Thứ hai, Tháng tư 21, 2025

Chi phí đại học – rào cản tiềm ẩn kinh tế Mỹ

HÀ PHƯƠNG -   

Một nghiên cứu mới đây tại Mỹ vừa được công bố cho thấy khoảng cách về trình độ đại học giữa những sinh viên giàu và nghèo đang ngày càng nới rộng. Các nhà nghiên cứu cho rằng, điều này không chỉ là vấn đề đối với những sinh viên có thu nhập thấp và trung bình, mà còn là vấn nạn đối với toàn bộ nền kinh tế cũng như giáo dục của nước Mỹ khi nước Mỹ đang cần thay thế những thế hệ lao động sắp về hưu và thay vào đó là một lực lượng lao động có trình độ giáo dục cao.

sinh-vien

Khoảng cách giàu nghèo

“Tỷ lệ học sinh có thu nhập thấp tốt nghiệp trung học và đậu vào đại học đang có dấu hiệu tăng. Tuy nhiên, khi bước vào đại học, họ phải đối mặt với những rào cản về tài chính quá lớn. Thu nhập của những gia đình trung lưu đã và đang giảm trong khi chi phí vào đại học lại tăng một cách đều đặn”, Tom Mortenson, Nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Cơ hội trong Đại học The Pell, Washington cho biết.

Khoảng cách tỷ lệ hoàn thành bậc đại học giữa các sinh viên giàu và nghèo tại Mỹ hiện rất lớn. Theo số liệu thống kê vào năm 2014, trong số những sinh viên còn phụ thuộc vào trợ cấp của bố mẹ, 77% những sinh viên nằm trong nửa top đầu có thu nhập cao nhận được bằng cử nhân ở độ tuổi 24, trong khi tỷ lệ này chỉ đạt 23% ở những sinh viên nằm ở top sau. Khoảng cách này được ghi nhận ngày càng tăng qua thời gian. Năm 1970, tỷ lệ tốt nghiệp đại học ở nhóm những sinh viên có nền tảng kinh tế khá giả đạt 72%, trong khi ở nhóm còn lại là 28%. Đây là số liệu thống kê mới nhất của Viện Pell, dựa trên một nghiên cứu kéo dài nhiều năm bằng những phương pháp cải tiến và mở rộng trong phân tích dữ liệu, hợp tác cùng trường Đại học Pennsylvania.

Nghiên cứu này không phải là nghiên cứu duy nhất cho thấy sự phân cấp rõ ràng giữa những sinh viên giàu và nghèo. Giáo sư Susan Dynarski thuộc trường Đại học Michigan cũng đã từng nghiên cứu về tỷ lệ tốt nghiệp đại học giữa những sinh viên có thu nhập cao nhất và thấp nhất tại Mỹ. Khoảng cách giữa hai nhóm này khoảng 45% điểm đối với những sinh viên sinh vào những năm 1970 và đầu những năm 1980, tăng khoảng 30% điểm đối với những sinh viên sinh vào đầu những năm 1960. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này chính là sự suy giảm khả năng chi trả các khoản phí ở bậc đại học.

Ở Mỹ cũng có các trường cao đẳng cộng đồng hệ hai năm và một số trường đại học công hệ bốn năm, học phí được cho là thấp so với nhiều trường cao đẳng, đại học khác trên toàn quốc. Tuy nhiên, ngay cả khi được nhận hỗ trợ về mặt tài chính, những sinh viên có thu nhập thấp vẫn phải làm việc 20 giờ/tuần mới có khả năng trang trải các khoản chi thực tế như học phí, lệ phí, tiền sách vở và các khoản phí sinh hoạt khác khi theo học tại một số trường cao đẳng cộng đồng. Đây là yếu tố tương quan với tỷ lệ sinh viên bỏ học cao.

Gánh nặng chi phí

Joni Finney, đồng tác giả của một nghiên cứu mới về khả năng trang trải đại học quan ngại rằng: “Nếu xu hướng này vẫn tiếp tục diễn ra, trong tương lai chúng ta sẽ thấy sự phân cấp nhiều hơn, không chỉ trong các trường cao đẳng, đại học mà sau đó sẽ là xã hội”.

Nghiên cứu của bà dựa trên các khoản chi phí ở bậc cao đẳng, đại học và so sánh chúng với thu nhập của các gia đình trên toàn nước Mỹ. Kết quả cho thấy, chỉ 15 bang ở Mỹ cải thiện được khả năng chi trả các khoản phí tại các trường cao đẳng công hệ hai năm từ giữa năm 2008 và 2013; chỉ có sáu bang thực hiện được điều này tại các trường đại học công hệ bốn năm.

Có nhiều gia đình thu nhập 1 năm chưa đến 30.000 đô la Mỹ phải sống trong cảnh nợ nần để đáp ứng đủ chi phí cơ bản trong cuộc sống. Tuy nhiên, ở 15 bang với tỷ lệ phần trăm cao nhất trong số nhóm gia đình này, các sinh viên phải trả 41% đến 73% thu nhập của gia đình để theo học một trường đại học công hệ 4 năm không đào tạo tiến sĩ. Đây là số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu đại học tại trường Đại học Pennsylvania.

Nhà nghiên cứu Finney cho rằng bà có thể thấy một nguy cơ “ những người này sẽ mất đi hy vọng cho tương lai bởi vì cơ hội vượt ngoài tầm tay… Chúng ta sẽ chứng kiến một sự tác động về mặt kinh tế, chủng tộc và chính trị liên quan đến vấn đề này”. Những lời đề nghị miễn trừ học phí cao đẳng của các cử tri Mỹ xuất hiện thường xuyên trong các chiến dịch tranh cử tổng thống của Đảng Dân chủ trong thời gian qua. Tuy nhiên, nếu điều ước ấy trở thành hiện thực, nó cũng không hoàn toàn xóa bỏ sự chênh lệch giàu và nghèo này.

Giải pháp giảm thiểu chênh lệch

College Possible, một tổ chức thuộc Công ty AmeriCorps, chuyên thực hiện những chương trình hỗ trợ trong lĩnh vực giáo dục do Chính phủ Mỹ tài trợ, là một ví dụ điển hình cho những nỗ lực giảm thiểu những khó khăn mà các sinh viên đang học tại Mỹ phải đối mặt. Tổ chức này giới thiệu cho những học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông và chuẩn bị vào đại học có thu nhập thấp (hầu hết trong số này là thế hệ đầu tiên của gia đình học cao đẳng hay đại học) với những sinh viên mới tốt nghiệp. Những sinh viên đã tốt nghiệp này sẽ giúp những tân sinh viên tìm kiếm việc làm và hỗ trợ tài chính, cũng như bất kỳ rào cản nào mà họ vấp phải khi mới ghi danh vào đại học, dù đó là những trở ngại về văn hóa hay thủ tục hành chính.

Một nghiên cứu ngẫu nhiên, có thể xem là tiêu chuẩn vàng để đánh giá tính hiệu quả của chương trình, cho thấy những sinh viên được sự giúp đỡ của College Possible có khả năng học đại học hệ bốn năm cao hơn 15% điểm so với những sinh viên khác. Một khi đã vào học cao đẳng, 55% các sinh viên trong chương trình của College Possible nhận được bằng tốt nghiệp sau sáu năm. College Possible hiện đang nhận hỗ trợ cho khoảng 20.000 sinh viên/năm và con số này sẽ cao hơn trong tương lai.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối