Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Chen chân trên thị trường dịch vụ tiện lợi

Vũ Yến -

Đứng trước sức ép cạnh tranh mạnh mẽ đến từ các đối thủ nước ngoài, các chuỗi bán lẻ lớn trong nước đang củng cố vị thế trên thị trường thông qua việc mở rộng hệ thống cửa hàng thực phẩm tiện lợi đến các khu vực vùng ven và ngoại thành TPHCM.

Không chỉ phục vụ các mặt hàng thực phẩm tươi sống, các cửa hàng thực phẩm tiện lợi còn đáp ứng cả nhu cầu mua sắm đồ tiêu dùng thiết yếu của những khách hàng có quỹ thời gian eo hẹp. Theo các nhà bán lẻ, đây là mô hình kinh doanh phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng và họ còn nhiều cơ hội để khai thác và phát triển thị trường. Cũng chính sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà bán lẻ đã khiến cho thị trường dịch vụ tiện lợi ngày càng sôi động.

Không ngừng mở rộng

__MG_1040

Như một thói quen, cứ mỗi hai ngày, chị Hoài Nam, sống ở quận Thủ Đức (TPHCM), trên con đường từ công ty ở quận 1 về nhà lại ghé vào một cửa hàng thực phẩm tiện lợi, khi thì SatraFoods, khi lại Co.op Food, để mua sắm.

Chị nói rằng đã rất lâu không còn đi chợ, thay vào đó là mua thực phẩm cho gia đình tại các cửa hàng thực phẩm tiện lợi và ngày cuối tuần sẽ cùng gia đình đi mua sắm đồ dùng thiết yếu, kết hợp vui chơi.

“Hàng ngày tôi rời nhà vào lúc 6 giờ sáng để đưa con đi học, khi rời văn phòng làm việc đã sau 5 giờ chiều, nên mua sắm ở cửa hàng thực phẩm tiện lợi là lựa chọn thích hợp”, chị Nam kể, và nhận xét ngày càng có thêm nhiều cửa hàng mở cửa trên tuyến đường chị đi làm. Không chỉ cung cấp khá phong phú các loại thực phẩm, đồ dùng thiết yếu, các cửa hàng loại này còn có các dịch vụ tiện ích đi kèm như trông giữ xe, nhận đặt hàng trước qua điện thoại, giao hàng đến tận nhà cho khách…

“Quan trọng hơn cả, tôi yên tâm vì các mặt hàng thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống, đều đã qua một quy trình kiểm soát chất lượng theo tiêu chuẩn trước khi được đưa lên kệ hàng”, chị Nam nói.

Bà Nguyễn Thị Gái, sống tại quận Bình Tân, cũng kể rằng sau khi phát hiện gần nhà có cửa hàng Bách hóa Xanh thì bà thường xuyên đến đây mua thực phẩm thay vì chỉ đi chợ như trước đây. Bà Gái cho biết bà thích đi đến cửa hàng vì không gian mát mẻ, sạch sẽ, bán khá nhiều mặt hàng tiêu dùng, thỉnh thoảng lại có các chương trình giảm giá thu hút khá đông đảo các bà nội trợ. Tuy nhiên, các loại thực phẩm tươi sống thì không phong phú như ở chợ và siêu thị lớn.

Cách đây gần 10 năm, Liên hiệp hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đã mở cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.op Food đầu tiên vào cuối năm 2008. Ba năm sau đó, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cho ra mắt cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satra (SatraFoods) đầu tiên của mình. Cùng thời điểm SatraFoods mở cửa, Công ty TNHH Bách Hóa Mới cũng đưa chuỗi cửa hàng New Chợ đi vào hoạt động. Sau này, thị trường có sự góp mặt của chuỗi cửa hàng tiện lợi VinMart+ thuộc VinGroup, Bách hóa Xanh thuộc  Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG). Điểm chung của các cửa hàng này là có diện tích từ 120 m2 trở lên, kinh doanh từ 2.500 mặt hàng trở lên, chủ yếu là các loại thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết hàng ngày.

Ông Ngô Việt Hùng, Trưởng ban Ban quản lý và phát triển hệ thống bán lẻ Satra, thuộc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), cho biết trong kế hoạch Satra sẽ mở thêm 55 cửa hàng SatraFoods trong năm nay, gồm 45 cửa hàng ở TPHCM và 10 ở thành phố Cần Thơ. Doanh nghiệp cũng đang nghiên cứu phương án kinh doanh nhượng quyền thương hiệu (franchise) nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển mạng lưới SatraFoods, với tham vọng đạt ít nhất 300 cửa hàng trên cả nước vào năm 2020, từ con số hơn 100 hiện nay.

Ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc Thế giới Di động, cho biết hiện có khoảng 50 cửa hàng Bách hóa Xanh đang hoạt động ở quận Bình Tân và Tân Phú, với doanh thu hơn 1 tỉ đồng và 20.000 lượt khách mỗi tháng. Trong năm 2017 này, Thế giới Di động sẽ tiếp tục đầu tư để nâng số lượng cửa hàng lên con số 350. Đồng thời, công ty cũng xây dựng một trung tâm phân phối, hoàn thiện hệ thống quản trị cũng như quy trình cung ứng và tăng cường tính hiệu quả trong khâu thu mua hàng hóa, vận hành cửa hàng. Thế giới Di động kỳ vọng doanh thu cả chuỗi Bách hóa Xanh sẽ tăng khoảng 10 lần, đạt 2.500 tỉ đồng. Đây sẽ là bước đệm để Bách hóa Xanh tiến tới việc mở rộng ra toàn quốc vào đầu hoặc giữa năm 2018.

Về phía Saigon Co.op, ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc tiếp thị, cho biết dự kiến trong năm nay sẽ có thêm 50-60 Co.op Food nữa ra đời. Hiện nay Saigon Co.op đang vận hành hơn 120 cửa hàng thực phẩm tiện lợi.

Tìm cơ hội để phát triển

__MG_0459WNgười tiêu dùng mua sắm tại cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satra (Satrafoods) trên đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, TPHCM.

Mặc dù khẳng định tính cạnh tranh trên thị trường bán lẻ nói chung, và thị trường dịch vụ tiện lợi nói riêng đang rất gay gắt, ông Ngô Việt Hùng của Satra vẫn cho rằng tiềm năng phát triển của mô hình kinh doanh của hàng thực phẩm tiện lợi là rất lớn. Mô hình này sẽ ngày càng phát triển hơn khi đáp ứng được nhu cầu về tính tiện ích, nhanh chóng và bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm của người tiêu dùng thành thị, đặc biệt trong bối cảnh nhóm người tiêu dùng trẻ tuổi tăng lên và nhịp sống ngày càng hiện đại hơn.

Ông Trần Kinh Doanh cũng cho rằng mô hình cửa hàng thực phẩm tiện lợi là một vùng đất rộng cần được khai thác. “Các tên tuổi lớn trên thị trường bán lẻ mới chỉ chiếm khoảng 15% thị phần, 85% còn lại là thuộc hệ thống các chợ truyền thống lớn nhỏ nằm rải rác trên khắp cả nước, chúng tôi cho rằng đây sẽ là một đại dương xanh mênh mông cần được khai thác”, ông Trần Kinh Doanh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cũng theo các nhà bán lẻ, cơ hội luôn đi kèm với những khó khăn, thách thức. Ông Ngô Việt Hùng nhận định khó khăn lớn nhất chính là việc tìm mặt bằng. Các nhà bán lẻ nước ngoài và trong nước đều đang phát triển nhanh các chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị và trung tâm thương mại của mình. Trên thị trường bất động sản, giá đất đang có chiều hướng tăng cao, kéo theo giá thuê mặt bằng cũng bị ảnh hưởng. Ví dụ, các quận xa khu vực trung tâm như Tân Phú, Bình Tân trước đây với diện tích 150 m2 có giá thuê 15-20 triệu mỗi tháng thì nay tăng lên đến 30 triệu mỗi tháng, cá biệt, có nơi tăng lên đến 50 triệu mỗi tháng.

Trong khi đó, ông Hoàng Anh cho rằng diện tích nhỏ vừa là ưu điểm nhưng cũng là mặt hạn chế của mô hình cửa hàng thực phẩm tiện lợi. Cụ thể, nhà đầu tư có thể phát triển nhanh các cửa hàng có diện tích nhỏ nhưng với không gian nhỏ thì việc lưu trữ và trưng bày nhiều hàng hóa lại gặp khó khăn.

Việc phân bố rộng khắp của các cửa hàng sẽ giúp phủ nhiều khu vực nhưng khâu tổ chức dịch vụ hậu cần và giao nhận, phân bổ hàng hóa cũng phức tạp…

Bên cạnh việc vượt qua những thách thức nói trên, các chuỗi bán lẻ còn phải không ngừng cải tiến hệ thống quản trị, đào tạo, huấn luyện nhân sự và nâng cao năng lực khâu kiểm soát chất lượng sản phẩm. “Thực phẩm sạch, an toàn là mối quan tâm lớn nhất của người tiêu dùng hiện nay. Để đáp ứng yêu cầu này, chúng tôi ngoài việc chọn nhà cung ứng uy tín, kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt đầu vào nguồn thực phẩm còn hướng đến việc phát triển chuỗi cung ứng”, ông Hùng cho biết thêm Satra hiện có xí nghiệp cung ứng rau củ quả và chế biến hàng tươi sống. Xí nghiệp này cung cấp hàng cho toàn bộ các cửa hàng và siêu thị trực thuộc. Bên cạnh đó, Satra cũng đang mở rộng việc liên kết, hợp tác với các trang trại, nhà vườn để có vùng nguyên liệu ổn định, nguồn thực phẩm an toàn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối