Thứ ba, Tháng Một 7, 2025

Chinh phục núi lửa Bromo

Mi Vũ-

Chuyến hành trình khám phá miệng núi lửa Bromo, phía đông đảo Java, Indonesia tuy mất sức nhưng nhiều thú vị. Sau khi vượt qua chặng đường không mấy êm ả, trước mắt chúng tôi là một màu tinh khiết của vùng núi cao với nhiệt độ dưới 100C, cùng cảnh mặt trời mọc kỳ vĩ trong sương sớm, lẫn với màu bụi bặm của tro núi lửa, lốc bụi và mùi lưu huỳnh. 

Cả-thung-lũng-đã-hiện-ra-với-cảnh-sắc-đẹp-đẽ.-Ảnh-Mi-VũCả thung lũng đã hiện ra với cảnh sắc đẹp đẽ.  Ảnh: Mi Vũ

Khởi hành từ 1 giờ sáng

Đặt chân đến sân bay Surabaya trên đảo Java, chúng tôi mất gần 3 giờ đồng hồ di chuyển đến Probolinggo, thành phố cách Bromo khoảng 70 km. Đúng một giờ sáng, xe khách của công ty lữ hành đưa chúng tôi đến khu vực núi lửa Bromo. Buổi tối ở Probolinggo nhiệt độ cũng khá nóng chẳng khác gì Việt Nam. Nhưng sau hai tiếng gà gật trên xe vì dậy quá sớm, lúc xe dừng để chuyển chúng tôi sang xe jeep địa hình thì mới biết đã chuyển sang vùng lạnh từ lúc nào.

Trời vẫn tối đen, đường đi bắt đầu dằn xóc nên chẳng ai ngủ được nữa. Những chiếc xe jeep từ đâu bắt đầu kéo đến, xe chúng tôi len lỏi khó nhọc trên con đường nhỏ chật cứng bởi hai hàng xe. Anh hướng dẫn viên người Indonesia tên Fajar Hari Purnomo cho biết chúng tôi còn cách khu vực núi lửa khoảng 15 km. Trời vẫn tối nhưng tôi lờ mờ thấy xe đang chạy lên dốc ngang qua một ngôi làng xinh xắn kiểu Đà Lạt. Chẳng bao lâu thì tiếng máy xe bắt đầu kêu ì ì nặng nề khi đi vào con đường núi ngoằn ngoèo dốc đứng. Ở một điểm nào đó trên lưng chừng núi ngó ra cửa kính xe, cảnh xe jeep nối nhau hàng trăm chiếc trên con đường núi uốn lượn, đèn xe san sát như thể hàng đèn đường kéo dài hàng cây số trong đêm tối khiến cả nhóm khách reo lên thú vị.

Nằm trên độ cao hơn 2.300 m so với mực nước biển, Bromo là một trong những ngọn núi lửa vẫn còn đang hoạt động mạnh tại đông Java, thuộc công viên quốc gia Bromo Tengger Semeru. Lần phun trào gần nhất của Bromo là vào tháng 11-2015. Đây không phải là ngọn núi lửa cao nhất ở đất nước này nhưng lại là ngọn núi lửa nổi tiếng nhất, thu hút rất đông du khách. Các du khách thường tìm đến làng Cemoro Lawang gần núi lửa, để từ đó leo lên một số đỉnh núi xung quanh quan sát cảnh mặt trời mọc.

Chúng tôi chọn King Kong Hill, một trong nhiều chóp xung quanh Bromo. Cách nơi này chừng 3 km xe jeep thả chúng tôi xuống để cuốc bộ lên đỉnh. Trời lạnh buốt cùng với những cơn gió núi tràn tới. Có bao nhiêu đồ chống lạnh chúng tôi đều trùm hết lên người: áo phao, khăn choàng, bao tay, khẩu trang. Nhưng chỉ leo dốc chừng 10 phút ai nấy đều thở hổn hển, mồ hôi túa ra, lại bắt đầu cởi từng thứ. Đặt chân đến đồi King Kong, du khách đã chen chúc kín đặc đài vọng cảnh. Hướng dẫn viên Fajar đãi chúng tôi món cà phê ấm nóng trong khi gió lạnh thốc tới từng cơn.

Rồi trong cảnh tối đen, một đường sọc đỏ chạy ngang đường chân trời dần hiện ra báo hiệu mặt trời sắp mọc. Đường đỏ rộng dần ra, mây núi bay ngang cuồn cuộn như khói. Khi ánh sáng dần chiếu rọi khung cảnh phía dưới là một thung lũng mênh mông, đỉnh Bromo ở ngay dưới thung lũng đang nhả từng cuộn khói. Trời nhiều mây, không thể thấy mặt trời tròn trịa nhưng đó là một khung cảnh khó quên với ánh mặt trời đỏ rực, miệng núi lửa Bromo cuộn khói ở phía xa và ngôi làng Cemoro Lawang xinh xắn làm nền.

 Miệng-núi-lửa-với-những-cuộn-khói-và-mùi-lưu-huỳnh.-Ảnh-Mi-VũMiệng núi lửa với những cuộn khói và mùi lưu huỳnh.  Ảnh: Mi Vũ

Đứng trên miệng núi lửa

Mặt trời ló dạng chiếu sáng toàn bộ thung lũng, xe jeep len lên đón chúng tôi cho chuyến hành trình tiếp cận miệng núi lửa mà chúng tôi vừa nhìn thấy. Suốt 15 km, đoàn xe jeep chạy dọc con đường núi tạo thành những cơn lốc bụi. Ra khỏi xe, đặt chân xuống nền cát xám từ nham thạch của những lần phun trào, chúng tôi đứng giữa một thung lũng bao quanh bốn bề là núi. Đỉnh Bromo ở ngay trước mặt, xe jeep đậu rải rác khắp thung lũng và rất nhiều nài ngựa nhận chở khách lên đỉnh núi, nài ngựa bịt kín mặt mũi để tránh cát.

Một vẻ đẹp kiểu hoang mạc cùng với bụi tro, núi lửa, những cơn lốc cuốn theo khói bụi mịt mù và cái nắng chói chang giữa trưa tạo cảm giác như đang ở một sa mạc rộng lớn. Chúng tôi bắt đầu đi bộ lên miệng núi lửa thay vì thuê ngựa. Từng đoàn người men theo sống núi tạo nên bởi những dòng nham thạch chảy xuống khoét thành những rãnh dài. Mùi nham thạch xộc vào mũi cùng với tiếng động mỗi lúc một rõ hơn. Leo lên cả trăm bậc thang xi măng phủ đầy cát mà nếu có cưỡi ngựa thì ngựa cũng không thể chở khách lên tiếp được nữa, chúng tôi đã đứng trên miệng núi lửa.

Miệng núi lửa sâu hoắm vẫn đang cuộn khói, tiếng động như sấm rền cùng những cuộn khói đen của miệng núi, mùi lưu huỳnh đậm đặc khiến nhiều người xây xẩm. Không ít người chỉ trụ được vài phút trước độ sâu chóng mặt của miệng núi lửa và mùi lưu huỳnh, vội vã đi xuống. Nhưng giây phút mà ngay dưới chân là cái họng sâu hoắm của núi lửa, người ta cảm nhận rõ ràng nhất sự hùng vĩ, kỳ bí của thiên nhiên, của tạo hóa, sự nhỏ bé của con người.

[box] Người Tengger bản địa có tục lệ leo lên miệng núi lửa Bromo vào ngày thứ mười bốn của lễ hội Yadnya Kasada để dâng gạo, hoa, rau, trái cây và hiến tế gia súc cho thần linh. Nguồn gốc của nghi thức này bắt nguồn từ một truyền thuyết từ thế kỷ 15. Nàng công chúa Roro Anteng cùng chồng đã đến cầu con vì hiếm muộn và được thần linh ban cho 25 người con. Nhưng theo giao ước, họ phải ném người con thứ 25 xuống miệng núi lửa để hiến tế. Trong những loại lễ vật người Tengger thả xuống miệng núi lửa có một loài cây có tên bản địa là Petigi mọc rất nhiều xung quanh khu vực núi lửa. Bất chấp nguy hiểm, nhiều người địa phương vẫn tìm cách leo vào trong miệng núi lửa để nhặt lại những thứ sót lại sau lễ hiến tế vì tin rằng nó đem lại may mắn.[/box]

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối