Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Chợ truyền thống giữ chân khách

Thục Anh -

Là một bà nội trợ, tôi thường có thói quen đi chợ truyền thống vào dịp cuối tuần do thực phẩm ở chợ khá phong phú. Gần đây đi chợ, tôi thấy có sự thay đổi khá rõ rệt từ các quầy hàng rau, cá và thịt khi các tiểu thương biết sắp xếp và trình bày hàng trông gọn gàng và sạch sẽ hơn.

Chị Trâm, chủ một sạp rau ở chợ Long Trường, quận 9, TPHCM cho biết, rau ở chợ bây giờ rất khó bán bởi người tiêu dùng e ngại “rau bẩn”. Khách đi chợ ngày càng giảm khiến quầy rau của chị đôi khi rơi vào cảnh ế ẩm.

Theo chị Trâm, trước đây chị thường bày bán rau, củ, quả để tràn lan trên sạp, không phân loại riêng khiến khách khó tìm khi cần mua một loại rau nào đó. Nay chị phải đầu tư tiền đóng một chiếc kệ bằng sắt mới, được phân chia thành từng tầng riêng biệt giúp trưng bày từng loại rau như ở siêu thị. Ngoài ra, chị cũng lấy thêm hàng từ các nhà cung cấp rau sạch có bao bì, nhãn mác, xuất xứ rõ ràng mang về bán.

“Kể từ ngày tôi có đầu tư vào cách trưng bày hàng hóa, sạp rau cũng đông khách hơn trước”, chị nói. Tương tự, ở một số hàng cá tươi, hải sản, bà con tiểu thương cũng biết giữ gìn vệ sinh ở khu vực sơ chế. Nhiều tiểu thương đầu tư bồn rửa trên cao so với mặt sàn để sơ chế hải sản sạch hơn. Sau khi sơ chế họ còn bỏ các phế phẩm vào thùng nhựa lớn, có nắp đậy sạch sẽ tránh thu hút ruồi bay vào.

Ở một số quầy bán quần áo hay đồ dùng gia dụng, hàng hóa cũng được sắp đặt lại gọn gàng hơn, không có cảnh hàng tràn xuống lối đi khiến khách đi lại bất tiện mà “lười” tìm kiếm hàng hóa.

Sự thay đổi của các tiểu thương ở chợ truyền thống cho thấy người bán hàng đã biết quan tâm hơn đến các yêu cầu thiết thực của khách hàng. Một khi chợ truyền thống bảo đảm các yếu tố như an toàn thực phẩm, bán đúng giá, tiện lợi và không gian mua sắm được cải thiện thì chắc hẳn người tiêu dùng sẽ không quay lưng lại với chợ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối