Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Chia cổ tức, người vui kẻ buồn

THANH THƯƠNG - 

Thời điểm này được xem là mùa họp đại hội đồng cổ đông thường niên (thường gọi tắt là đại hội cổ đông) của các công ty niêm yết. Trong các đại hội, chuyện kinh doanh, chuyện cơ cấu nhân sự được bàn đến nhiều, nhưng chuyện cổ tức vốn liên quan thiết thân đến cổ đông cũng là chuyện rất “nóng”.

Vui vì cổ tức cao ngất

DSC_7689Vấn đề chia cổ tức cũng là một nội dung khá “nóng” trong các cuộc họp đại hội đồng cổ đông của công ty niêm yết.

Chị Thanh mua cổ phiếu Tổng công ty May Việt Tiến (mã VGG) cách đây 7 năm, khi đó thị giá mỗi cổ phiếu vào khoảng 36.500 đồng (mệnh giá 10.000 đồng). Mỗi năm đều đặn Việt Tiến trả cổ tức khoảng 2.500-3.000 đồng/cổ phiếu (25-30% mệnh giá). Vì lợi nhuận ổn định nên chị Thanh giữ cổ phiếu cho đến nay. Vừa qua công ty tiếp tục công bố trả cổ tức 30% theo mệnh giá đối với kết quả kinh doanh 2015.

Sau 7 năm, ngoài việc thu hồi một phần vốn đáng kể nhờ công ty trả cổ tức ổn định, chị Thanh còn có lời khi bán ra do giá cổ phiếu đã vọt lên cao. Vào tháng 3 vừa qua, Việt Tiến niêm yết cổ phiếu trên sàn UpCOM với giá 40.000 đồng/cổ phiếu. Đến nay giá đã vọt lên hơn 60.000 đồng, gần gấp đôi giá chị Thanh mua vào.

Hôm 18-4, Công ty cổ phần MEINFA (niêm yết trên sàn UpCOM) cũng đã công bố chia cổ tức 4.000 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá chỉ có 900 đồng. Công ty này thường xuyên chia cổ tức ở mức cao, 30-40%/năm (theo mệnh giá cổ phiếu 10.000 đồng).

Trong các doanh nghiệp niêm yết trên sàn đã có khoảng 20 doanh nghiệp công bố trả cổ tức năm 2015 cho cổ đông, trong đó nhiều doanh nghiệp nổi tiếng vì trả cổ tức cao ngất. Chẳng hạn, Công ty Dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng (MAS) trong năm 2015 đã 4 lần chốt quyền trả cổ tức bằng tiền mặt, trong đó có 3 lần trả 40% và 1 lần trả 35%. Giá cổ phiếu MAS tăng 89% trong năm 2015, từ 73.500 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh tỷ lệ cổ tức) lên 139.000 đồng.

Trong khi đó, Công ty Vật tư Xăng dầu (COM) đã 3 lần chốt quyền trả cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2015 với tỷ lệ 7%, 15% và 40%. COM hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và thiết bị cho trạm xăng và vật tư, giao thông vận tải.

Một số doanh nghiệp khác cũng trả cổ tức ở mức cao như thực phẩm Sao Ta (FMC), công ty này chia cổ tức 3 lần cho năm 2015, với mức chia cộng lại khoảng 60%, hay Công ty Kỹ thuật và Ô tô Trường Long chia cổ tức đến 90%…

Trong khi lãi suất tiết kiệm vẫn quanh mức 6%/năm, VN-Index năm 2015 tăng 6,2%, thì mức chia cổ tức như trên của các doanh nghiệp là rất hấp dẫn đối với cổ đông. Và các cuộc họp đại hội đồng cổ đông của các doanh nghiệp này diễn ra khá êm ả vì cổ đông khá hoan hỉ với khoản đầu tư của mình.

Tuy vậy, mức cổ tức cao như trên chỉ dành cho những cổ đông trung thành, đã nắm giữ cổ phiếu của doanh nghiệp rất lâu, còn trên thực tế, cơ hội cho nhà đầu tư mới là không nhiều, vì thanh khoản của các cổ phiếu trên hầu như rất thấp. Như MEINFA, với thị giá chỉ 900 đồng thì mức chia 4.000 đồng cho một cổ phiếu là quá lớn. Vậy nhưng cả hai năm nay cổ phiếu này chỉ có một giao dịch thỏa thuận với số lượng ít, còn hầu như không có giao dịch nào vì không ai bán ra. Việc giá cổ phiếu sụt giảm chỉ là do điều chỉnh sau khi phân phối cổ tức.

Cổ đông ngân hàng “nghèo” cổ tức

Trong khi cổ đông nhiều công ty đang vui trong mùa chia cổ tức thì cổ đông ngân hàng không hề cảm nhận được điều này.

Đã hai năm nay, tại kỳ họp đại hội đồng cổ đông của NamABank, ban lãnh đạo luôn bị cổ đông chất vấn chuyện cổ tức. Như năm nay, mức chia 5% bằng cổ phiếu, thấp hơn lãi ngân hàng trong khi lợi nhuận ngân hàng không đến nỗi tồi đã khiến nhiều cổ đông không đồng tình. Cùng thời điểm này năm ngoái, mức chia 4% cũng không làm thỏa mãn cổ đông.

“Chúng tôi đầu tư vào ngân hàng để lấy lãi nhưng mức lợi nhuận 4% không bằng lãi suất ngân hàng và cũng không bằng mức lạm phát, vậy ban lãnh đạo quản lý nguồn tiền của chúng tôi như thế nào?”, một cổ đông bức xúc nói trong đại hội vừa qua.

Ngày 23-4 sắp tới sẽ diễn ra cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên của Techcombank. Với công bố trước đó của hội đồng quản trị về việc ngân hàng này dự định sẽ không chia cổ tức trong năm 2015, chắc chắn cổ đông sẽ tiếp tục phản ứng. Vì trong năm ngoái ngân hàng cũng không chia cổ tức cho năm 2014. Còn nhớ tại đại hội năm ngoái, có cổ đông đã nêu ý kiến rằng lãnh đạo ngân hàng phải nói rõ cổ đông phải chờ bao lâu để có cổ tức, một năm hay ba năm? Tuy thế, đã không có lời hứa hẹn nào từ lãnh đạo ngân hàng.

Năm 2014 có 7/12 ngân hàng trên địa bàn TPHCM không chia cổ tức, một phần lý do nằm ở sự khống chế của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Mức chia cổ tức của các ngân hàng phải được NHNN phê duyệt. Sở dĩ như vậy là vì nhiều ngân hàng có lãi, nhưng nợ xấu cao, lợi nhuận để lại dùng để trích lập dự phòng, còn dư mới được chia cổ tức.

Nói về cổ tức các ngân hàng năm nay, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng sẽ không có sự chuyển biến tích cực từ các ngân hàng trên địa bàn, vì nhiều ngân hàng vẫn đang dùng nhiều nguồn lực để tiếp tục xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng. Đồng thời nguồn lợi nhuận để lại cũng được các ngân hàng dùng để đầu tư cho công nghệ nhằm cung cấp các sản phẩm bán lẻ cho khách hàng.

Theo ông Minh, cũng như năm ngoái, sẽ chỉ có một vài ngân hàng chia cổ tức khoảng 10% như Vietcombank, Vietinbank còn lại mức cổ tức tại các ngân hàng sẽ xoay quanh 5%, hoặc không thể chia cổ tức.

Việc làm ăn còn khó khăn cũng khiến cho nhiều cổ phiếu ngân hàng không thể tăng giá. Đa phần cổ phiếu các ngân hàng có giá về quanh hoặc dưới mệnh giá. Trong đó giá cổ phiếu của hai ngân hàng lớn là Eximbank và Sacombank xấp xỉ 10.000 đồng, còn các ngân hàng khác có vốn thấp hơn thì thị giá dưới 7.000 đồng/cổ phiếu.

Và trong khi các cổ phiếu của các công ty chia cổ tức cao không có thanh khoản vì không ai bán ra thì cổ phiếu ngân hàng chưa niêm yết được rao bán trên thị trường OTC cũng kém thanh khoản, vì không ai mua vào.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối