Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

Chết dở vì thiếu nguyên liệu

Ngọc Hùng

Các doanh nghiệp xuất khẩu điều nhân hiện đang rơi vào tình thế khá khó khăn khi nguồn nguyên liệu điều thô nhập khẩu bị sụt giảm mạnh. Có doanh nghiệp bị đối tác cung ứng điều thô bẻ kèo, xù hàng; có doanh nghiệp không dám ký hợp đồng xuất khẩu với số lượng lớn...

Tuy xuất khẩu hạt điều nhân rất nhiều nhưng các doanh nghiệp lâu nay hầu như bị phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, đến 70%. Trong đó, lượng điều thô nhập từ châu Phi khá lớn. Thế nhưng, theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), do ảnh hưởng của thời tiết nên sản lượng điều thô của các nước châu Phi đã giảm mạnh. Thêm nữa, không chỉ có khách hàng Việt Nam mà thời gian qua còn có các doanh nghiệp quốc gia khác, như Ấn Độ, Singapore… cũng tìm cách mua điều thô với số lượng lớn từ các nước châu Phi này.

Có nhiều người mua nên các đối tác xuất nguyên liệu điều thô có cơ hội để làm giá. “Thậm chí, bên bán điều thô chấp nhận phá vỡ hợp đồng đã ký với các doanh nghiệp điều Việt Nam và chỉ chấp nhận thực hiện hợp đồng nếu bên mua chấp nhận hạ tiêu chuẩn hạt điều xuống hoặc phải tăng thêm giá mua”, một vị đại diện Vinacas cho biết.

Nguồn nguyên liệu luôn là mối lo của doanh nghiệp ngành điều Việt Nam.
Nguồn nguyên liệu luôn là mối lo của doanh nghiệp ngành điều Việt Nam.

[box type="download"] Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quí 1-2015, lượng điều thô mà Việt Nam nhập khẩu là 145.000 tấn, giá trị đạt 200 triệu đô la Mỹ, tăng 2,75 lần so với cùng kỳ. Cũng trong quí 1-2015, Việt Nam xuất khẩu 51.000 tấn điều nhân, athu về là 370 triệu đô la Mỹ, giảm 1,3% về lượng nhưng tăng gần 15% về giá trị. Giá điều xuất khẩu trung bình hai tháng đầu năm nay là 7.138 đô la Mỹ/tấn, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm trước.[/box]

Theo ông Tạ Quang Huyên, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Sơn 1 (tỉnh Bình Phước), vừa qua công ty ông nhận được thông báo từ các doanh nghiệp Bờ Biển Ngà – quốc gia có lượng điều thô lớn nhất của châu Phi – cho biết sẽ không giao hàng như đã ký. Số lượng đơn hàng bị hủy gần 4.000 tấn và doanh nghiệp nọ chỉ đồng ý giao hàng nếu phía Hoàng Sơn 1 nhận điều thô có chất lượng thấp hơn cam kết trong hợp đồng.

Thống kê của Vinacas cho thấy, không chỉ có Hoàng Sơn 1 rơi vào tình huống trên. Theo khảo sát ban đầu của Vinacas, số lượng điều thô trên hợp đồng bị xù đến nay là 15.000 tấn. Tuy nhiên, đây chỉ là số liệu từ một số doanh nghiệp, trong khi vẫn còn những doanh nghiệp vì nhiều lý do đã không cung cấp tình hình về hợp đồng bị hủy cho hiệp hội.

Vị đại diện Vinacas cho biết thêm, nhiều đối tác đã lấy cớ sản lượng điều thô châu Phi giảm để tăng giá bán. Trước áp lực cạnh tranh nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải nâng giá mua lên. Hiện giá điều thô nhập khẩu từ châu Phi dao động ở mức trên dưới 1.300 đô la Mỹ/tấn. Mức giá này, theo ông Huyên, nếu doanh nghiệp nhập về sẽ khó có lãi. Một số doanh nghiệp cân nhắc trong việc ký hợp đồng bán điều nhân mới vì lo ngại không tìm đủ nguồn cung ứng nguyên liệu điều thô để nhập về chế biến, và như vậy, có thể phải bị bồi thường hợp đồng.

Để không bị bên cung ứng điều thô xù hợp đồng, Vinacas khuyến cáo các doanh nghiệp nên đưa ra mức ký quỹ cao, khoảng 30-40% tổng giá trị hợp đồng. Song, theo đại diện một số doanh nghiệp ngành điều, ký quỹ cao tức phải bỏ ra một lượng tiền lớn vào thời điểm ký hợp đồng nhưng chẳng có gì đảm bảo là bên bán không… xù. Khi đó, việc đòi lại số tiền ký quỹ sẽ khó khăn, mất nhiều thời gian, thủ tục rắc rối, và có khi mất luôn cả tiền ký quỹ.

Trong tình huống này, Vinacas cũng khuyến cáo thêm, các doanh nghiệp nên chọn đối tác có uy tín. Bên cạnh đó, trước khi ký hợp đồng, doanh nghiệp cần thông qua các cơ quan của Việt Nam ở những quốc gia này để kiểm tra lần nữa về uy tín của bên cung ứng điều thô.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối