Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024

Chip sinh học, liệu pháp chữa bệnh mới

CHÁNH TÀI -

Trong tương lai không xa, các bệnh nhân có thể được chữa bệnh bằng các con chip sinh học siêu nhỏ (kỹ thuật chế tạo tương tự chế tạo chip điện tử), theo bác sĩ giải phẫu thần kinh kiêm nhà sáng chế Kevin Tracey ở Viện Nghiên cứu y khoa Feinstein tại New York (Mỹ).

Cấy chip thay vì uống thuốc

Anh-1Kevin Tracey, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Y khoa Feinstein.

Bác sĩ Tracey hy vọng trong 5-10 năm tới, các bệnh nhân không cần phải uống thuốc và lo ngại về các tác dụng phụ. Thay vào đó, họ chỉ cần được cấy ghép các con chip dưới da để chúng gửi các dòng điện nhỏ kích thích hệ thần kinh truyền lệnh cho cơ thể phải tự chữa bệnh.

Ông khẳng định công nghệ chữa bệnh bằng con chip sinh học cực kỳ chính xác và hoàn toàn không có tác dụng phụ.

Bác sĩ Tracey đã nghiên cứu liệu pháp này trong suốt gần hai thập kỷ. Lĩnh vực mà ông nghiên cứu là y học sinh điện tử (bioelectronic medicine), một thuật ngữ còn khá mới mẻ trong y học. Hiểu một cách khái quát, y học sinh điện tử liên quan đến liệu pháp chữa trị bệnh tật bằng cách cấy ghép các con chip sinh học điện tử vào cơ thể của bệnh nhân để điều khiển các tín hiệu điện tử gửi đi từ hệ thần kinh, giúp điều chỉnh hoạt động của các tế bào.

Trong nghiên cứu mới nhất được đăng trên tạp chí PNAS của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia ở Mỹ, ông và các đồng nghiệp đã cấy các vi chip kích thích sinh điện tử vào cổ của 17 bệnh nhân mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Căn bệnh này khiến hệ thống miễn dịch tấn công các mô bình thường trong cơ thể, dẫn đến hiện tượng viêm gây đau đớn ở các khớp.

Con chip kích thích sinh điện tử gửi một xung động điện tử đến dây thần kinh phế vị để ra lệnh dây thần kinh này gửi các tín hiệu đến hệ miễn dịch, làm ngưng hoạt động một loại phân tử gây viêm. Sau 84 ngày, tình trạng sức khỏe của 12 trong số 17 bệnh nhân đã cải thiện rõ rệt. Đây là cuộc nghiên cứu đầu tiên thẩm định tác động của các thiết bị cấy sinh điện tử đối với bệnh viêm khớp dạng thấp ở con người.

Chữa cả bệnh ung thư

Anh-2Con vi chip sinh điện tử mà bác sĩ Tracey sử dụng để cấy vào cổ của 17 bệnh nhân mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.

Bác sĩ Tracey cho biết sắp tới ông và các đồng nghiệp có thể sử dụng các thiết bị này để tác động đến các dây thần kinh khác và chữa các căn bệnh khác chẳng hạn như viêm loét đại tràng, cao huyết áp và bệnh Crohn (bệnh viêm đường ruột) vốn dễ tiến triển trầm trọng khi xảy ra trục trặc trong phản ứng của hệ miễn dịch.

Các thiết bị như vậy sẽ giúp bệnh nhân giảm điều trị bằng bằng thuốc. Ông cho biết doanh thu trên toàn cầu của riêng thuốc men điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp đã lên đến mức 50 tỉ đô la Mỹ/năm.

Ông cũng tin rằng liệu pháp vi chip sinh điện tử còn có thể được sử dụng để chữa các bệnh nan y như bệnh liệt và ung thư. Ông nói: “Các căn bệnh có thể điều trị bằng liệu pháp này gồm một danh sách dài như ung thư, đái tháo đường, bệnh tim, đột quỵ, alzheimer”.

Bác sĩ Tracey cũng đang nghiên cứu tính khả thi thương mại của chip sinh điện tử. Năm 2007, ông đã sáng lập SetPoint Medical, công ty đang thử nghiệm chip sinh điện tử trong cuộc nghiên cứu mới đây về bệnh viêm khớp dạng thấp.

Sau khi tốt nghiệp trường y ở Đại học Boston, ông Tracey tiếp tục theo học ở trường y Weill Cornell thuộc Đại học Cornell ở New York để lấy bằng bác sĩ giải phẫu thần kinh. Năm 1985, ông điều trị cho một bé gái sơ sinh tên Janice bị bỏng nặng do bị mì spaghetti nóng đổ vào người. Janice dường như hồi phục sau khi được chữa trị nhưng rồi đột ngột qua đời vào ngày sinh nhật đầu tiên do bị sốc bỏng. Ông quyết định nghiên cứu các cơ chế đã gây ra cái chết cho em bé.

“Chúng tôi phát hiện rằng hệ thống miễn dịch là nguồn cơn gây sốc khiến Janice tử vong. Một khi chúng tôi nhận ra sức mạnh gây tổn thương của hệ miễn dịch, câu hỏi đặt ra là liệu chúng tôi có thể sử dụng hệ thống thần kinh để dập tắt tổn thương này”, ông Tracey nhớ lại.

Chính điều này đã đưa ông tới quyết định kết hợp nghiên cứu giải phẫu thần kinh với nghiên cứu miễn dịch.

Năm 1992, Tracey gia nhập Northwell Health, mạng lưới chăm sóc sức khỏe lớn nhất New York, rồi sau đó trở thành Chủ tịch Viện Nghiên cứu y khoa Feinstein, một tổ chức thuộc Northwell Health vào năm 2005. Viện Feinstein sử dụng 2.700 nhà nghiên cứu và nhân viên đang nghiên cứu hàng loạt căn bệnh và phương thức điều trị tại các phòng thí nghiệm và bệnh viện.

Bác sĩ Tracey cho rằng liệu pháp chữa trị bằng các thiết bị cấy ghép sinh điện tử có thể được phổ biến rộng rãi trong 5-10 năm tới. Tuy nhiên, ông ghi nhận rằng trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn trong việc ứng dụng hiệu quả các thiết bị cấy ghép sinh điện tử.

Năm ngoái, nhà nghiên cứu Chad Bouton ở Viện Nghiên cứu y khoa Feinstein đã thiết kế một chip sinh điện tử để điều trị cho các bệnh nhân liệt. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào đầu năm nay cho thấy một bệnh nhân bị liệt cả tay lẫn chân đã có thể cử động cánh tay và ngón tay sau khi được cấy chip sinh điện tử vào não.

Bác sĩ Tracey hy vọng rằng khi công nghệ chip sinh điện tử ngày càng tiến bộ, nhiều bệnh nhân sẽ không cần phải mua và sử dụng thuốc men nữa.

         (Theo Wall Street Journal, CBS)

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối