Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 vừa đồng ý với đề xuất của UBND TPHCM về việc về chủ động mua và nhập khẩu vắc-xin để tiêm ngừa cho người dân thành phố.
- Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam 1 triệu liều vắc-xin, TPHCM muốn mua 5 triệu liều
- Làm rõ khả năng bảo vệ của vắc-xin trước biến thể SARS-CoV-2
Theo baochinhphu.vn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đồng ý với đề nghị của UBND TPHCM về việc mua và nhập khẩu vắc-xin. Tuy nhiên, về công tác tổ chức thực hiện, truyền thông cần tránh tình trạng tranh mua, đẩy giá vắc-xin lên cao.
Về việc triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh Covid-19, Chính phủ đã có Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26-2-2021. Trong đó, có nội dung về việc khuyến khích các đơn vị đủ điều kiện tổ chức tiêm chủng tự nguyện cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm cấp phép, kiểm định, quản lý chất lượng vắc-xin theo quy định; chỉ đạo, hướng dẫn việc tiêm chủng theo tiến độ yêu cầu, bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Trước đó, UBND TPHCM đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố được chủ động đàm phán tìm nguồn vaccine từ các nhà sản xuất, phân phối có uy tín trên thế giới, được nhập khẩu hoặc thuê các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu vắc-xin để nhập khẩu vắc-xin phòng Covid-19 về Việt Nam để sớm tiêm chủng cho người dân nhằm đạt miễn dịch cộng đồng.
Thành phố hiện có hơn 7,2 triệu người từ 18 tuổi trở lên, hơn 1,6 triệu công nhân, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, tập đoàn trong các khu công nghiệp nhưng chỉ mới nhận 140.000 liều vắc-xin ngừa Covid-19 để tiêm mũi 1 cho hơn 64.000 người và tiêm mũi 2 cho hơn 10.000 người.
Cũng liên quan đến việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, ngày 15-6, Bộ Y tế đã có cuộc họp để triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin trên toàn quốc, chiến dịch được đánh giá là có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng ở Việt Nam.
Dự kiến, cả nước sẽ thiết lập 8 kho bảo quản vắc-xin đạt Tiêu chuẩn thực hành bảo quản tốt (GSP). Trong đó, có 7 kho tại 7 quân khu trên toàn quốc và 1 kho tại Bộ Tư lệnh quân khu thủ đô. Vắc-xin sẽ ngay lập tức được đưa về các kho này ngay khi về đến sân bay. Từ đó, các xe lạnh sẽ chở vắc-xin đi các điểm tiêm chủng trên toàn quốc.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cần phải thiết lập các kho bảo quản vắc-xin ngay từ bây giờ cũng như rà soát, kiểm tra lại các yếu tố liên quan đến hậu cần, cơ sở vật chất... nhằm đảm bảo các tiêu chí về bảo quản vắc-xin an toàn.
Ngành y tế sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong chiến dịch tiêm chủng lần này. Thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, cơ quan y tế sẽ biết số lượng người tiêm, số lượng liều vắc-xin được sử dụng. Người dân sẽ được được nhắn tin mời đăng ký tiêm chủng khi có vắc-xin và được phản hồi tin nhắn này.
Việc áp dụng công nghệ thông tin sẽ không chỉ giúp người dân tiện lợi trong việc biết điểm tiêm chủng, thời gian tiêm, mà qua việc người dân check mã QR khi khám sàng lọc, điền thông tin vào ứng dụng có sẵn, cơ quan chức năng sẽ có dữ liệu để tiến đến bước quản lý hồ sơ "hộ chiếu vắc-xin" dễ dàng.
Với những người không dùng điện thoại thông minh, cơ quan chức năng sẽ có đầu số tổng đài nhắn thông tin cụ thể liên quan đến tiêm chủng đến người dân.
Việc tổ chức tiêm tại các điểm tiêm sẽ được kiểm soát chặt chẽ trên hệ thống điều hành tiêm chủng trực tuyến thay vì giao cho các đơn vị quản lý. Sẽ có khoảng 15.000 điểm tiêm chủng đã có nhân lực, tài khoản được cập nhật và đưa lên bản đồ tiêm chủng, công khai với người dân về quy trình tiêm chủng, số liều vắc-xin đã sử dụng, số người được tiêm.
Để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân gặp khó khăn trong các vùng dịch tại TPHCM cũng như các tỉnh thành khác trên cả nước, các tổ chức, cá nhân có thể đồng hành cùng Chương trình “Saigon Times – Nối vòng tay lớn” với chủ đề “Đồng hành chống dịch” do Kinh tế Sài Gòn phát động. Chi tiết vui lòng xem tại đây.
Minh Duy
Theo KTSG Online