Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024

Cheo leo giữa biển đóng đáy hàng khơi

(SGTT) – Ngoài khơi xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, ngày đêm người dân “bám trụ” trên những căn chòi nhỏ, vắt vẻo giữa biển để đóng đáy hàng khơi.
Bình minh trên dải đáy hàng khơi. Ảnh: Nguyễn Khánh Vũ Khoa

Đáy hàng khơi là một công cụ đánh bắt thủy hải sản, bao gồm hệ thống các thiết bị như cột đáy, rượng đáy, đõi đáy, nèo đáy, miệng đáy bằng lưới có hình chóp giăng ngang dòng nước chảy ở biển để bắt tôm cá các loại. 

Theo truyền miệng, nghề đóng đáy hàng khơi ở Trà Vinh được hình thành đã hơn 100 năm. Ngư dân từ Phú Yên, Khánh Hòa, Phan Thiết… đến Mỹ Long định cư, khai mở nghề đóng đáy hàng khơi.

Hàng rượng đáy như lối đi trên mặt biển, để ngư dân di chuyển từ miệng đáy này sang miệng đáy kia. Ảnh: Nguyễn Khánh Vũ Khoa

Ngoài biển khơi mênh mông nước, để dựng lên một dải đáy, công việc đầu tiên đòi hỏi người làm nghề cần định vị đúng dòng chảy của luồng lạch. Sau đó, cắm những cột đáy nối tiếp nhau ngang luồng lạch. 

Cột đáy thường được ngư dân sử dụng từ thân cây dừa, cây sao... cắm cách nhau khoảng 5 -10m, chắn ngang dòng chảy của nước. Giữa các cột đáy có rượng đáy, được cột cố định bằng cây tre hoặc dây kẽm nằm ngang, cách mặt nước biển chừng 1,5-2,5m vừa để giữ vững cột đáy, vừa làm “con đường” để đi lại từ miệng đáy này sang miệng đáy kia. 

Mặc cho rượng đáy đong đưa, "bạn đáy" vẫn thoăn thoắt di chuyển từ miệng đáy này sang miệng đáy khác. Ảnh: Nguyễn Khánh Vũ Khoa

Miệng đáy rộng, được làm bằng loại lưới đan thành hình chóp, đuôi thắt gọi là “đục đáy”. Miệng đáy được bắt cố định vào giữa hai cột đáy phía trên và dưới để "hứng" tôm cá di chuyển theo dòng nước chảy... 

Tất cả những kinh nghiệm từ đi biển, xem thiên văn, việc chọn luồng lạch, kỹ thuật cắm hàng đáy, phương cách trải đáy... đều được truyền dạy từ cha sang con, hết đời này sang đời khác.

Ảnh: Nguyễn Khánh Vũ Khoa

Trong những nghề đánh bắt thủy sản lâu đời nhất ở vùng biển phía Nam, nghề đóng đáy hiện nay chỉ còn ở một vài địa phương như Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Trà Vinh, Cà Mau... với số lượng ngư dân tham gia khá ít ỏi.

Ảnh: Nguyễn Khánh Vũ Khoa

Theo tìm hiểu, công việc của nghề đáy không cần các kỹ thuật đánh bắt như những nghề biển khác, cũng không tốn nhiều chi phí xăng dầu và thu nhập cũng không cao. Lượng hải sản đánh bắt phụ thuộc vào tài nguyên của biển và một chút may mắn. Các mùa khác chủ yếu là cá tạp, ghẹ nhỏ và bạch tuộc nhưng phải vài ngày mới thu một lần.

Gian nan nghề đóng đáy hàng khơi. Ảnh: Nguyễn Khánh Vũ Khoa

Người làm nghề đóng đáy được gọi là “bạn đáy”. Ngoài kinh nghiệm đi biển, bơi lội giỏi, “bạn đáy” còn phải thích nghi với cuộc sống giữa biển khơi ở căn chòi nhỏ “treo” lơ lửng trên những cột đáy. Mỗi chòi có diện tích khoảng 4 -10m², có 2-3 người ở cùng để đóng đáy, thu hoạch, quản lý và bảo vệ hàng đáy. 

Ảnh: Nguyễn Khánh Vũ Khoa

Hàng tháng, theo hai con nước rong vào ngày rằm và ngày 30 Âm lịch, nước biển dâng cao, “bạn đáy” phải sống nơi biển khơi khoảng 20 ngày để làm các công việc đi dây, đu dây, thả lưới, kéo đáy thu hoạch tôm cá.

Bất kể sớm hay khuya, trời nắng hay mưa, họ phải canh con nước lớn thì trải đáy, nước rút thì kéo đáy thu hoạch. Xong việc đóng đáy họ lại bắt đầu giặt đáy, phơi đáy.

Ảnh: Nguyễn Khánh Vũ Khoa

Mỗi tháng, khi vào con nước “kém” vào những ngày từ 20-25 Âm lịch, hoặc từ mùng 10-15 Âm lịch, nước biển không dâng cao, nước ít chảy xiết, họ mới trở về đất liền. Khi đến con nước rong, họ lại bắt đầu công việc mưu sinh nơi biển cả.

Nguyễn Khánh Vũ Khoa - Đăng Huy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm