NGỌC MY -
Nói đến phim cổ trang, người yêu điện ảnh liên tưởng đến hình ảnh những người phụ nữ thướt tha trong các lớp áo choàng bằng lụa, cộng với phong cách trang điểm và các kiểu tóc búi trâm cài... Hình ảnh đó lại không thể tách rời với các trang phục hoàng triều, áo giáp sắt của những người đàn ông trong các bộ phim lịch sử, cổ trang. Và đằng sau những chiếc áo giáp cứng cỏi này là tình yêu nghệ thuật cũng như sự sáng tạo không ngừng của người chế tác nên chiếc áo giáp của anh Phạm Việt Cường.
Những chiếc áo giáp do anh Phạm Việt Cường chế tác.
Hẳn không đơn giản chút nào với công việc của một người chế tác chiếc áo giáp khi bộ phim cổ trang luôn đòi hỏi từng bộ trang phục, mỗi đạo cụ phải đúng và gần như dựa vào thời kỳ lịch sử lúc đó. Bản thân anh Phạm Việt Cường cũng gặp không ít khó khăn vì một bộ phim lịch sử ra đời bao gồm nhiều ý kiến, tranh luận, đồng thời phải tham khảo vào tài liệu lịch sử.
Trước đây, anh Phạm Việt Cường là một diễn viên múa ba lê chuyên nghiệp và chưa bao giờ nghĩ tới việc phải chia tay với sự nghiệp mình đã chọn. “Bộ môn múa ba lê không được nhiều người ưa chuộng, tôi cũng không thể làm nghề mà thiếu miếng cơm, manh áo. Mặc dù rất yêu quý và trân trọng môn nghệ thuật này, tôi cũng buộc phải tự chọn cho mình một con đường kiếm sống khác. Từ đó, tôi dấn thân vào công việc chế tác áo giáp và những đạo cụ cho các bộ phim lịch sử cho đến ngày hôm nay”, anh Cường tâm sự.
Những tác phẩm của anh không chỉ dừng lại ở trang phục phim lịch sử mà còn là những đạo cụ để phục vụ cho chương trình Festival Huế (2004), Festival Vũng Tàu (2006), các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại thành phố Hải Phòng, TPHCM.
Sau một thời gian, anh Phạm Việt Cường đã là một cái tên không thể nào thiếu trong ê kíp đoàn làm phim với chuyên môn: chế tác trang phục, nghệ thuật đạo cụ. Những bộ phim anh đã từng tham gia chế tác trang phục và tư vấn đạo cụ như Thiên mệnh anh hùng, Sài Gòn Tây du ký, Đam mê, Phan Bội Châu… là những bộ phim nhận được nhiều lời khen ngợi về trang phục cổ trang của các nhà chuyên môn.
“Khi tạo ra một bộ áo giáp thì phải am hiểu về sử Việt, hiểu biết về từng loại trang phục ứng với từng thời kỳ lịch sử, đặc biệt là không thể muốn “vẽ vời” sao cũng được. Một nhân vật bất kể là một vị vua, một vị tướng hay một người lính khi mặc áo giáp vào trông phải thật oai phong, mạnh mẽ, tuy nhiên còn phải… cử động được trong diễn xuất phim trường”, anh chia sẻ. Vì thế, công việc này luôn yêu cầu người chế tác trang phục cổ trang phải có kỹ thuật cao, đòi hỏi người làm trang phục phải có tâm tư, tình cảm và tìm hiểu những hình ảnh lịch sử của từng thời, đồng thời còn phải nắm rõ những cử động thân thể.
Anh cho biết, để làm nên những trang phục cổ trang có giá trị gắn với lịch sử thì phải cần sự tư vấn của các nhà sử học, tuy nhiên có một số trường hợp phải tham khảo thêm tư liệu từ các phim Trung Quốc để sử dụng họa tiết, hoa văn cho đúng với từng thời kỳ khi trong khi tư liệu lịch sử Việt Nam ghi chép chưa đầy đủ. “Tôi rất thất vọng vì cũng thấy đâu đó những hình họa 3D một bộ áo giáp mà họa tiết ẻo lả trông như trang phục của nước ngoài hay trang phục của nhân vật game thủ do những họa sĩ trẻ hiện nay thực hiện”, anh bức xúc.
Khi nhìn những bộ “áo giáp nặng nề” do anh Phạm Việt Cường chế tác thì không thể nào ngờ đến trọng lượng của chúng chỉ chừng 1 kg, có một vài trang phục yêu cầu thiết kế cầu kỳ và có đai áo nhưng chỉ nặng tối đa là 2 kg. Người xem sẽ bất ngờ với những nét gồ ghề trên áo giáp, độ lòi lõm và những vệt màu được anh khéo léo chế tạo mà cứ ngỡ đó là những bộ áo giáp bằng sắt, bằng đồng vô cùng nặng nề.
Không chỉ là những chiếc áo giáp “mềm mại”, cho đến nay, anh lại cảm hứng sáng tác những bức thư pháp đắp bằng chữ nổi. Tâm tư của anh là để những người có sở thích treo tranh thư pháp được thưởng thức tranh sống động hơn bởi sự đắp nổi của chất liệu, bức tranh sẽ chất chứa “cái hồn” và nội tâm của tác giả. Và anh lại tiếp tục lao vào với những đam mê, sáng tạo nghệ thuật của mình.