Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Chen chân vào cửa hàng tiện lợi

Yến Hùng-

Chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven vừa bước vào thị trường Việt Nam, với điểm nhấn là khu vực bán thức ăn vặt đường phố bên cạnh các mặt hàng tiêu dùng truyền thống. Ở một số cửa hàng tiện lợi của các thương hiệu khác, góc ẩm thực cũng là một phần không thể thiếu trong cửa hàng. Ở góc độ người tiêu dùng, việc mua một món ăn vặt trong một cửa hàng có thương hiệu sẽ có cảm giác an tâm hơn. Với các nhà cung cấp, việc đưa sản phẩm vào các chuỗi cửa hàng tiện lợi có thương hiệu cũng không đơn giản.

Kiểm tra kỹ lưỡng

Trong số các doanh nghiệp, Công ty cổ phần Sài Gòn Food là nhà cung cấp sản phẩm cho chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven tại Việt Nam. Cụ thể, trong danh mục khoảng 100 món ăn tươi và được làm mới mỗi ngày tại cửa hàng này, sản phẩm của Sài Gòn Food chiếm phân nửa.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food, cho biết chuỗi cửa hàng 24 giờ nổi tiếng thế giới này có những tiêu chuẩn rất khắt khe với nhà cung cấp. Để được chọn làm nhà cung cấp thực phẩm tươi với số lượng lớn, Sài Gòn Food đã trải qua một quy trình “sát hạch” với những tiêu chuẩn cao của 7-Eleven. Đó là trong một thời gian ngắn, công ty phải hoàn chỉnh công thức, quy trình sản xuất cho hơn 50 món ăn theo gợi ý của 7-Eleven cũng như kỹ thuật bảo quản, đặc biệt là làm sao ngon và phù hợp khẩu vị người Việt.

Với nguyên liệu đầu vào, công ty phải đảm bảo kiểm soát nguồn gốc bằng cách chọn nhà cung cấp uy tín, rau củ phải đạt chuẩn VietGAP. Một loạt yêu cầu khác như tất cả món ăn chế biến từ gạo đều phải dùng gạo Nhật Bản nhằm tạo sự khác biệt. Hay trong chế biến, đối tác đưa ra yêu cầu là toàn bộ thực phẩm chế biến không dùng bột ngọt, bột nêm… Vì vậy, doanh nghiệp phải nghiên cứu lại, vị ngọt ngon phải hoàn toàn bằng các nguyên liệu thiên nhiên sẵn có, phải đổi lại công thức món ăn phù hợp với yêu cầu của đối tác. Đồng thời đảm bảo sản phẩm hợp khẩu vị người tiêu dùng.

Là doanh nghiệp chuyên về thực phẩm đông lạnh hoặc cháo tươi có thời hạn sử dụng tối thiểu là 6 tháng, nhưng với những món ăn tươi, Sài Gòn Food cũng phải đáp ứng điều kiện thời gian sử dụng trong 48 giờ và thời điểm nhận đơn hàng đến lúc giao hàng không quá 10 giờ của 7-Eleven cũng là điều kiện không hề đơn giản. Bà Lâm cho biết, công ty phải thay đổi cả chuỗi vận hành hệ thống quản lý từ cung ứng đến phân phối chứ không đơn giản chỉ sản xuất cung cấp hàng như lâu nay vẫn thực hiện.

Và để thực hiện dự án, Sài Gòn Food còn cử người sang Nhật học hỏi nhà máy cung cấp thực phẩm cho 7-Eleven. Trong khi đó, để được chọn là nhà cung cấp, trong suốt một năm qua, 7-Eleven cũng đã cử chuyên gia trực tiếp đến nhà máy của Sài Gòn Food, hướng dẫn cho nhân viên và giám sát quá trình vận hành dây chuyền sản xuất. Theo bà Lâm, Sài Gòn Food có lợi thế khi được chọn là nhờ có nhiều năm kinh nghiệm xuất khẩu thực phẩm cao cấp cho thị trường Nhật Bản, am hiểu tiêu chuẩn chất lượng và cách làm của người Nhật.

Ông Kazuki Furuya, Chủ tịch của 7-Eleven Nhật Bản, cho rằng 7-Eleven không thể hoạt động và phát triển một mình. Nếu không có sự hỗ trợ của nhà cung cấp, nhà phân phối và các bên thứ ba thì cửa hàng không thể thỏa mãn nhu cầu khách hàng.

 7-eleven-sgttNhà bán lẻ nước ngoài nào cũng cần sản phẩm nội địa miễn là sản phẩm đó đạt chất lượng.  Ảnh: Quốc Hùng

Không quá khó nếu hàng chất lượng

Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết hiện nay công ty đang cung cấp trứng vào hệ thống các cửa hàng tiện lợi nước ngoài tại Việt Nam như Circle K, Ministop, Family Mart, B's mart, Shop & Go và 7-Eleven. Theo ông Thiện, để sản phẩm chen chân vào các hệ thống cửa hàng tiện lợi này, phía đối tác kiểm tra chất lượng kỹ lưỡng, chặt chẽ. Song song đó, ngoài việc đáp ứng được yêu cầu về chất lượng của các đối tác nước ngoài thì việc đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng là một yếu tố quan trọng.

“Vì là hệ thống cửa hàng tiện lợi nên diện tích trưng bày cho sản phẩm thường hẹp. Sản phẩm đưa vào cửa hàng trong thời gian ngắn không được người tiêu dùng chấp nhận thì ngay lập tức họ sẽ ngưng lấy hàng”, ông Thiện cho biết.

Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), cho biết hiện nay, mỗi tháng Vissan cung ứng khoảng chín tấn thịt heo tươi các loại cho Công ty cổ phần TM-DV Cổng Vàng, đơn vị sở hữu các thương hiệu như Ashima, Kichi-Kichi, Sumo BBQ, Isushi, Cowboy Jack's, Kpub, Gogi House, Vuvuzela.

Song song đó, Vissan cũng cung ứng các loại thực phẩm chế biến như xúc xích tiệt trùng, đồ hộp, thịt nguội, giò, chả… vào hầu hết các hệ thống cửa hàng tiện lợi như Circle K, Ministop, Family Mart, B’s mart, Shop & Go. Tổng doanh thu hàng thực phẩm chế biến cung cấp cho hệ thống cửa hàng tiện lợi năm 2016 vào khoảng 40 tỉ đồng.

Ông An cho biết thêm, hiện nay Vissan và đại diện chuỗi cửa hàng tiện lợi 7- Eleven đang có những buổi làm việc để đi đến thống nhất hợp đồng cung ứng sản phẩm thực phẩm chế biến cho chuỗi cửa hàng này. Về chất lượng thì sản phẩm của Vissan đạt yêu cầu, tuy nhiên hai bên còn thương thảo cách thức giao hàng, phương thức thanh toán.

Theo ông An, khi tham gia vào thị trường bán lẻ Việt Nam, các nhà bán lẻ nước ngoài hay có vốn đầu tư từ nước ngoài cũng cần có sản phẩm Việt Nam trên quầy kệ của họ, nên họ sẽ tiếp cận các nhà sản xuất trong nước. Vì vậy, nếu sản phẩm doanh nghiệp trong nước đạt chất lượng tốt thì cũng không quá khó khăn để lên được quầy kệ của các doanh nghiệp nước ngoài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối