Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Chạy đua giảm đường trong nước giải khát

Chánh Tài -

Trong nỗ lực đáp ứng thị hiếu đang thay đổi của khách hàng, hai hãng nước giải khát hàng đầu thế giới là Coca-Cola và Pepsi đang chạy đua cắt giảm lượng đường trong các sản phẩm của họ.

Coca-Cola giảm đường hơn 200 sản phẩm

anh-3Tiêu thụ nhiều nước giải khát có đường là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh béo phì.

Theo Bloomberg đưa tin, trò chuyện với giới phân tích tài chính hôm 26-10, ông James Quincey, Chủ tịch kiêm Giám đốc hoạt động của Coca-Cola, cho biết hãng này đang tiến hành điều chỉnh công thức pha chế của hơn 200 sản phẩm nước giải khát nhằm giảm lượng đường. Ngoài ra, Coca-Cola cũng đang giới thiệu nhiều sự lựa chọn không đường hơn, chẳng hạn như sản phẩm nước giải khát không đường Coca-Cola Zero Sugar đã có mặt ở một số thị trường.

“Chúng tôi đang có nhiều hành động để định hình sự lựa chọn của khách hàng và để đáp ứng các sở thích của khách hàng liên quan đến đường, đồng thời chủ động làm việc với các chính phủ để cung cấp các giải pháp tích cực. Kết hợp với nỗ lực điều chỉnh công thức pha chế, chúng tôi cũng tập trung giảm kích cỡ của chai và lon nước để giảm hàm lượng calo”, ông Quincey nói.

Ông cho biết các sản phẩm mang nhãn hiệu Fanta và Sprite, với hàm lượng đường giảm 30% so với trước, đã được giới thiệu ở thị trường Anh, nơi sẽ đánh thuế nước giải khát có hàm lượng đường từ 5 g/100 ml trở lên vào năm 2018. Tại thị trường Mỹ Latin, Coca-Cola đã giảm hàm lượng đường ở gần hai phần ba sản phẩm nước ngọt có gas.

Để ứng phó với các tác động xấu ở mảng kinh doanh chủ lực nước giải khát có đường, Coca-Cola đang đa dạng hóa danh mục sản phẩm bằng cách mở rộng các sản phẩm nước tinh khiết đóng chai, nước trái cây, cà phê và trà.

Pepsi nhập cuộc đua

Trong khi đó, hãng nước giải khát Pepsi có trụ sở ở New York, đối thủ cạnh tranh truyền kiếp của Coca-Cola, cũng đã nhập cuộc giảm đường khi nhận thấy người tiêu dùng đang quay lưng lại với các sản phẩm nước giải khát có hàm lượng đường cao.

Trong thông báo đưa ra vào ngày 17-10, Pepsi cam kết sẽ giảm đường trong các sản phẩm để hướng đến mục tiêu năm 2025 là hai phần ba sản phẩm nước giải khát của Pepsi sẽ có hàm lượng 100 calo trở xuống. Hiện tại, chưa đến 40% sản phẩm của Pepsi đáp ứng được tiêu chí này.

Trước đó, Pepsi tuyên bố đến năm 2020 sẽ giảm 25% hàm lượng đường ở các dòng sản phẩm chủ lực tại một số nước. Trong mùa hè vừa qua, họ đã tung ra sản phẩm nước giải khát không đường Pepsi Zero Sugar.

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình CNBC ngày 17-10, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Pepsi Indra Nooyi nói: “Chúng tôi phải bảo đảm các sản phẩm của chúng tôi đáp ứng nhu cầu đang thay đổi của khách hàng”.

Người tiêu dùng Mỹ đang giảm tiêu thụ các sản phẩm nước giải khát có hàm lượng đường và calo cao của Pepsi và Cola-Cola trước các cảnh báo của giới chuyên gia về tác hại sức khỏe của nước giải khát có đường. Theo báo cáo thường niên của Beverage Digest, trong năm 2015, tổng lượng tiêu thụ nước giải khát có gas giảm 1,2%, tăng so với mức giảm 0,9% vào năm 2014. Sản lượng của Coca-Cola và Pepsi tại thị trường Mỹ lần lượt giảm 1% và 3,2% trong năm 2015.

WHO kêu gọi đánh thuế nước giải khát

Động thái của Cola-Cola và Pepsi được đưa ra trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây khuyến nghị chính phủ các nước thông qua các luật đánh thuế nước giải khát có đường. WHO cho rằng khi giá bán lẻ nước giải khát tăng thêm 20% vì bị đánh thuế, mức tiêu thụ cũng sẽ giảm 20%.

Tiêu thụ đường bao gồm nước giải khát có đường là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bùng nổ các bệnh béo phì và đái tháo đường trên toàn cầu. WHO ước tính năm 2015 có khoảng 42 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu bị thừa cân hoặc béo phì. Số người mắc bệnh đái tháo đường trên thế giới đã tăng từ 108 triệu người vào năm 1980 lên 422 triệu người vào năm 2014.

WHO khuyến nghị lượng đường tiêu thụ mỗi ngày chỉ nên chiếm ít hơn 5% nhu cầu calo của cơ thể trở xuống, tương đương với lượng tiêu thụ khoảng 250 ml nước giải khát có đường trở xuống.

Ngoài việc nhận thức đang tăng lên của người tiêu dùng về tác hại đối với sức khỏe khi tiêu thụ nhiều đường, những thay đổi về chính sách khiến các ông lớn nước giải khát phải chuyển dịch theo hướng giảm đường trong nước giải khát.

Nước Anh là nước mới nhất gia nhập danh sách các nước đánh “thuế đường” đối với nước giải khát nhằm hạn chế tiêu thụ nước giải khát ngọt, đặc biệt là ở trẻ em. Những nước đang áp dụng “thuế đường” là Pháp, Phần Lan, Mexico, Hungary, Chile. Các nước Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Nam Phi đang cân nhắc áp dụng loại thuế này. Tại Mỹ, một số chính quyền thành phố đang tuyên chiến với nước giải khát có đường. Tháng 6-2016, trong nỗ lực chống bệnh béo phì đang đe dọa sức khỏe của người dân, Philadelphia trở thành thành phố lớn đầu tiên ở Mỹ thông qua thuế đối với các loại nước giải khát có bổ sung đường và chất ngọt nhân tạo, bao gồm cả các sản phẩm có hàm lượng đường thấp. Các thành phố lớn như San Francisco, Oakland và Boulder cũng đang xem xét thông qua các luật tương tự.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối