VŨ YẾN -
Túi xách thời trang – dòng sản phẩm có thị trường khá lớn – ở phân khúc cao cấp hầu như đã thuộc về những nhãn hiệu nổi tiếng nước ngoài. Nhưng ngay cả các phân khúc còn lại, những sản phẩm mang thương hiệu Việt có thể gây ấn tượng với người tiêu dùng hiện cũng không nhiều. Một vài doanh nghiệp trong nước cho biết họ đang cố gắng tìm chỗ đứng trên thị trường ở mặt hàng này.
Cạnh tranh gay gắt
Là đơn vị chuyên sản xuất ba lô, cặp học sinh, từ năm ngoái Công ty Minh Tiến (Miti) bắt đầu ra mắt thêm dòng sản phẩm túi xách thời trang mang tên Lavinia. Theo ông Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc Miti, đến nay túi xách Lavinia đã có hơn 50 mẫu, mức tiêu thụ trung bình mỗi tháng khoảng 400 sản phẩm, tại hai cửa hàng được dành riêng cho dòng sản phẩm này.
Để một dòng sản phẩm mới tiếp cận và được người tiêu dùng chú ý, ông Kiên cho biết, ngoài việc tập trung chất lượng sản phẩm, cố gắng thiết kế mẫu mới, mở cửa hàng phân phối riêng, công ty còn tận dụng cả ưu thế lan tỏa của mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm tới người dùng.
Tuy thế, ông Kiên cũng thừa nhận thực tế hàng sản xuất ra không cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc. Túi xách thời trang của Trung Quốc liên tục có mẫu mã mới, giá rẻ, được nhập ồ ạt về Việt Nam và bán khắp nơi từ chợ lớn, chợ nhỏ tới cửa hàng, trung tâm thương mại...
“Nhận định đây là một thị trường tiềm năng tôi mới đầu tư, nhưng khi đi vào rồi mới thấy mức độ cạnh tranh với sản phẩm Trung Quốc gay gắt, khốc liệt hơn mình tưởng tượng rất nhiều”, ông Kiên nói.
Ngoài ra, theo ông Kiên, doanh nghiệp trong ngành còn gặp nhiều khó khăn khác. Chẳng hạn, nguồn lực tài chính yếu, chưa đủ sức mở rộng sản xuất, kênh phân phối, nguyên liệu phần lớn nhập khẩu với giá cao, thiếu đầu tư đội ngũ thiết kế… Chưa kể, tâm lý ở nhiều người tiêu dùng thích hàng hiệu (với người có thu nhập cao), hoặc chuộng hàng Trung Quốc do giá rẻ (người có thu nhập trung bình).
Sau hơn một năm chật vật tìm chỗ đứng trên thị trường, ông Kiên cho biết, định hướng đối với dòng sản phẩm túi xách thời trang trong hai năm tới của Miti là chỉ duy trì sản lượng như hiện nay để giữ thị trường. Công ty sẽ tập trung phát triển các mặt hàng chủ lực của mình (ba lô, cặp học sinh…). Khi có nguồn lực mạnh hơn, vững chãi hơn Miti mới quay lại đẩy mạnh dòng sản phẩm túi xách thời trang.
Tìm kiếm sự khác biệt
Khởi đầu với một cửa hàng nhỏ nằm trên đường Cách Mạng Tháng Tám (TPHCM) vào năm 2011, đến nay Công ty TNHH MTV Liêm Thư, sở hữu thương thương hiệu túi xách Lee&Tee, đã có 22 cửa hàng tại nhiều tỉnh, thành phố. Ông Phạm Ngọc Liêm, Giám đốc công ty, kể lại, lúc mới khởi nghiệp, mỗi tháng may lắm chỉ bán ra khoảng 20 sản phẩm. Nhưng hiện tại, mức tiêu thụ mỗi tháng khoảng 5.000 đến 10.000 sản phẩm.
Theo ông Liêm, thị trường túi xách thời trang ở phân khúc tầm trung (mức giá khoảng 200.000 đến 600.000 đồng) từ trước tới nay thuộc về sản phẩm nhái, sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc, Thái Lan. Đây là một thị trường tiềm năng, vậy mà cho đến nay vẫn ít doanh nghiệp trong nước tham gia. Cho nên, ông Liêm nói ông quyết định nhảy vào.
Để không cạnh tranh trực tiếp với hàng Trung Quốc, hàng Thái Lan, ông Liêm cho biết, Công ty Liêm Thư với thương hiệu túi xách Lee&Tee đã tạo ra dòng sản phẩm riêng biệt với gam màu trầm đặc trưng theo xu hướng phong cách cổ điển dành cho lứa tuổi 22-35, mức giá hơn 200.000 đến 600.000 đồng/sản phẩm. Các sản phẩm này được làm từ nguồn chất liệu simili, giả da sản xuất trong nước, các phụ liệu cũng đặt trực tiếp từ đơn vị cung cấp trong nước.
“Không chỉ tập trung hoàn thiện chất lượng sản phẩm, phát triển mẫu mới, chăm chút từng chi tiết, chúng tôi còn giữ chân người tiêu dùng bằng chính sách đổi trả và bảo hành”, ông Liêm nói.
Cùng với quá trình mở rộng mạng lưới cửa hàng, ông Liêm cho biết công ty đã phối hợp tổ chức các show diễn thời trang giới thiệu sản phẩm, chạy quảng cáo trên các công cụ như Facebook, Google, thuê người mẫu quảng cáo sản phẩm… để nhằm quảng bá cũng như tăng mức độ nhận diện sản phẩm đối với người tiêu dùng.
Trong hướng đi sắp tới, ông Liêm cho biết sẽ đa dạng mẫu mã, hướng tới sản xuất sản phẩm cao cấp, sản phẩm chuyên biệt (dành cho người đi du lịch, dành cho người mê máy ảnh…), đồng thời nâng tổng số cửa hàng lên con số 40 vào năm 2017.