(SGTT) - Hiện nay do chủ nhà không còn khả năng quản lý nên muốn bán lại căn nhà nuôi yến ở huyện T., tỉnh Bình Thuận giá 3,3 tỉ đồng, còn thương lượng. Diện tích nhà 480 mét vuông trong khu vườn rộng 2.650 mét vuông, nhà bê công cốt thép đã xây dựng cho thu hút yến được gần một năm với số nhà yến 50 tổ.
Phía sau cơn sốt xây nhà nuôi yến
Đó là mẫu rao bán nhà yến và nó không còn hiếm nữa khi xuất hiện trên các trang web mua bán nhà ở các tỉnh, thậm chí ngay tại huyện Cần Giờ, TPHCM, vùng nuôi yến nổi tiếng cả nước, vẫn ngày một nhiều hơn.
Với lý do không có nhu cầu tiếp tục kinh doanh nuôi yến nên cần bán nhà yến, một ông chủ nhà yến ở Gò Công Đông, Tiền Giang rao bán căn nhà yến đang hoạt động tới hơn 500 tổ yến, có diện tích nhà 200 mét vuông, đất 600 mét vuông, một trệt hai lầu có giá 4,3 tỉ đồng.
Có lẽ do ở xa, tận huyện Krông Năng, Dak Lak, chủ trang trại cà phê, tiêu, sầu riêng rộng 1,4 ha có căn nhà yến thu năm 2019 4 kg, năm ngoái thu gấp đôi nhưng có giá rao chỉ 2 tỉ đồng.
Một căn nhà 5 tầng ở quận Hải Châu, Đà Nẵng có 3 tầng bên dưới ở, còn bên trên nuôi yến thu hoạch 15 kg yến/năm cũng rao bán.
Nghề khai thác yến sào tự nhiên đã có từ xa xưa ở các vùng biển đảo miền Trung mà nổi tiếng nhất là Khánh Hòa, hay Phú Yên còn có hòn đảo nhỏ tên đảo Yến do có nhiều yến sào tự nhiên. Nhưng nghề làm nhà thu hút dẫn dụ yến thì có dân trong nghề lâu năm ai cũng công nhận là ở Cần Giờ, TPHCM. Khoảng năm 2004, người đầu tư căn nhà chim đầu tiên tại huyện Cần Giờ là A Lý (người Malaysia). Trước sự thành công của A Lý, ba năm sau đó các cộng sự của ông đã tách ra làm riêng theo thỏa thuận. Bạn bè trong “ê kíp” của A Lý, người tách ra xây nhà chim khác, người thì đi thầu công trình xây nhà chim.
Tuy không có ai thống kê chính thống nhưng các công ty kinh doanh yến vào năm 2009 ước tính số nhà yến từ Đà Nẵng tới Cà Mau chừng 300 căn và sau đó nghề nuôi yến bằng cách xây nhà dẫn dụ chim yến phát triển chóng mặt, chỉ 12 năm qua, ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có chừng 20.000 nhà yến, trong khi Khi Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam tiến hành kiểm tra thực tế thì thấy cả nước đã có đến gần 30.000 nhà yến, tức tăng 100 lần trong 12 năm.
Theo đánh giá của một công ty chuyên tư vấn, thầy xây dựng nhà yến thì có khá nhiều người đầu tư nuôi yến đang lưỡng lự có nên tiếp tục đầu tư nhà yến nữa hay không? Lý do chính mà các chủ nhà yến cho biết là do nhà yến sau một thời gian dài hoạt động không hiệu quả, không thu hút được lượng chim về sinh sống tạo bầy đàn.
Rất nhiều chủ nhà yến vỡ mộng chạy theo cơn sốt đầu tư nhà yến không khác gì cái thời chạy đua trồng cà phê, trồng tiêu, mắc ca của ngành nông nghiệp và rồi sau đó hệ quả là “đầu tư bạc tỉ thu bạc cắc”. Lắm gia đình ở nông thôn miền Trung kháo nhau một ký yến bán hơn 50 triệu đồng, chỉ cần có nhà, có máy dẫn dụ yến là “ngồi rung đùi thu hoạch” và rồi thế chấp sổ đỏ, vay mượn bạn bè xây nhà yến.
Lắm công ty dịch vụ tư vấn xây nhà yến “nổ”, đại ý cứ xây nhà, cung cấp gỗ cho yến làm tổ (gỗ maranti nhập từ Malaysia), làm kỹ thuật, cung cấp thiết bị dẫn dụ… với cam kết trong một thời gian có tổ yến mới thu tiền.
Một người dân nuôi yến ở một huyện ven biển miền Trung đầu tư nhà để ở bên dưới, bên trên nuôi yến hơn 1 tỉ đồng trên vườn nhà, ký với công ty dịch vụ 150 triệu đồng dạng chìa khóa trao tay, khi nào có tổ yến mới thu và yến về đâu được một thời gian, nay người này không biết làm sao để trả nợ ngân hàng 15 triệu đồng mỗi tháng, còn yến thì 3-4 năm nay chỉ thu chưa được 70 triệu đồng và ngày càng ít dần.
Một cán bộ nông nghiệp huyện của một tỉnh miền Trung nói với người viết rằng trong huyện có hàng chục nhà yến mọc lên 5 năm gần đây nhưng thành công, có thu thực sự rất ít, 5-7 căn nhà là giỏi và lắm người đã bỏ nghề hoặc rao bán nhà.
Ma trận những con số siêu lợi nhuận làm lóa mắt nhiều người
“Người dân đổ xô nuôi yến toàn là do quan chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đưa ra các con số quá hấp dẫn, nếu không nói là “nổ” để phục vụ lợi ích cho họ”, một phóng viên viết về nông nghiệp của một tờ báo địa phương miền Trung bức xúc khi gặp người viết. Anh nói một hội nghị được một tờ báo trung ương tường thuật cho hay lượng yến sào hiện nay thu được 200 tấn với doanh thu 3.000 tỉ đồng.
“Những con số như mơ vậy ai mà không ham, cứ cho 20.000 nhà yến như ngành nông nghiệp nói thì mỗi nhà yến bình quân có doanh thu 150 triệu đồng/năm, còn nếu bảo có tới 30.000 nhà yến thì mỗi nhà thu 100 triệu đồng/năm, đầu tư 1-2 tỉ bạc ở nông thôn để xây nhà yến, đắt hơn có thể vài tỉ bạc mà mỗi năm thu 100-150 triệu đồng thì làm giàu quá dễ dàng”, phóng viên này tính toán.
Chưa hết, anh còn cho biết nhiều nông dân nuôi yến nói với anh rằng báo chí đang “làm hại nông dân”, chẳng hạn có thông tin trên báo dẫn lời bộ ngành rằng hiện cả nước có 20.000 nhà yến, thu 120 tấn/năm với giá trị tương đương 450 triệu đô la, tức mỗi nhà yến một năm thu tới 500 triệu đồng, một con số không tưởng!
Cứ cho là nhiều nhà yến đang thất bát do mới nuôi chưa thu hoạch thì có nghĩa những nhà nuôi lâu có thể thu hàng tỉ đồng mỗi năm thì ai mà chẳng ham khi bỏ ra vài tỉ bạc (không tính TPHCM) là có một nhà yến và 2-3 năm là thu hồi vốn.
“Thông tin các quan chức, doanh nghiệp, hiệp hội công bố về yến đang làm hoa mắt người dân, nếu đúng như các quan chức nói thì khó có nghề nào có tỷ suất lợi nhuận cao như nuôi yến và chắc sắp tới cả nước có cả trăm ngàn nhà nuôi yến chứ không chỉ 20.000-30.000 nhà yến như hiện nay. Ngành nông nghiệp nên có những số liệu thực sự chuẩn xác và những khuyến cáo cần thiết giúp nông dân”, người phóng viên nói.
Bà Trần Tú H., chủ 3 căn nhà nuôi yến loại lớn đã đầu tư chục năm nay cho biết mỗi năm bà thu chừng 50 kg yến, tức thuộc dạng khá do nuôi lâu, vị trí đắc địa, nên nếu bảo nuôi yến mà kiếm hàng trăm triệu tới hàng tỉ đồng mỗi năm cho mỗi nhà yến thì chỉ là các công ty thầu xây nhà yến, cung cấp thiết bị nhà yến hùa nhau “nổ” để hưởng lợi mà thôi.
Hồng Ngọc
Bài viết đã nêu thực trạng hiện nay, giờ xây 10 nhà thì 9 nhà thất bại. Mà sao vẫn bị dụ xây ha.
Bây giờ mấy công ty bán thiết bị dụ dỗ người nuôi yến còn dễ dàng hơn người nuôi yến dụ yến.
Bài viết hay, đúng thực trạng, tôi tính đầu tư nuôi yến mà cần phải suy nghĩ lại.