Thứ ba, Tháng mười hai 3, 2024

Chợ “ma”: đông người xem, ít người mua

Được đầu tư hơn 60 tỉ đồng, với 400 sạp hoạt động trong lòng chợ cách đây một năm nhưng chợ Hạnh Thông Tây nằm trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp, TPHCM) chỉ đông vui khi trời bắt đầu chạng vạng cho đến lúc nửa đêm. Vì vậy, người dân địa phương còn gọi đây là chợ “ma”.

Vào tầm 7 giờ tối, quang cảnh buôn bán ở chợ “ma” khá náo nhiệt với hàng trăm khách chen lấn như đi lễ hội. Mặt hàng chủ yếu được bày bán ở đây là quần áo, giày dép, túi xách, đồng hồ, mắt kính, trang sức phụ nữ... được bán với giá khá mềm, bởi đây là chợ dành cho công nhân, sinh viên và công chức có thu nhập thấp.

Các mặt hàng quần áo được các tiểu thương lấy từ chợ Tân Bình và mặt hàng khác như trang sức, mắt kính, đồng hồ chủ yếu lấy từ chợ Bình Tây, chợ Bà Chiểu đem qua chợ “ma” bán.

Chị Lê Thị Yến Nhi, chủ sạp đồ trang sức như dây chuyền, bông tai, nhẫn, lắc và đồng hồ đeo tay cho biết, chợ chủ yếu dành cho công nhân, sinh viên nên hầu hết hàng hóa có giá khá rẻ hơn so với nhiều nơi khác. Rời bỏ quê Bến Tre, vợ chồng chị kinh doanh ở đây cũng đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày.

Chợ “ma” hoạt động từ chạng vạng cho đến lúc nửa đêm, nhộn nhịp nhưng sức mua không mạnh.
Chợ “ma” hoạt động từ chạng vạng cho đến lúc nửa đêm, nhộn nhịp nhưng sức mua không mạnh.

“Trừ chi phí thuê mướn mặt bằng và chi tiêu hàng ngày, mỗi tháng dư được vài triệu đồng. Vì ở đây mình bán cho học sinh, sinh viên và giới công nhân viên chức, những người không có nhiều tiền, nên đâu có bán mắc được”, chị Nhi nói.

Không chỉ có giá bình dân mà hàng hóa ở đây cũng dễ lựa chọn, thượng vàng hạ cám đều có. Ngoài những mặt hàng có giá trị cao vài trăm ngàn đồng như áo quần, giày dép trưng bày trong các cửa hàng đèn điện sáng trưng, còn có nhiều cửa hàng tự phát bán các mặt hàng đồng giá chỉ 5.000-10.000 đồng.

Anh Trần Chí Tâm quê ở Quảng Ngãi, chủ sạp quần Jeans, cho biết mấy năm trước hàng hóa bán được nhiều, còn năm nay thì lại khá ế ẩm. Đời sống công nhân ngày càng khó khăn, và họ còn phải chắt chiu dành dụm để có chút tiền gửi về quê, cho nên khoản mua sắm ngày càng bớt lại.

Nhìn quanh mấy người khách đang lựa hàng, anh tiếp lời: “Thấy đông vậy thôi, chứ đa phần là người đi chơi và tham quan, chứ người mua ít lắm”.

Chen lấn trong đám đông vài chục người thì mới có một hai người xách túi đồ nhỏ xíu vừa mới mua ở chợ. Và ở các quầy hàng quần áo khác, khá đông người đến lựa và thử đồ nhưng rồi bỏ đi, mặc các nhân viên và chủ hàng chào mời nhiệt tình.

Chị Nguyễn Thị Đ., công nhân một xưởng may, nói rằng mỗi tối sau giờ làm việc chị thường ra chợ để dạo chơi, hóng mát một lúc để cảm nhận cái không khí nhộn nhịp rồi về ngủ lấy sức mai đi làm.

“Lương công nhân thấp lắm, tiền đâu mà mua sắm”, chị than thở.

Ế ẩm là vậy nhưng chợ “ma” vẫn thu hút khách hàng bởi cái không khí nhộn nhịp, đông vui. Với họ, chợ “ma” không chỉ là nơi mua sắm.

Tấn Phú

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối