(SGTT) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu, và chỉ bắt đầu cho trẻ ăn dặm từ tháng thứ sáu. Tuy nhiên, không ít bà mẹ còn mắc phải sai lầm trong chuyện chuẩn bị ăn dặm cho con.
Gần đây, trên một số diễn đàn xuất hiện những bài viết chưa được kiểm chứng, khuyến khích các mẹ cho bé dùng các loại bột ăn dặm ngay từ lúc bốn tháng tuổi. Nhiều mẹ vì muốn bé yêu tăng cân và phát triển nhanh đã nghe theo. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, đó là điều hoàn toàn sai lầm.
Chuyên gia dinh dưỡng Trần Thị Ngọc Châu, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện quốc tế Mỹ, còn tư vấn thêm một số thông tin hữu ích về việc làm cách nào để bé ăn dặm đúng cách. Mục đích là để các mẹ không tốn nhiều thời gian mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho bé.
Thời điểm, phương pháp ăn dặm
Chuyên gia dinh dưỡng Trần Thị Ngọc Châu cho biết nên cho bé ăn dặm đúng thời điểm, không quá sớm cũng không quá muộn. Nên cho bé ăn dặm từ khi bé được tròn sáu tháng tuổi vì lúc này hệ tiêu hóa của bé mới phát triển tương đối hoàn chỉnh để có thể hấp thu những thực phẩm đặc và phức tạp hơn sữa mẹ.
Ngoài ra, thời điểm này phản xạ nuốt của trẻ đã hoàn thiện, lưỡi của trẻ không còn phản xạ tự đẩy thức ăn ra ngoài. Enzyme tuyến tụy đã đầy đủ giúp trẻ có thể tiêu hóa được tinh bột. Nếu cho trẻ ăn sớm trước bốn tháng tuổi thì hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, chưa có đủ enzyme, khó tiêu hóa thức ăn đưa vào, dễ bị rối loạn tiêu hóa và tăng nguy cơ rối loạn dinh dưỡng.
Cũng theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khi trẻ được sáu tháng tuổi thì sữa mẹ không còn cung cấp đủ năng lượng và nhu cầu dinh dưỡng cho sự tăng trưởng, phát triển của trẻ. Nếu cho trẻ ăn dặm quá trễ thì sẽ xuất hiện nguy cơ chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất, tăng nguy cơ viêm phổi, tiêu chảy do suy dinh dưỡng.
Chuyên gia Trần Thị Ngọc Châu nhấn mạnh bữa ăn của bé cần đảm bảo đầy đủ, cân bằng, đa dạng các nhóm thực phẩm. Việc chế biến các thực phẩm tươi và dùng ngay khi chế biến là điều tốt nhất cho trẻ.
Hiện nay có một vài phương pháp ăn dặm khá phổ biến như ăn dặm bé tự chỉ huy (Baby-led weaning), phương pháp ăn dặm kiểu Nhật... Mỗi phương pháp đều có ưu nhược điểm riêng, không nên cứng nhắc áp dụng một phương pháp vì không có một phương pháp nào tốt cho tất cả trẻ.
Một số lưu ý cần biết
Theo chuyên gia Trần Thị Ngọc Châu, mỗi ngày chỉ nên cho bé thử tối đa một món mới, xay thành dạng lỏng và cho ăn kèm với các cử bú. Mỗi món mới cho bé ăn khoảng 5-6 ngày trước khi chuyển sang loại khác để xem bé có bị dị ứng không. Lưu ý các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như: trứng, sữa tươi, bột mì và các sản phẩm từ bột mì, các loại hạt, hải sản, cá. Nên bắt đầu với thực phẩm nhóm tinh bột (gạo, nui, mì, bắp, khoai), kế đến là rau, hoa quả nghiền. Tránh dùng nước ép trái cây có bổ sung đường. Cuối cùng là thịt, cá nạc xay, băm nhuyễn được nấu chín kỹ. Hạn chế cho bé ăn bánh, kẹo vì các sản phẩm này nhiều năng lượng nhưng nghèo chất dinh dưỡng, làm cho bé tăng cân nhanh nhưng thiếu vi chất, hoặc có thể kén ăn và bỏ bữa ăn chính.
Ngoài ra chuyên gia cũng lưu ý khi chuẩn bị đồ ăn dặm cho bé thì không thêm muối, đường, hạt tiêu hoặc các loại gia vị khi nấu ăn ở nhà. Bữa ăn đa dạng và cân bằng mỗi ngày bao gồm: đạm, ngũ cốc, trái cây, rau củ. Tập cho bé thói quen ăn uống lành mạnh, vừa cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng vừa giúp trẻ không bị ngán và sẽ hạn chế tình trạng kén ăn.
Trẻ em cần nhiều chất béo để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, vì vậy mẹ nên cho bé ăn các loại dầu dễ tiêu hóa (ví dụ: dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu ô liu) bằng cách cho một muỗng cà phê dầu ăn vào chén súp hoặc cháo của bé và trộn đều khi đang nóng. Không nên dùng các loại dầu, mỡ có nhiều chất béo bão hòa như mỡ heo, dầu dừa, dầu cọ, dầu nấu ăn. Nếu dùng nước hầm xương thì cần vớt bỏ hết lớp mỡ đóng trên bề mặt.
Trẻ nên được làm quen với các loại thực phẩm mới một cách tự nhiên. Hãy kiên nhẫn nếu trẻ không muốn ăn, nhè ra và khóc thét. Hãy chờ một vài ngày để trẻ có thể bình tĩnh lại và cho trẻ ăn khi cảm thấy đói hơn. Một số trẻ cần phải ăn một món rất nhiều lần để có thể cảm thấy thích thú. Đặc biệt, phải luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như các vật dụng tiếp xúc với thức ăn như muỗng, tô, bình sữa phải luôn sạch sẽ.
Nguyên tắc ăn dặm chung cần biết:
- Cho bé ngồi ăn với gia đình khi đến giờ ăn;
- Khuyến khích bé khám phá thức ăn bằng tay;
- Tập ăn từ lỏng đến đặc, để riêng từng loại thực phẩm để bé cảm nhận được mùi vị khác nhau, không nên xay hoặc trộn chung;
- Nên bằm thức ăn và tăng dần độ thô để tập phản xạ nhai của bé
Việc chế biến đồ ăn dặm từ nguyên liệu tươi tốn khá nhiều thời gian của mẹ. Vì vậy, các mẹ có thể áp dụng các mẹo bảo quản sau giúp đảm bảo dinh dưỡng ở mức tốt nhất có thể:
Nhóm thịt/cá: có thể trữ đông thịt/cá để dùng dần vì thịt, cá ít thay đổi về thành phần dinh dưỡng khi trữ đông.
Nhóm rau: mẹ có thể dùng rau đông lạnh và trữ trong tủ lạnh tại nhà. Công nghệ cấp đông (làm lạnh nhanh) ở một số siêu thị lớn gần như không làm thay đổi thành phần dinh dưỡng của sản phẩm. Tuy nhiên nếu tự trữ đông bằng tủ lạnh thường (làm lạnh chậm) thì không bảo tồn được nhiều vitamin.
Nhóm trái cây: nên cho trẻ ăn trái cây tươi vì đây là nguồn cung cấp vitamin C quan trọng. Mẹ có thể mua trái cây cấp đông để làm sinh tố cho trẻ.
Nhóm tinh bột: có thể trữ các loại khoai củ như khoai lang trong tủ đông để dùng dần (để nguyên củ).
Pháp Từ