Thứ ba, Tháng mười hai 24, 2024

Check in Đà Lạt với các lứa đôi

Khuê Việt Trường-

Một năm, tôi ghé Đà Lạt ít nhất hai lần. Có khi đi trong mùa hạ, lúc trong mưa và mây mù, có lúc chen chân cùng lễ hội. Tôi cũng đã từng ở đó 5 năm trời, đã in dấu chân buồn vui của mình khắp nơi trong thành phố. Xưa, tôi là người ở trọ. Nay, tôi là người lữ khách, tự thiết kế những ngày ở Đà Lạt của mình, ở đâu, đi đâu và ăn gì. Tôi cũng tự thiết kế cuộc hành trình qua những con đường tắt mà mọi người bảo rằng chỉ có thổ địa ở đây mới biết.

Tôi ghé đi rồi ghé lại những địa danh du lịch mà Đà Lạt có, lên đỉnh Lang Biang vào mùa nắng hay khi sương mù giăng giăng, tới công viên hoa vào mùa lễ hội hay chỉ là một ngày bình thường. Tôi đến Đà Lạt vào mùa đông tràn ngập sắc hoa và Đà Lạt trong mùa hạ chỉ đầm đẫm những cơn mưa… Và để rồi, mượn khái niệm “check in Facebook” chỉ sự xác nhận mình đang có mặt ở một địa điểm nào đó, tôi quyết định check in Đà Lạt theo các cặp tình nhân.

tam-giac-machNhững vườn hoa tam giác mạch thu hút nhiều người tìm đến chụp ảnh.

Những đôi lứa yêu nhau ấy cùng chở nhau trên những chiếc xe máy, có khi vượt từ TPHCM, Nha Trang hoặc Phú Yên và nhiều nơi khác, cầm theo chiếc điện thoại với cái gậy selfie (gậy dùng tự chụp ảnh) mà tung tăng khắp chốn. Và cuộc hành trình đi theo các cặp tình nhân ấy trong Đà Lạt lãng mạn là một tour ít tốn kém mà thật hấp dẫn.

Cuộc hành trình khởi đầu ở vườn hoa đường Nguyễn Văn Cừ, nơi này ngày xưa chủ yếu trồng rau và nổi tiếng với món bún bò Huế do chính các o từ Huế đến đây lập nghiệp, rồi tạo nên thương hiệu. Mảnh đất trống nơi đây trồng hoa, chủ yếu cho người ghé qua chụp ảnh. Các lứa đôi cứ dừng xe ven đường, chen vào các lối nhỏ mà chụp hoa xác pháo, hoa bươm bướm hay hoa tam giác mạch. Mùa theo chân họ, tôi ngắm nhìn những bông hoa tam giác mạch lấy giống từ cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), nay đã về đây nương nhờ nơi ở.

Cuộc hành trình lại tiếp tục đến quảng trường Lâm Viên. Nơi đây cũng chỉ cần để xe máy bên dưới, rồi theo những bậc cấp mà lên chiêm ngưỡng nụ hồng và bông dã quỳ khổng lồ. Nụ hồng làm bằng kính cường lực màu xanh, bên trong là chỗ bán nước giải khát thu hút các bạn trẻ hơn cả. Thôi thì đủ kiểu chụp ảnh tự sướng (selfie). Nhón chân lên, ngồi xếp bằng, đưa tay ôm cả đóa hoa và nhảy cao lên. Cái cảm giác hòa chung niềm vui của tuổi trẻ ấy rất rộn ràng. Tôi chỉ cần đưa máy ảnh lên, zoom là có thể có những góc ảnh đẹp.

Cuộc hành trình lại theo chân những đôi bạn trẻ. Tới Nhà thiếu nhi Lâm Đồng ở số 13 đường Lê Đại Hành. Đây là con đường vòng theo đồi, đối diện là sân golf  Đà Lạt mà ngày xưa vẫn được gọi là đồi Cù. Tôi loanh quanh con đường, rồi cuối cùng mới gửi xe, men theo chỗ gửi xe, theo các bạn trẻ đi xuống sân khấu biểu diễn. Sân khấu biểu diễn be bé, nhiều chỗ còn dùng bạt nhựa che lại. Nhưng chỉ cần một góc nơi này trống, đã thấy không biết bao nhiêu bạn trẻ cứ cầm gậy selfie mà sáng tác. Tất nhiên là tôi cũng sáng tác theo.

Sau khi chụp ảnh thỏa thuê, lại tiếp tục cuộc hành trình đến Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt ở số 29 đường Yersin. Hôm đó là ngày nghỉ nên xe vào cổng thoải mái, vòng vào chỗ gửi xe, rồi thong dong đến nơi được khen ngợi về kiến trúc đẹp này. Tại đây, nhiều trai xinh gái đẹp, nhiều đôi lứa tìm tới nhất. Trường được xây dựng từ năm 1927 có tên ban đầu là Petit Lycée Dalat do kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp thiết kế là Moncet – người cũng là tác giả thiết kế ga Đà Lạt nổi tiếng. Khi được đưa vào hoạt động, nơi đây chủ yếu dành cho con cái người Pháp và những người Việt giàu có.

Trường Cao đẳng Sư phạm thu hút tầm nhìn của tôi ngay tức khắc với dãy nhà hình cánh cung chiều dài 77 m, ở phía sau là 90 m, gồm có 3 tầng. Sân trường rộng, có những cây hoa sứ đang trổ bông. Các cô gái chàng trai quấn khăn, mặc áo khoát sóng đôi bước trên nền gạch đỏ, thỉnh thoảng núp dưới những trụ gạch chụp ảnh theo kiểu trốn tìm thật đầy lãng mạn.

cao-dang-su-phamTrường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt do Moncet, Kiến trúc sư người Pháp, thiết kế.

Điểm cuối cùng tôi đi theo các cặp tình nhân là ga Đà Lạt. Nhà ga này, xưa là điểm dừng chân cho các chuyến tàu Đà Lạt-Phan Rang, còn nay thì chỉ có các chuyến tàu mà cuộc hành trình chỉ 8 km là Đà Lạt-Trại Mát. Tuy nhiên, việc để cho khách tham quan và chụp hình với các toa xe cổ lại là chủ yếu. Chen vào không gian nhà ga nhỏ, đợi tới phiên mình chụp được vài tấm ảnh trên đầu máy, toa xe hay chỗ đoạn đường ray xe lửa cũng thật vất vả. Sự thú vị còn ở chỗ là ngôn ngữ của bảng hiệu nơi này vẫn giữ nguyên văn như thời đi vào hoạt động năm 1938.

Có người hỏi tôi nếu chỉ là vài giờ đồng hồ ở Đà Lạt thì đi đâu? Tôi đã theo chân các lứa đôi check in Đà Lạt trong vài giờ đồng hồ như thế đó.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối