Thứ năm, Tháng mười 31, 2024

Chiến lược kinh tế tuần hoàn lan rộng ra nhiều nước

(SGTT) - Công nghệ kỹ thuật số, phân tích dữ liệu cùng tiến bộ của khoa học vật liệu đang thúc đẩy sự đổi mới và tăng trưởng của kinh tế tuần hoàn. Mô hình này đang ngày một trở nên quan trong chiến lược phát triển bền vững của nhiều quốc gia Châu Âu.

Trong khi đó, một số nền kinh tế lớn ở Châu Á như Trung Quốc và Nhật Bản cũng đẩy mạnh chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, xem đây là chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững.

Nhiều quốc gia đang muốn xây dựng chiến lược đưa công nghiệp tái chế về kinh tế tuần hoàn. Ảnh minh họa: DNCC

Xem kinh tế tuần hoàn là chiến lược tất yếu

Hiện nay, mức độ chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn tại các nền kinh tế lớn trên thế giới ngày một nhanh hơn và được xem như là chiến lược quốc gia. Theo thống kê tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2023, quy mô kinh tế tuần hoàn toàn cầu được định giá khoảng 553 tỉ đô la Mỹ năm 2023 và dự báo tốc độ tăng trưởng hằng năm ở mức 13,1% trong giai đoạn 2024-2030.

Châu Âu là một trong những khu vực đi đầu trong nỗ lực chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn. Tại Hà Lan, mục tiêu của chính phủ chuyển đổi nền kinh tế sang kinh tế hoàn toàn vào năm 2050 và 50% nền kinh tế sang kinh tế tuần hoàn vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này Chính phủ đã đưa ra các mục tiêu tạm thời là giảm 50% việc sử dụng khoáng sản nguyên liệu thô, nhiên liệu hóa thạch và kim loại vào năm 2030.

Các chương trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn cho năm lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế đã được triển khai là xây dựng, nhựa, hàng tiêu dùng, nhiên liệu sinh khối và thực phẩm và các hoạt động sản xuất. Những biện pháp can thiệp gồm đẩy mạnh vào hiệu quả sử dụng tài nguyên, chuyển đổi sang các nguồn tài nguyên có thể tái tạo và tái chế, đồng thời tạo ra các thị trường và mô hình kinh doanh mới.

Chính phủ Hà Lan cũng khởi động dự án mạng lưới hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn và cam kết đảm bảo mua sắm các hợp đồng từ các sản phẩm của nền kinh tế tuần hoàn từ năm 2023 trở đi.

Tại châu Á, Trung Quốc là quốc gia áp dụng chính sách chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn từ rất sớm. Kể từ năm 2006, trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 11, nước này đã đề cập đến nền kinh tế tuần hoàn. Vào năm 2008, Trung Quốc cũng đã thông qua Luật Xúc tiến Kinh tế Tuần hoàn.

Hiện nay, kinh tế tuần hoàn được coi là một mô hình cải cách kinh tế khả thi và là trọng tâm trong tầm nhìn phát triển xã hội Trung Quốc hài hoà. Kinh tế tuần hoàn tại đây được chú trọng tập trung vào sản xuất sạch hơn và phù hợp với các nguyên tắc sản xuất theo mô hình sinh thái công nghiệp. Sinh thái công nghiệp thể hiện sự chuyển hóa mô hình hệ công nghiệp truyền thống sang dạng mô hình tổng thể hơn. Trong đó, chất thải hay phế liệu từ quy trình sản xuất này có thể sử dụng làm nguyên liệu cho quy trình sản xuất khác.

Tại Nhật Bản, là một quốc gia đã khởi xướng đổi mới nền kinh tế tuần hoàn với một số chính sách được đưa ra từ đầu những năm 2000 nhằm giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế. Là một quốc gia đông dân, có nền công nghiệp kỹ thuật cao và hạn chế về tài nguyên, Nhật Bản đã sớm áp dụng các chính sách quản lý chất thải và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên.

Hiện nay, tỷ lệ tái chế nguyên liệu trong các ngành công nghiệp của Nhật Bản đạt mức cao. Theo lộ trình chính sách Tầm nhìn Kinh tế Tuần hoàn quốc gia, Nhật Bản khuyến khích các ngành chuyển sang các mô hình kinh doanh mới theo mô hình kinh tế tuần hoàn và cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên. Nhật Bản cũng đã ban hành Chiến lược sử dụng tài nguyên cho sản phẩm nhựa, để giải quyết vấn đề rác thải từ nhựa sử dụng một lần.

Ở các quốc gia đang phát triển, kinh tế tuần hoàn cũng được xem là cách tiếp cận tốt nhất để giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường.

Lợi ích lớn nhưng rào cản cũng nhiều

Hiện nay, Chính phủ của 155 quốc gia và vùng lãnh thổ đã nhất trí tăng cường hợp tác về chính sách, tài chính để hỗ trợ các doanh nghiệp thay đổi hành vi tiêu dùng và kinh doanh hướng tới bảo vệ môi trường.

Các thoả thuận về tăng trưởng hợp tác kinh tế tuần hoàn các quốc gia nổi bật như việc hợp tác giữa các ngân hàng phát triển đa phương hàng đầu thế giới. Trong đó, Ngân hàng Đầu tư châu Âu, Ngân hàng Phát triển châu Phi, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu và Ngân hàng Thế giới với cam kết tăng tỷ trọng của các dự án kinh tế tuần hoàn trong tổng vốn tài trợ cho các dự án.

Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), đến năm 2030, nền kinh tế tuần hoàn toàn cầu có thể mang lại lợi ích kinh tế 4.500 tỉ đô la và hỗ trợ hoàn thành 10/17 mục tiêu về phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Nền kinh tế tuần hoàn giúp đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của con người chỉ với 70% số vật liệu mà thế giới hiện đang khai thác và sử dụng. Qua đó, hạn chế tác động của các hoạt động của con người ở mức an toàn đối với môi trường.

Tỷ lệ vật liệu được luân chuyển trở lại sau khi hết vòng đời sử dụng hiện chỉ chiếm 7,2% trong năm 2023. Ảnh minh họa: DNCC

Dù có thể đem lại lợi ích khổng lồ nhưng việc triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn trên thế giới vẫn còn đối mặt nhiều thách thức. Theo thống kê tại WEF 2023, nền kinh tế toàn cầu hiện tiêu thụ khoảng 100 tỉ tấn vật liệu mỗi năm, tăng gần gấp đôi kể từ năm 2000. Trong đó, 90% số vật liệu không được tái sử dụng. Dự báo đến năm 2050, mức độ khai thác và sử dụng vật liệu sẽ tăng gấp đôi so với năm 2015, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sống tại các quốc gia trên thế giới.

Trong năm 2023, tỷ lệ vật liệu được luân chuyển trở lại sau khi hết vòng đời sử dụng (còn gọi là vật liệu thứ cấp) hiện chỉ chiếm 7,2% tổng số nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế toàn cầu. Tỷ lệ này giảm so với mức 8,6% vào năm 2020 và 9,1% vào năm 2018, cho thấy kinh tế toàn cầu ngày càng phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu mới.

Ở góc độ chiến lược và xây dựng chính sách để thực hiện tối ưu kinh tế tuần hoàn vẫn còn hạn chế khi nhiều nước chưa có hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế tuần hoàn. Việc tái chế vật liệu còn khó khăn do chưa có công nghệ tái chế hiệu quả trong khi hầu hết công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này đều đang ở giai đoạn non trẻ. Chi phí đầu tư cho việc tái chế và tái sử dụng vật liệu thường cao hơn so với chi phí tạo ra một sản phẩm mới, khiến việc chuyển dịch theo hướng tuần hoàn là không đơn giản đối với nhiều doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhận thức của người dân cũng như doanh nghiệp về kinh tế tuần hoàn còn hạn chế. Tái sử dụng là một trong những khái niệm then chốt của nền kinh tế tuần hoàn nhưng vẫn chưa được áp dụng trong nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành may mặc khi người tiêu dùng vẫn chưa quen với việc tái sử dụng quần áo.

Theo nhiều chuyên gia, để khơi thông lộ trình hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, các nước cần loại bỏ những rào cản pháp lý cản trở việc áp dụng nền kinh tế tuần hoàn, làm rõ và điều chỉnh các quy định liên quan đến các sáng kiến kinh tế tuần hoàn mới.

Ths. Hồ Ngọc Tú

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Làm kinh tế tuần hoàn: Chiến lược và thách thức của...

0
(SGTT) - Việc doanh nghiệp lựa chọn chiến lược nào để theo đuổi kinh tế tuần hoàn và đối phó với rủi ro tùy...

TrueCoop cùng đối tác liên kết phát triển nông nghiệp hữu...

0
(SGTT) – Ngày 29-5, Hợp tác xã điều hữu cơ TrueCoop đã ký kết hợp tác với hai đơn vị là Công ty TNHH...

Công bố danh sách 24 công ty đủ năng lực tái...

0
(SGTT) - Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia vừa công bố danh sách 24 công ty có đủ năng lực để thực hiện...

‘Lực kéo’ ngành công nghiệp tái chế về phía kinh tế...

0
(SGTT) - Bên cạnh “động cơ đẩy” là chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), ngành công nghiệp tái chế...

Thay đổi nhận thức để thực hành ESG trong ngành vật...

0
(SGTT) - Ngành vật liệu xây dựng được xem là ngành tiêu tốn nhiều tài nguyên lẫn mức độ phát thải lớn khi chiếm...

Dự án kinh tế tuần hoàn được ‘thử nghiệm’ cơ chế...

0
(SGTT) - Các dự án liên quan đến mô hình “kinh tế tuần hoàn” sẽ được thử nghiệm một số cơ chế đặc thù,...

Kết nối