Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Cho trẻ đọc sách điện tử – nên hay không?

Liệu các thiết bị kỹ thuật số có thể thay thế cha mẹ trong việc đọc truyện cho các em nhỏ nghe hàng ngày? Đó là câu hỏi mà các bậc phụ huynh, các bác sĩ nhi khoa, các nhà nghiên cứu đang đau đầu tìm câu trả lời.

Chú chó Clifford màu đỏ trông thật nổi bật trên màn hình iPad. Tiếng của nó cũng rất tốt. Chỉ cần chạm vào màn hình là có thể nghe nó thở hổn hển khi một chiếc xe tải đang gầm rú chạy qua. “Đi đi, xe tải đi đi”, tiếng người dẫn chuyện cổ vũ…

Đó là một dạng phần mềm đọc sách dành cho trẻ em. Nhưng liệu các bậc phụ huynh có thể sử dụng chúng để thay việc đọc sách cho con hàng ngày hay không, trong bối cảnh sách dành cho trẻ em, cũng giống như nhiều thứ khác, đang chuyển sang dạng truyền thông kỹ thuật số.

Trong nhiều năm, các chuyên gia về trẻ em đã khuyên các bậc phụ huynh phải thường xuyên đọc sách cho con nghe từ khi chúng còn bé. Các nghiên cứu được trích dẫn cho thấy, đọc sách sẽ mang lại lợi ích về ngôn ngữ, lời nói cho trẻ nhỏ. Tháng 6 vừa qua, Học viện Nhi khoa Mỹ khuyến cáo các bác sĩ nhắc nhở các bậc cha mẹ nên đọc sách cho con nghe ngay từ khi mới sinh ra. Họ mô tả sự cần thiết của các cuốn sách cũng giống như vắc xin và các loại rau.

Mặt khác, học viện cũng khuyến cáo không cho trẻ em dưới hai tuổi xem màn hình, và thời gian xem dành cho trẻ em trên hai tuổi là dưới hai giờ mỗi ngày.

sach

Vậy trong khi các thiết bị điện tử, và các phần mềm ứng dụng đang bùng nổ với nhiều chương trình đọc sách và trò chơi nhằm vào trẻ nhỏ thì cha mẹ cần chú ý đến điều gì? Câu trả lời đến nay vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng.

“Chúng tôi biết trẻ em học đọc như thế nào”, Kyle Snow, Giám đốc nghiên cứu ứng dụng tại Hiệp hội Quốc gia vì sự giáo dục của trẻ nhỏ (Mỹ) nói. “Nhưng chúng tôi không biết liệu quá trình này có bị ảnh hưởng bởi công nghệ kỹ thuật số hay không”. Theo ông Snow, các thiết bị kỹ thuật số mới phổ biến gần đây nên chưa có đủ thời gian để nghiên cứu tác động của chúng đối với việc học tập của trẻ nhỏ.

Tuy nhiên, cũng có nhiều các nghiên cứu mới đây cho thấy, việc sử dụng sách điện tử để đọc cho trẻ sẽ làm xấu đi các nhân tố để phát triển ngôn ngữ.

Tiến sĩ Pamela High, bác sĩ nhi khoa cho biết, khi cùng đọc sách với con sẽ phát sinh nhiều tương tác như lật sang trang, chỉ vào hình ảnh và kể về câu chuyện… Những thứ đó bị mất một phần khi bạn sử dụng sách điện tử.

Trong một nghiên cứu năm 2013, các chuyên gia phát hiện rằng trẻ em 3-5 tuổi sử dụng sách điện tử có khả năng đọc hiểu thấp hơn so với những đứa trẻ được cha mẹ đọc sách theo kiểu truyền thống. Nguyên nhân một phần là do phụ huynh và trẻ em sử dụng thiết bị điện tử dành nhiều thời gian tập trung vào chính các thiết bị thay vì nội dung câu chuyện. “Cha mẹ cầm tay con và nói, đợi chút, đừng bấm nút vội, hãy để hết đoạn đó đã”, tiến sĩ Julia Parish-Morris, một nhà tâm lý học tại Bệnh viện Nhi Philadelphia dẫn chứng.

Việc đọc sách thông thường sẽ giúp cha mẹ và con cái cùng tham gia vào những hoạt động mà nhà nghiên cứu gọi là “đọc đối thoại”, là một dạng thảo luận về câu chuyện và sự liên quan của nó tới cuộc sống của trẻ.

Điều phức tạp là ngày càng ít các cuốn sách điện tử dành cho trẻ em có thể được làm giống như sách thật. Khi công nghệ phát triển, các nhà xuất bản đưa thêm âm thanh như tiếng chuông và còi… vào trong sách và chúng có thể gây ra sự chệch hướng.

Tất nhiên, các nhà xuất bản sách điện tử và các nhà phát triển ứng dụng sẽ lập luận rằng, các hành vi tương tác sẽ không gây mất tập trung mà đó chính là một lợi thế giáo dục.

Nhưng khi nói đến học tập ngôn ngữ, một nghiên cứu cho biết, không có công nghệ nào có thể thay thế người hướng dẫn trực tiếp – ngay cả khi trẻ con đang có vẻ như quan sát rất tập trung.

Patricia K. Kuhl, chuyên gia khoa học về não bộ tại trường Đại học Washington, dẫn một nghiên cứu vào năm 2003 như sau: chia các trẻ chín tháng tuổi làm ba nhóm, một nhóm đọc dạy tiếng Mandarin qua đĩa DVD, một nhóm được học tiếng Mandarin với người hướng dẫn, và nhóm còn lại chỉ được tiếp xúc với tiếng Anh.

“Nhìn cách những đứa trẻ đang nhìn chằm chằm vào màn hình, có vẻ rõ ràng chúng sẽ học tốt hơn từ các đĩa DVD”, bà nói. Nhưng sau khi kiểm tra ngôn ngữ và quét não bộ, kết quả cho thấy nhóm DVD “hoàn toàn không học được gì”. Nhóm duy nhất học được là nhóm tương tác trực tiếp.

Những gì tiến sĩ Kuhl phát hiện giống trường hợp được gọi là hiệu ứng “Baby Einstein”. Đây là tên của loạt video của Walt Disney từng làm mê hoặc trẻ em hồi cuối những năm 1990 đến giữa những năm 2000, nhưng đó được cho là có tác động tiêu cực với sự phát triển ngôn ngữ trẻ sơ sinh.

Và theo các chuyên gia, mối đe dọa lớn nhất gây ra bởi sản phẩm điện tử, là chúng có thể khiến cha mẹ trốn tránh trách nhiệm giáo dục của họ. Các phụ huynh có thể biện hộ rằng, không có lý do gì để ngồi, mở sách dạy con đọc chữ, trong khi iPad có thể làm điều đó.

Nhưng, đúng là nhiều bậc cha mẹ cũng có lúc cảm thấy khó khăn để tránh phải lệ thuộc vào máy tính bảng.

Claudia Raleigh, là mẹ của ba trẻ em dưới sáu tuổi ở Berkley, Michigan (Mỹ). Khi phải đưa con gái đi học bơi, cô loay hoay không thể quản nổi cậu con trai Teddy hai tuổi. “Tôi buộc phải đưa iPad cho nó để nó khỏi nhảy xuống bể bơi. Tôi xem đó là một thiết bị cứu sinh”, cô nói.

Minh Đức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối