Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Chính quyền TPHCM giải đáp thắc mắc về quản lý, sử dụng nhà chung cư

(SGTT) -  Sáng 13-3, chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” do Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố phối hợp với Đài truyền hình TPHCM, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM được tổ chức với chủ đề “Quản lý sử dụng nhà chung cư”. Chương trình được phát trực tiếp trên Đài Truyền hình TPHCM và fanpage một số cơ quan truyền thông như Trung tâm Báo chí TPHCM và Sài Gòn Tiếp Thị.
Khó khăn, chậm trễ cấp giấy chứng nhận sở hữu căn hộ là vấn đề được nhiều người dân quan tâm. Ảnh: TTXVN

Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng TPHCM, hiện nay TPHCM có 1.557 chung cư, trong đó có 474 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975 và 1.083 chung cư xây mới.

Đến nay, thành phố đã thực hiện cải tạo sửa chữa gần 200 chung cư xây dựng trước năm 1975 với tổng mức đầu tư được duyệt hơn 275 tỉ đồng, đồng thời cũng tháo dỡ nhiều chung cư xuống cấp.

Mặt khác, do những chung cư cũ là chung cư thấp tầng, số hộ dân ít, không có thang máy nên đa phần đều không thành lập ban quản trị chung cư mà thường hoạt động theo mô hình tự quản. Đối với hơn 1.083 chung cư mới, tất cả đều đang được vận hành dưới sự quản lý của ban quản trị chung cư theo quy định.

Tuy nhiên, trong thời gian qua việc tranh chấp giữa các bên như chủ đầu tư, ban quản trị chung cư và cư dân liên tiếp diễn ra do chung cư không có ban quản trị, chủ đầu tư không bàn giao hồ sơ chung cư, kinh phí bảo trì phần sở hữu chung gây nên tình trạng khó khăn trong việc vận hành, bào trì chung cư và xảy ra việc kiện tụng giữa các bên liên quan về vấn đề quyền sở hữu chung, riêng.

Nổi cộm hơn, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ cho các cư dân còn nhiều lấn cấn do chủ đầu tư chưa nghiêm túc thực thiện việc nghiệm thu, hoặc đã thế chấp giấy tờ cho các tổ chức tín dụng, xây dựng sai thiết kế hoặc chưa hoàn thiện hồ sơ quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho cơ quan chức năng trước khi rao bán.

Bà Nguyễn Thu Nga, Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết chủ đầu tư phải có trách nhiệm đóng 2% giá trị căn hộ hoặc phần giữ lại và được tính theo giá bán căn hộ có giá trị cao nhất.

Tại chương trình, ông Nguyễn Hoàng Ngân, cư dân khu đô thị Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh, TPHCM), đưa ra vấn đề hiện nay, mỗi cư dân tại các chung cư đều đóng góp số tiền khoảng 2% giá trị căn hộ vào quỹ để bảo trì phần sở hữu chung của chung cư.

Tuy nhiên, một số chủ đầu tư có phần sở hữu riêng như những khu vực siêu thị, bãi xe tại chung cư nhưng không góp vào quỹ bào trì chung cư thì cơ quan chức năng có chế tài nào để xử lý.

Trả lời vấn đề trên, bà Nguyễn Thu Nga, Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết theo Luật Nhà ở năm 2014 ở điều 107, 108 đã có quy định rằng đối với chủ sở hữu nhà chung cư khi sử dụng phải có trách nhiệm bảo trì phần sở hữu riêng và đóng góp kinh phí cho phần bảo trì sở hữu chung.

“Đối với căn hộ phần diện tích khác kể cả phần kinh doanh dịch vụ hay phần chưa bán hoặc không bán trừ phần sở hữu chung thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm đóng 2% giá trị căn hộ hoặc phần giữ lại và được tính theo giá bán căn hộ có giá trị cao nhất”, bà Nga nói.

Theo bà Nga, đối với trường hợp nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh được phân chia riêng biệt thành các khu chức năng trong cùng một tòa nhà, đồng thời giữa chủ đầu tư và người mua có thỏa thuận tỷ lệ phân chia kinh phí bảo trì phần sở hữu chung để quản lý sử dụng theo điều 109 của Luật nhà ở.

“Với trường hợp chủ đầu tư chậm hoặc không bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung thì ban quản trị chung cư và cư dân có thể khiếu nại đến UBND quận, huyện hoặc thanh tra Sở Xây dựng để được giải quyết”, Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM thông tin.

Ông Nguyễn Thành Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết sở đang có kế hoạch giải quyết giấy tờ theo mục tiêu từng tháng, quí, năm. Ảnh chụp màn hình

Ông Nguyễn Minh Thành, Giám đốc Công ty Minh Thành, chủ đầu tư chung cư Minh Thành, quận 7, TPHCM, nêu vấn đề, hiện nay, việc xác nhận khu vực đất chung cư là phần đất ở hay đất thương mại vẫn còn chậm trễ dẫn đến việc chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc hoàn thành thủ tục để cấp giấy chứng nhận sở hữu cho cư dân.

Theo ông Thành, việc này gây khó khăn, thiệt hại cho cư dân trong quá trình mua bán, sang nhượng hay vay vốn ngân hàng dẫn đến việc xảy ra tranh cãi giữa người sở hữu và chủ đầu tư.

Về vấn đề trên, ông Nguyễn Thành Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho rằng chủ đầu tư khi tổ chức xây dựng phải chuẩn bị sẵn sàng các thủ tục, điều kiện để nộp hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận sở hữu cho người mua, và bước này phải thực hiện ngay từ đầu chứ không phải sau khi chủ đầu tư đã hoàn thiện cơ sở.

Theo ông Thắng, khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực, TPHCM đã cấp trên 71.000 giấy chứng nhận sở hữu căn hộ, điều đó chứng minh những dự án đủ điều kiện cấp phép đều đã được thành phố giải quyết.

“Hiện nay, còn khoảng 50.000 căn hộ chưa được cấp phép và thành phố cũng đang giải quyết vấn đề trách nhiệm của chủ đầu tư khi chưa nộp hồ sơ đầy đủ gồm hồ sơ pháp lý và nghĩa vụ tài chính. Thời gian qua, chúng tôi cũng đã xử phạt nhiều đơn vị chậm nộp hồ sơ, bởi sau khi dự án hoàn thành 50 ngày mà chủ đầu tư không nộp hồ sơ giải quyết cấp giấy chứng nhận cho người dân thì cơ quan chức năng phải xử lý”, ông Thắng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, việc xây dựng sai phép hoặc chủ đầu tư đang thế chấp sổ hồng tổng để vay vốn tổ chức xây dựng cũng dẫn đến tình trạng chưa thể giải quyết việc cấp giấy chứng nhận sở hữu cho người dân.

“Về dự án của Công ty Minh Thành chúng tôi đã xác định được đây là phần đất ở và đang giải quyết việc cấp giấy chứng nhận cho dự án này”, ông Thắng nói.

Bên cạnh đó, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện kế hoạch giải quyết cấp giấy chứng nhận sở hữu căn hộ một cách rõ ràng và đặt mục tiêu theo từng tháng, quí và năm.

Minh Hoàng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối