Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Chỉ có khai sinh, không ép khai tử

LTS: Kể từ ngày 1-1-2015, Quyết định 50/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thu gom và xử lý các sản phẩm điện tử thải bỏ sẽ có hiệu lực. Cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có ảnh hưởng gì từ quyết định trên? Loạt bài của Sài Gòn Tiếp Thị chuyển tải những thông tin cơ bản đến bạn đọc xung quanh vấn đề này.

Một cách hiển nhiên, tất cả các sản phẩm điện tử, công nghệ hiện nay như máy vi tính, điện thoại, ti vi... đều không bị quy định ngày hết hạn sử dụng như là cái bánh, chai thuốc... Như vậy, việc thu hồi được thực hiện khi sản phẩm đã ở tình trạng cần “thải bỏ”.

Không quy định thời gian sử dụng

Quyết định 50 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành vào tháng 8-2013 và sẽ có hiệu lực từ đầu năm tới. Trong quyết định này, có ghi rõ “sản phẩm thải bỏ” tức là các sản phẩm đã hết thời hạn sử dụng hoặc sản phẩm được thải ra sau quá trình sử dụng. Như vậy, có thể hiểu rằng “sản phẩm thải bỏ” là sản phẩm mà người tiêu dùng đã không còn sử dụng, bị hết thời hạn sử dụng hoặc bị hư hỏng, không thể sử dụng tiếp tục. Người tiêu dùng quan tâm nhất đến việc làm thế nào để biết một chiếc điện thoại di động hoặc máy tính bảng “hết thời hạn sử dụng”?

Trên thực tế, các loại máy tính, thiết bị di động như điện thoại di động, máy tính bảng... cho đến thời điểm này vẫn không có khái niệm “hạn sử dụng” như thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm... Theo một số nhà sản xuất thì trên các thiết bị này chỉ có thông tin về thời gian sản xuất/xuất xưởng; không có thời hạn sử dụng.

Ông Mai Triều Nguyên, Giám đốc chuỗi cửa hàng Mai Nguyên Mobile Luxury khẳng định: Trên vỏ hộp các loại điện thoại di động, máy tính bảng, phụ kiện... thường chỉ có dòng chữ nói đến thời gian sản xuất, không có thời hạn sử dụng. Thông tin về ngày xuất xưởng luôn gắn liền với thời hạn bảo hành sản phẩm, hiện thời vẫn chưa có thông tin về hạn sử dụng cho các thiết bị di động.

Đại diện Công ty Samsung Việt Nam cũng cho biết, trên các loại điện thoại di động, máy tính bảng... của Samsung bán tại Việt Nam chỉ có thời hạn bảo hành chứ không có thời hạn sử dụng.

Rác thải điện tử là một trong những mối nguy hại đối với thiên nhiên và con người. Ảnh: Thành Hoa
Rác thải điện tử là một trong những mối nguy hại đối với thiên nhiên và con người. Ảnh: Thành Hoa

[box type="download"] Theo Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg, thời điểm các sản phẩm phải thu hồi theo lộ trình sau:

* Từ ngày 1-1-2015, bao gồm các sản phẩm như điện thoại di động, máy tính bảng, máy vi tính để bàn/laptop, máy chụp ảnh, máy quay phim, ắc-quy, pin... Hóa chất sử dụng trong công nghiệp-nông nghiệp, thủy sản và thuốc sử dụng cho người.

* Từ ngày 1-1-2016 sẽ bao gồm các sản phẩm như ti vi, tủ lạnh, máy giặt, máy điều hòa nhiệt độ (máy lạnh), vỏ ruột xe hơi...

* Từ ngày 1-1-2018 sẽ tính đến việc thu hồi các loại xe gắn máy, xe hơi các loại.[/box]

Người tiêu dùng, chủ yếu là tự nguyện

Theo Quyết định 50 cũng như dự thảo Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chỉ nhắc đến trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu sản phẩm nằm trong danh mục phải thu hồi-xử lý các sản phẩm thải bỏ; không đề cập cụ thể đến việc bắt buộc người tiêu dùng phải giao nộp sản phẩm thải bỏ. Cụ thể, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu phải phối hợp cùng với cơ quan quản lý nhà nước địa phương; các nhà phân phối để tổ chức các điểm thu hồi-xử lý sản phẩm thải bỏ. Quy trình, cách thức thực hiện sẽ do cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường, xử lý chất thải... hướng dẫn triển khai cụ thể.

Các doanh nghiệp sẽ phải tổ chức điểm tiếp nhận sản phẩm thải bỏ do họ bán ra thị trường; còn về phía người tiêu dùng sẽ tham gia chuyển sản phẩm thải bỏ đến các điểm thu hồi. Sẽ không có hình thức chế tài, bắt buộc người tiêu dùng phải giao nộp sản phẩm đã không còn sử dụng, hư hỏng, thải bỏ.

Một số doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm điện thoại di động, máy tính bảng... cho rằng quyết định này chỉ ảnh hưởng đến nhà sản xuất hoặc đơn vị nhập khẩu; còn người tiêu dùng chỉ là một thành phần tham gia vào quy trình. Quyết định 50 không bắt buộc người tiêu dùng mang nộp các sản phẩm thải bỏ. Đại diện truyền thông của hệ thống bán lẻ Thế giới Di động cho rằng các sản phẩm điện thoại di động, máy tính bảng... từ trước đến nay chưa hề có khuyến cáo về thời hạn sử dụng (từ nhà sản xuất). Người tiêu dùng có thể sử dụng sản phẩm cho đến khi nào hư hỏng thì không sử dụng nữa.

Doanh nghiệp đang chờ

Một số nhà phân phối điện thoại di động, máy tính bảng, laptop... như Thế giới Di động, FPT Shop, Nguyễn Kim... cho biết phải chờ nhà sản xuất tổ chức điểm thu hồi-xử lý và cung cấp quy trình thu hồi mới có thể thực hiện được. Thông tin thu hồi-xử lý sản phẩm thải bỏ từ cơ quan quản lý nhà nước và nhà sản xuất vẫn chưa chuyển đến các kênh bán lẻ sản phẩm công nghệ.

Hệ thống bán lẻ FPT Shop cho biết, FPT Shop sẵn sàng tổ chức các điểm thu hồi ngay tại các cửa hàng trên phạm vi toàn quốc sau khi có thông tin hướng dẫn cụ thể từ cơ quan quản lý nhà nước. Cho đến thời điểm này, từ phía các nhà sản xuất điện thoại di động, máy tính bảng... vẫn chưa có quy định hay hướng dẫn nào với nhà phân phối về thu hồi-xử lý sản phẩm thải bỏ.

Tại Thế giới Di động, đại diện đơn vị này cho biết nếu có thông tin cụ thể về quy trình, cách thức thu hồi sản phẩm thải bỏ, đơn vị sẵn sàng phối hợp tổ chức điểm thu hồi-xử lý, hỗ trợ khách hàng.

Ông Yuzo Otsuki, Tổng giám đốc Công ty Sony Electronic Việt Nam cho biết, Sony Việt Nam đã làm việc với Bộ TN&MT về vấn đề thu hồi các sản phẩm thải bỏ. Chúng tôi vẫn đang chờ thông tin hướng dẫn cách thức triển khai điểm thu hồi-xử lý từ Bộ TN&MT. Không chỉ có Sony, một số nhà sản xuất, nhập khẩu laptop, điện thoại di động, máy tính bảng... khác cũng đang chờ thông tin hướng dẫn từ Bộ TN&MT.

Việc thu hồi như thế nào, có trả tiền cho khách hàng mang sản phẩm thải bỏ đến điểm thu hồi hay không... thì chưa có nhà sản xuất hoặc nhà phân phối nào có thể trả lời. Tất cả đang chờ thông tin hướng dẫn chi tiết từ Bộ TN&MT.

Chí Thịnh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối