THÁI HÀ -
Những nhà sản xuất thực phẩm có quy mô nhỏ ở Mỹ đã có cơ hội giới thiệu rộng rãi sản phẩm của mình đến người tiêu dùng nhờ vào sự hỗ trợ của các chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn.
Hiệu ứng Whole Foods
Hopeful Harvest hỗ trợ những nhà sản xuất thực phẩm nhỏ trong việc làm lạnh sâu, đóng gói, đóng chai, in nhãn, tiếp thị…
Cowgirl Creamery, nhà sản xuất thực phẩm ở hạt Marin, bang California, Mỹ, ăn nên làm ra nhờ nhận được hợp đồng cung cấp pho mát cho 45 cửa hàng của chuỗi siêu thị Whole Foods. Sau năm năm bán cho các cửa hàng nhỏ, cuối cùng Cowgirl Creamery do hai bà Peggy Smith và Sue Conley đồng sở hữu cũng có một hợp đồng lớn.
Để phù hợp với yêu cầu của đơn hàng, họ vay 200.000 đô la Mỹ (USD) để xây một xưởng mới. Mẻ đầu Cowgirl Creamery đưa đến Whole Foods bị mốc, nhưng chuỗi siêu thị này kiên nhẫn cho Cowgirl Creamery thêm cơ hội tiếp cận mình.
Một thập kỷ sau, Cowgirl Creamery đã có 100 công nhân, sản xuất gần 400 kg pho mát mỗi ngày và đang có kế hoạch mở rộng.
“Hiệu ứng Whole Foods” khiến cho các công ty nhỏ sản xuất những sản phẩm sạch như Cowgirl Creamery bớt sợ hãi khi phải đối mặt với việc phân phối, bán hàng. Quan trọng hơn là họ có nguồn tiền cho việc mở rộng. Hiệu ứng này cũng là cơ hội để nhiều người khởi nghiệp.
Whole Foods Market Inc. là chuỗi siêu thị chuyên bán thực phẩm nguyên chất, không có chất bảo quản, phẩm màu, chất điều vị, đường… tức là đến mua hàng ở Whole Foods, bạn đừng mất công tìm kiếm bảng ghi thành phần trên bao bì làm gì, vì không có bảng đó. Cái tên “Whole Foods” tức là “thực phẩm nguyên chất” đã phản ánh điều nói trên. Whole Foods Market Inc. thành lập năm 1980, nay có 91.000 nhân công và 431 siêu thị ở Mỹ, Canada và Anh.
Nhu cầu thực phẩm địa phương, tức là những thực phẩm từ các công ty nhỏ như Cowgirl Creamery (đối lập với thực phẩm được sản xuất khối lượng lớn từ các hãng lớn) ngày càng tăng mạnh. Theo viện nghiên cứu Food Marketing Institute, lượng khách hàng mua thực phẩm loại này tăng lên 25% vào năm 2013. Doanh số thực phẩm địa phương ở Mỹ có thể tăng lên 20 tỉ USD vào năm 2019, theo công ty thị trường Packaged Facts. Sự thành công của phong trào thực phẩm địa phương có được là nhờ các chính sách hỗ trợ từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, các tổ chức bảo vệ môi trường và những người nổi tiếng trong giới ẩm thực. Và cũng nhờ Whole Foods Market.
Whole Foods cho người lùng sục nhiều nơi để tìm các sản phẩm mới. Họ cũng cho nông dân vay tiền để sản xuất, với mức lãi suất 5%. “Hiệu ứng Whole Foods” được các nhà bán lẻ khác bắt chước theo, tìm kiếm các sản phẩm địa phương để đặt lên các kệ bán hàng của họ. Các nhà bán lẻ Kroger, Costco đã có các chương trình cho nông dân vay tiền sản xuất.
Không đi riêng một mình
Cowgirl Creamery do hai bà Peggy Smith và Sue Conley đồng sở hữu cuối cùng cũng có một hợp đồng lớn với chuỗi siêu thị Whole Foods.
Shannon Byrne mở công ty làm mứt thủ công Slow Jams vào năm 2011. Hai năm sau, sản phẩm của Slow Jams lên kệ ở các cửa hàng của Whole Foods ở thành phố Detroit (bang Michigan, Mỹ). Năm nay, Slow Jams cung cấp cho 88 cửa hàng của Kroger.
Slow Jams phát triển mạnh là nhờ năm ngoái, bà Byrne chuyển sản phẩm của mình đến Hopeful Harvest, một dạng công ty chuyên hỗ trợ những nhà sản xuất thực phẩm nhỏ trong việc làm lạnh sâu, đóng gói, đóng chai, in nhãn, tiếp thị… và một số kỹ thuật khác trong quá trình sản xuất.
Một hộ gia đình muốn đem sản phẩm thủ công của họ ra thị trường thì phải có bao bì, nhãn mác, máy móc bảo quản… mà đầu tư máy móc để ra sản phẩm thì rất tốn kém, vậy nên có những chỗ hỗ trợ sản xuất như Hopeful Harvest rất tiện lợi. Hopeful Harvest thuê một nhà kho cũ, đầu tư hệ thống hỗ trợ sản xuất khoảng 200.000 USD, đang phục vụ cho 35 công ty nhỏ như Slow Jams, họ có công nhân làm ba ca, cả bảy ngày trong tuần.
“Mô hình này thành công nhanh như tên lửa”, Chris Nemeth, Chủ tịch Hopeful Harvest nói. Danh sách các công ty chờ được hợp tác với Hopeful Harvest đang dài ra và họ đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy mới vào cuối năm nay. Họ cũng kết hợp với các nhà sản xuất nhỏ sản xuất các sản phẩm đồng thương hiệu bán ra thị trường.
Khi ông Nemeth đề nghị tạo ra một dòng sản phẩm mứt mới đồng thương hiệu với Slow Jams để đưa đến các cửa hàng bán lẻ Kroger, bà Byrne đồng ý ngay. “Đưa sản phẩm đến rộng khắp như vậy, logistic là một vấn đề rất lớn, nên tôi không thể đi một mình”, bà Byrne nói.