(SGTTO) - Trong những ngày nhiều người lo sợ vì dịch cúm Covid-19 này, chúng tôi rủ nhau leo núi Bà Đen (Tây Ninh) và cho học trò đi theo, chứ ở nhà tụi nhỏ quậy quá hổng ai chịu nổi.
- Tà Năng - Phan Dũng: cung đường đẹp nhưng đầy thách thức
- Chàng trai phố núi 5 năm đều chinh phục đỉnh Lang Biang
Chuyến đi vừa để trải nghiệm nắng gió núi non, vận động cơ bắp, vừa giải phóng năng lượng tù túng từ bữa tết Nguyên đán tới giờ.
Chinh phục đỉnh núi cao gần 1.000m
Từ TPHCM, chúng tôi xuất phát bằng xe máy lúc 4:30, theo quốc lộ 22 nhắm hướng núi Bà Đen trực chỉ. Tới chân núi, cặp theo đường Bời Lời có nghĩa trang liệt sĩ, chúng tôi theo con đường nhỏ bên hông vô gởi xe ở chốt bảo vệ.
Sau bữa ăn sáng gọn nhẹ, mỗi người vai mang ba lô, trong có 2 lít nước, bánh năng lượng, dụng cụ y tế, chân mang giày leo núi, tay cầm gậy, bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh núi cao gần 1.000m, được mệnh danh “nóc nhà Đông Nam Bộ”.
Con đường lên núi có tên gọi đường cột điện, vì du khách sẽ đi bộ kế bên hàng cột kéo dây điện lên đỉnh núi. Từ chân núi lên đỉnh có hết thảy 117 cột điện, bắt đầu từ cột số 1, chúng tôi cứ vậy mà vừa leo vừa đếm.
Ở 20 cột điện đầu tiên, đường đi tương đối dễ dàng, độ dốc thoai thoải, ít đá to, có chỗ là những bậc thang vì gần vườn cây của dân, được bà con dọn dẹp rộng rãi cho dễ đi. Cũng nhờ vậy mà cây cối khu này rậm rạp mát mẻ, chúng tôi có thể nghe tiếng gió rì rào. Đoạn núi này có những tảng đá lớn bằng phẳng, mọi người có thể nghỉ giải lao, uống nước, chụp hình quay phim tùy thích.
Quá "đã" khi chinh phục đỉnh núi
Tiếp theo là những đoạn dốc cao hơn, đá nhô ra lồi lõm, đường đi chông chênh đòi hỏi người leo núi phải tập trung hơn, bởi không khéo sẽ trợt chân vấp té. Từ cột điện 40 tới 80 sẽ là những thử thách cho ý chí và sức lực, bởi lúc này hai đầu gối tôi đã bắt đầu mỏi nhừ, hơi thở dồn dập, tim đập mạnh hơn, và cổ thì bắt đầu khát khô.
Lúc này chúng tôi mới thấy uống nước nó ngon biết chừng nào, và trời ơi, gió! Gió mang hơi lạnh mát từ lưng chừng núi làm cho ai cũng hít thở khoan khoái như trút được nỗi mệt nhọc. Ôi, nó “đã” như chưa từng được thở cái luồng khí trời nào mà cảm thấy khỏe khoắn như vậy.
Dừng chân ở một góc núi dưới bóng cây mát rượi, chúng tôi nghe tiếng chim hót líu lo, còn xa xa dưới chân núi là đồng ruộng xanh tươi, nhà cửa, vườn cây mênh mông trong cảm giác êm ả, thanh bình.
Từ cột điện 80 tới 100 đường trở lại dễ đi với đá bậc thang đều đặn. Tại đây đã có thể nhìn thấy cột ăng ten trên đỉnh núi. Ráng thêm vài bước là tới “cổng trời”! Quả vậy, qua tiếp một đoạn đường đất, hai bên là rừng tre mát mẻ, chúng tôi đếm những bậc thang cuối cùng. “Tới đỉnh rồi”, mọi người reo lên rộn rã. Quên hết mệt mỏi, ai nấy đều cởi ba lô lấy điện thoại ra bấm bấm đủ kiểu.
Có trạm dừng chân, thưởng thức... mì gói nấu xúc xích
Đỉnh núi Bà Đen hiện đã có ga cáp treo, cùng một khoảnh đất bằng phẳng rộng rãi. Một chủ đầu tư đã trồng hoa kiểng, dựng chòi lá, bố trí bàn ghế cho du khách nghỉ chân. Nơi này có các quầy phục vụ nước giải khát, mì ly ăn với xúc xích cho đỡ đói. Tại các quầy bán đồ ăn đều để sẵn chai dung dịch sát trùng cho du khách rửa tay.
Điểm nhấn của đỉnh núi là cột mốc ghi chữ “Núi Bà Đen 986m” nằm ngay mép núi đã được xây rào che chắn an toàn. Ai lên tới đây cũng đều tranh thủ chụp vài pô hình với cột mốc làm kỷ niệm.
Tới đây, mọi người có thể tự hào đã hoàn thành mục tiêu “lên đỉnh”. Ai mệt có thể đi cáp treo xuống núi, ai còn sức, muốn tiếp tục thử thách bản thân thì đi bộ. Có 2 đường xuống: một là theo lối cũ (đường cột điện), hai là lối mới gọi là đường Chùa (vì đi ngang chùa Bà). Lối mới khó đi hơn do có nhiều đoạn dốc đứng, gồ ghề. Có nhiều đoạn phải bò lết, đu người đeo bám vào vách đá mới qua được. Phải là người có sức bền, có kỹ năng đi núi mới có thể xuống bằng lối này.
Nếu đi bộ giỏi thì thời gian du khách đi từ chân núi lên đỉnh núi mất từ 2 tiếng đồng hồ, đi nhẩn nha thì từ 3 tiếng. Người yếu hơn thì mất từ 4 tiếng. Thời gian xuống núi cũng y như vậy. Tính ra đi chơi vừa lên vừa xuống mất cả ngày là vừa.Du khách nên mặc quần áo thấm hút mồ hôi tốt, đội nón, mang giày chuyên dụng. Đồ đạc mang theo nên gọn nhẹ, chủ yếu là nước uống, bánh năng lượng…
Dương Thế Hùng