sung một tính năng vào ứng dụng di động của Dịch vụ y tế quốc gia Anh, cho phép người dùng cung cấp các giấy chứng nhận tiêm vắc-xin Covid-19 ở các biên giới của Anh.
Anh cũng đã giới thiệu hệ thống phân loại mức độ rủi ro của các nước trên thế giới theo màu xanh, vàng và đỏ để áp dụng những hình thức cách ly khác nhau đối với du khách đến từ những nước đồng thời kèm theo với một cơ chế xét nghiệm nghiêm ngặt.

Tất cả người nhập cảnh vào Anh đều cần phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 với kết quả âm tính trong vòng 72 giờ trước đó. Người dân từ những nước nằm trong danh sách đỏ bị cấm nhập cảnh vào Anh. Người dân từ các nước nằm trong danh sách xanh (bao gồm 12 nước và vùng lãnh thổ) không bị cách ly sau khi nhập cảnh vào Anh nhưng cần phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi khởi hành và phải tiếp tục xét nghiệm Covid-19 sau khi nhập cảnh vào Anh 2 ngày.

Người dân từ những nước nằm trong danh sách vàng, hiện tại chỉ có Pháp, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Ý, sẽ phải cách ly 10 ngày tại nhà sau khi đến Anh. Họ phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi khởi hành và tiếp tục xét nghiệm vào ngày thứ 2 và ngày thứ  8 trong thời gian cách ly.

Một số nước thành viên EU khác đã thông báo kế hoạch tái mở cửa biên giới của riêng họ. Chẳng hạn, Pháp đề xuất cho phép nhập cảnh đối tất cả du khách đã tiêm vắc-xin Covid-19 từ bên ngoài châu Âu kể từ ngày 9-6.

Trong khi đó, Đức đã nới lỏng hầu hết các yêu cầu cách ly đối với những du khách nước ngoài được xem là an toàn.

Du khách nước ngoài đã tiêm vắc-xin đầy đủ hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 không còn bị cách ly bắt buộc sau khi nhập cảnh vào Đức, ngoài trừ trường hợp họ đến từ các nước có rủi ro cao.

Hôm 19-5, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) ra tuyên bố hoan nghênh những nước đang ra quyết định tái mở cửa biên giới dựa vào dữ liệu và bằng chứng khoa học.

Dữ liệu mới nhất của IATA cho thấy có hơn 20 nước đã dỡ bỏ một phần hoặc hoàn toàn các hạn chế đối với du khách đã tiêm vắc-xin Covid-19. Chẳng hạn, Đức quyết định dỡ bỏ yêu cầu cách ly đối với người đã tiêm vắc-xin Covid-19 dựa trên khuyến nghị mang tính khoa học từ Viện Robert Koch cho rằng du khách đã tiêm vắc-xin không còn rủi ro lây lan virus SARS-CoV-2 nghiêm trọng, vì vậy, không gây rủi ro sức khỏe lớn đối với người dân Đức.

Chính sách này của Đức cũng tương đồng với các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu dựa vào thông tin khoa học từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC). ECDC cho biết các bằng chứng hiện nay cho thấy khả năng lây virus SARS-CoV-2 của một người đã tiêm vắc-xin Covid-19 nhưng sau đó bị nhiễm virus này là từ thấp đến rất thấp.

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối