Thứ ba, Tháng mười hai 3, 2024

Chờ nước sạch, lúc có lại không xài!

Văn Nam

Một số quận vùng ven hiện đã được lắp đặt bồn nước để cung cấp nước sạch cho người dân thay vì họ phải xài nước giếng khoan trong mọi sinh hoạt ăn uống, tắm giặt. Nhưng nghịch lý đang xảy ra là, có nước sạch nhưng người dân không muốn sử dụng.

Xài nước sạch phải… vận động

Ông Nguyễn Văn Nghiệp, một người dân tại khu phố 3, huyện Hóc Môn, TPHCM, nhiều năm qua phải sử dụng nguồn nước giếng khoan ngay bên hông nhà. Nước bơm từ giếng lên phải để cho lắng vài ngày, sau đó lọc lại nhiều lần mới dám nấu ăn, bởi nguồn nước giếng khoan tại đây bị nhiễm phèn.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nghiệp cho biết mới đây ngành cấp nước thành phố đã cho lắp một chiếc bồn nước để chứa nước sạch. Mặc dù có điểm phân phối nước, nhiều người dân chẳng mấy thiết tha với nguồn nước sạch này. Người dân cho rằng muốn sử dụng, họ phải lỉnh kỉnh thau chậu đi lấy nước mỗi ngày, vừa tốn công sức, vừa mất thời gian. Ở khu phố này có khoảng 470 hộ dân, và ông Nghiệp – với vai trò là trưởng ban điều hành khu phố – đã phải đến gõ cửa từng nhà để vận động người dân chở nước sạch về sử dụng, thay cho nguồn nước giếng khoan nhiễm phèn.

Theo ông Nghiệp, điều mà hàng trăm hộ dân ở khu phố này mong đợi là đường ống dẫn nước hoàn chỉnh, với đồng hồ lắp đặt tại nhà dù họ có phải trả thêm tiền. Thế nhưng, điều này đến nay vẫn chưa thể thực hiện được. Đây cũng là hoàn cảnh của khoảng 300.000 hộ dân trên địa bàn thành phố, những người chưa tiếp cận được với hệ thống nước sạch.

Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TPHCM, trong một chuyến khảo sát tại một hộ dân còn sử dụng nước giếng khoan bị nhiễm phèn tại quận 12, TPHCM.       Ảnh: Văn Nam
Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TPHCM, trong một chuyến khảo sát tại một hộ dân còn sử dụng nước giếng khoan bị nhiễm phèn tại quận 12, TPHCM. Ảnh: Văn Nam

Chừa lại “khúc xương”

Theo một chuyên gia ngành cấp nước, chính quyền thành phố đã có chủ trương xã hội hóa ngành cấp nước từ năm 2003, với kỳ vọng kêu gọi được nhiều thành phần tham gia đầu tư nhà máy nước, mạng ống cấp nước và đầu tư về kỹ thuật để giảm tỷ lệ thất thoát nước. Sau hơn 10 năm, kết quả đạt được là đã có thêm nhiều nhà máy xử lý nước sạch ra đời, nhưng phần xây hệ thống ống cấp nước và kỹ thuật giảm thất thoát vẫn chưa có doanh nghiệp nào tham gia.

Vị chuyên gia này ví von, đầu tư nhà máy nước sạch là “phần nạc”, doanh nghiệp nào cũng muốn nhảy vào vì khả năng sinh lợi cao, thời gian thu hồi vốn nhanh và dễ tính toán giữa chi phí đầu tư và giá nước sạch bán ra. Trong khi đó, việc đầu tư vào mạng ống cấp nước có chi phí đầu tư lớn và thời gian hoàn vốn đầu tư cũng lâu hơn. “Hệ thống mạng ống dẫn nước là những “khúc xương” khó gặm, đầu tư không thấy lợi nhuận nên cho đến nay chưa nhà đầu tư tư nhân nào tham gia nhảy vào lĩnh vực này”, ông nói. Hậu quả là nhiều khu dân cư nằm gần nhà máy nước sạch vẫn phải xài nước giếng khoan vì thiếu hệ thống ống cấp nước sạch.

Theo ông Trương Khắc Hoành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn (Saigon Water), bản chất của xã hội hóa cấp nước là kêu gọi thêm nguồn lực từ các thành phần kinh tế cùng xây dựng hạ tầng ngành nước. Nếu thu hút được doanh nghiệp tư nhân bỏ tiền phát triển mạng ống cấp nước thì sẽ giúp nhiều hộ dân ngoại thành tiếp cận nguồn nước sạch.

Ông Hoành cho rằng, chỉ cần đầu tư nâng cấp mạng ống cấp nước hiện tại sẽ giúp giảm được lượng nước thất thoát, qua đó tăng thêm nguồn nước và giá thành nước sẽ giảm và người dân sẽ mua nước sạch với giá rẻ hơn. Không như hiện nay, tỷ lệ lượng nước thất thoát khoảng 33%, được tính vào giá thành sản xuất nước và cuối cùng người tiêu dùng phải trả luôn cho lượng nước thất thoát này.

“Nếu kêu gọi được tư nhân đầu tư vào ngành cấp nước hoàn chỉnh, từ khâu phát triển nguồn nước đến mạng ống cấp nước và giảm thất thoát nước thì người dân sẽ có nước xài và chất lượng nước cũng tốt hơn. Vấn đề là hiện nay mới chỉ làm được phần xây nhà máy nước”, ông Hoành nói.

Tiếp tục kêu gọi đầu tư

Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) đề xuất được đầu tư mạng ống cấp nước và phân phối nước thí điểm tại năm quận, huyện gồm Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Hóc Môn và quận 12 theo hình thức đầu tư-quản lý-kinh doanh-chuyển giao (BOOT). Theo đó, CII sẽ tiếp nhận toàn bộ hệ thống cấp nước hiện hữu, đầu tư thêm ống cấp 3 (ống nước dẫn vào từng hộ gia đình) để cung cấp nước cho 100% hộ dân trên địa bàn năm quận, huyện trên.

Thành phố đang xem xét đề xuất của CII để nhà đầu tư này có thể triển khai thí điểm. Nếu thành công, mô hình này sẽ được nhân rộng ra các quận, huyện khác trong thành phố. Hiện hàng ngàn hộ dân ở các xã Đông Thạnh, Xuân Thới Sơn, Bà Điểm đang kỳ vọng sẽ được kết nối ống cấp nước sạch tận nhà, nếu phương án của CII được chấp thuận triển khai.

Theo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), nguồn cung cấp nước tại TPHCM hiện nay đến từ các nhà máy nước Thủ Đức, Bình An, Tân Hiệp, Trung An, Kênh Đông và nhà máy nước ngầm Tân Phú với tổng công suất hơn 1,7 triệu m3/ngày. Sawaco cũng lên kế hoạch đến năm 2025 sẽ nâng tổng công suất lên 3,4 triệu m3/ngày, cải tạo hơn 1.500 km mạng lưới đường ống, xây dựng hệ thống quản lý cấp nước hợp lý và giảm tỷ lệ thất thoát nước từ 33% hiện nay xuống còn 25% vào năm 2025. Tuy nhiên, để đầu tư hết các hạng mục đã vạch ra, Sawaco cần số vốn lên đến 2,5 tỉ đô la Mỹ.

Trong một chuyến khảo sát các hộ dân chưa có nước sạch tại quận 12 mới đây, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TPHCM, một lần nữa khẳng định thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi đầu tư mạng ống, phân phối nước bởi kinh phí đầu tư ở mảng này cần hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm, nếu nhà nước “ôm” hết thì sẽ không thể làm xuể.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối