Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

Cho ngôi nhà sạch từng ngóc ngách

Với nhiều gia đình, máy hút bụi đang ngày càng trở nên quen thuộc, nó không chỉ giúp làm sạch nhà cửa, mà còn có thể tận dụng làm vật dụng trang trí trên các quầy tủ, kệ bởi sự đa dạng về mẫu mã lẫn kiểu dáng.

Ướt, khô đều sạch

Máy hút bụi phổ biến hiện nay thuộc các thương hiệu Electrolux, Hitachi, Zelmer, Samsung… với các giá dao động từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng.

Với sự đa dạng về kiểu dáng lại phong phú về màu sắc nên máy hút bụi không chỉ được dùng để làm sạch nhà cửa mà còn là sản phẩm điểm tô cho nội thất, với các gam màu xanh, vàng, tím hoặc nhiều màu kết hợp… Về hình dáng, cơ bản có thể chia máy hút bụi thành ba loại:

- Máy hút bụi dạng đứng: là loại máy hút được cả bụi khô và ướt, có hệ thống điều chỉnh chiều cao cho phép máy làm sạch ở nhiều vị trí, với nhiều loại đầu hút đi kèm giúp dễ dàng thao tác trên các mặt phẳng như sàn cứng hoặc thảm... Ngoài ra, việc trang bị hệ thống chống va đập tích hợp trên thân máy sẽ giúp những vật dụng xung quanh tránh bị trầy xước khi xảy ra va chạm. Hoặc với những bánh xe di chuyển sẽ giúp người dùng thao tác nhanh hơn trong việc lau dọn và cất giữ. Hơn nữa, đầu hút lớn có chổi quay tròn cùng bộ động cơ gần đầu hút giúp làm sạch mặt gạch và các khe thảm một cách dễ dàng, hay nhẹ nhàng làm sạch cầu thang, đồ nội thất chỉ với ống hút dài... Máy hút bụi dạng đứng khá được ưa chuộng trong những gia đình sử dụng sàn thảm và nhìn chung có giá đắt hơn khoảng gấp hai lần các loại khác.

Người tiêu dùng nên chú ý đến những thông số kỹ thuật khi chọn mua máy hút bụi.
Người tiêu dùng nên chú ý đến những thông số kỹ thuật khi chọn mua máy hút bụi.

- Máy hút bụi dạng nằm (dạng hộp): chủ yếu là hút bụi khô, mỗi máy thường có 3-5 phụ kiện, chủ yếu là đầu hút “chuẩn” để thực hiện công việc vệ sinh – lựa chọn phù hợp với những ngôi nhà dùng cả thảm lẫn sàn cứng hoặc làm sạch các khe, ngách khó với tới. Với những đầu hút nhỏ tròn, giúp đưa sâu vào các góc nhà, cửa, tủ…, hoặc với chổi hút thì những khe, kẽ của bàn ghế, ti vi sẽ nhanh chóng được làm sạch… Một số kiểu máy mới có thêm phần tăng-đơ giúp điều chỉnh độ dài ống hút một cách dễ dàng, kết hợp cùng ống ruột mèo nối với đầu hút, có trọng lượng nhẹ, cùng tay cầm linh hoạt giúp người dùng nhẹ nhàng di chuyển hoặc không phải mệt mỏi cúi người khi lau dọn. Đây là dạng máy hút bụi phổ biến trên thị trường, có giá cả phù hợp với túi tiền của đại đa số người tiêu dùng.

Đối với những ngôi nhà có diện tích vừa phải, chỉ dùng để hút bụi bình thường, nên chọn những máy có công suất 1.000 W, với mức giá khoảng 1-2 triệu đồng. Còn những ngôi nhà có diện tích lớn thì nên dùng máy có công suất cao hơn (1.800-2.200 W), với mức giá từ 2 triệu đồng trở lên.

- Máy hút bụi cầm tay: có trọng lượng nhẹ, ngắn gọn có thể hút sạch bụi bám trên sách vở, đầu tủ, bàn ghế hoặc những nơi cao, khó lau chùi như nhà bếp… Máy vừa là sản phẩm tiện lợi cho việc vệ sinh phòng ốc hoặc mang đi xa, bởi ngoài nguồn điện trực tiếp còn có thể dùng pin sạc, song công suất loại máy này lại yếu hơn hai loại máy hút bụi kể trên.

Ngoài công dụng hút bụi bằng lỗ hơi phía trước, đa số các loại máy đều được thiết kế thêm một lỗ hơi phía sau giúp thổi bay bụi bặm ở những khu vực thông thoáng bên ngoài. Hiện nay, trên thị trường cũng có một dòng máy khác là robot hút bụi thông minh với chức năng tự động hút theo chương trình được cài đặt trước, song giá lại cao hơn so với nhiều sản phẩm thông dụng khác.

Cach-su-dung-may-hut-bui-an-toan-2

[box type="download"] Giá một số dòng máy hút bụi tham khảo:

- PANASONIC MC-CG331RN46; Công suất: 1.600 W; Sức hút: 410 W; Dung tích: 1,4 lít; Giá 1,6 triệu đồng/chiếc.

- LG VC3320NHTR; Công suất: 2.000 W; Sức hút: 350 W; Dung tích: 1,6 lít; Giá 2,1 triệu đồng/chiếc.

- ELECTROLUX ZTF7660; Công suất: 2.100 W; Sức hút: 350 W; Dung tích: 1,9 lít; Giá 2,4 triệu đồng/chiếc.

- ZELMER 400.0 EK BLUE; Công suất: 1.600 W; Sức hút: 350 W'; Dung tích: 3 lít; Giá 2,8triệu đồng/chiếc.[/box]

Chứa bụi dễ dàng

Bên cạnh hình dáng, một chiếc máy hút bụi còn được chú ý ở không gian chứa bụi – “túi” đựng bụi. Trên thị trường hiện có hai loại, tùy theo nhu cầu khác nhau mà người tiêu dùng có thể chọn loại máy có túi hoặc không có túi lọc.

Máy hút bụi có túi lọc là loại máy được trang bị một lớp túi chứa bụi bên trong thân máy có thể tháo rời. Đây được xem như là loại máy truyền thống, có giá rẻ hơn so với các dòng máy không túi như hiện nay. Túi hút bụi có thể được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như giấy, vải, hoặc những chiếc túi cao cấp hơn có khả năng hút mùi, kháng khuẩn, diệt bọ, lọc bụi nhỏ... Ngoài ra, một số loại máy còn tích hợp nhiều lớp lọc nhằm ngăn ngừa bụi thoát ra ngoài – tính năng hữu ích, đặc biệt cho những gia đình có thành viên bị dị ứng. Mặc dù túi lọc là hợp vệ sinh, ít gây bẩn hơn so với máy hút bụi không túi, song người tiêu dùng cũng nên lưu ý tới việc phải thay túi thường xuyên.

Ông Trần Ngọc Đại, Giám đốc Công ty Đại Ấn, quận 4, TPHCM cho biết: “Đối với các dòng máy hút bụi có túi lọc, người dùng có thể dùng được nhiều lần và chỉ thay khi túi bị hư hỏng hoặc rách, với giá khoảng 200.000-300.000 đồng/túi”.

Máy hút bụi không túi đang ngày càng phổ biến đối với nhiều gia đình. Hầu hết những loại máy này đều có hộp nhựa dùng để chứa bụi mà không phải thay túi đựng. Ngoài ra, bộ lọc của máy có thể rửa sạch nên không cần phải mua bộ lọc thay thế và người dùng cũng dễ dàng kiểm tra hộp chứa bụi hàng ngày do vị trí đặt ngay thân máy. Song, khác với máy có túi lọc, máy hút bụi không túi rất dễ khiến người dùng bị hắt hơi và khó chịu khi bụi tràn ra ngoài hay trong lúc vệ sinh hộp nhựa. Hiện nay, có không ít dòng máy đã khắc phục được những nhược điểm trên nhờ thiết kế nắp tự đóng hoặc sử dụng bộ lọc HEPA – bộ lọc có thể giữ lại lượng lớn các hạt bụi rất nhỏ sau khi hút vào.

Vì là sản phẩm sử dụng hàng ngày, do đó dù là loại túi đựng bụi nào thì người dùng cũng không nên để chúng quá đầy, tốt nhất là ở mức 1/2-2/3 túi, hộp chứa. Nên vệ sinh thường xuyên và thay nếu túi bị rách hoặc hỏng, tránh để bụi bẩn tràn ra ngoài, gây tắc nghẽn các lỗ thông khí, làm giảm khả năng tỏa nhiệt cũng như giảm công suất hút, dẫn đến chập cháy do động cơ quá nóng. Nên chọn loại máy có thiết bị bảo vệ túi hoặc những sản phẩm có trang bị nam châm để tránh hư hại khi hút phải kim loại.

“Đối với máy loại có túi, sau khi đổ bụi cần giặt túi bằng cách vò nhẹ, còn loại máy không túi thì vệ sinh hộp nhựa. Ngoài ra cũng nên vệ sinh ống hút và bên trong thân máy để đảm bảo lực hút và motor luôn ổn định”, ông Đại của Công ty Đại Ấn cho biết thêm.

Thanh Nguyễn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối