(SGTT) – Tính đến 11-11, TPHCM đã có 167/234 chợ truyền thống được mở cửa trở lại. Dù TPHCM đã có chỉ đạo các địa phương không để chợ tự phát hoạt động trở lại nhưng hiện nay việc mua bán thực phẩm vẫn tiếp diễn tại nhiều khu chợ tự phát.
- Người dân tại vùng xanh đã tiêm 2 mũi vắc-xin được ưu tiên đi "chợ dã chiến"
- Nhu cầu thực phẩm tăng đột ngột, siêu thị khẳng định không thiếu hàng
Chợ tự phát xuất hiện trở lại
Nếu như trước đây tại những vùng nông thôn hẻo lánh, người dân khá quen thuộc với hình ảnh bán buôn các loại thực phẩm từ bó rau, ký thịt đến con khô, mẹt cá được chất đầy trên một chiếc xe đạp cũ kỹ và luồn lách mọi ngõ ngách của làng quê. Người ta thường gọi việc trao đổi này với cái tên dân dã là chợ trên xe và nó gắn liền với hình ảnh những người phụ nữ tảo tần buôn bán lấy công làm lời.
Tại TPHCM, hình thức buôn bán này có một cái tên khác và có vẻ linh động hơn đó là chợ chạy. Sở dĩ gọi là chợ chạy hay chợ tự phát bởi đây là hình thức mua bán không cố định và thường xuyên phải chạy chỗ vì bị lực lượng chức năng kiểm tra.
Theo ghi nhận, tại những tuyến đường như khu vực phường Tân Quy (quận 7), phường Tân Tạo A (quận Bình Tân), khu dân cư Bình Hưng (huyện Bình Chánh), đường An Dương Vương (quận 8)… không khí mua bán tấp nập, người bán bày biện hàng hóa trên những chiếc xe đẩy tự, còn người mua chỉ cần quẹo lựa tầm vài phút là đã có đủ nguyên liệu cho một bữa cơm gia đình.
Các mặt hàng buôn bán tại các chợ này khá đa dạng từ thịt, cá đến rau củ, trái cây. Thực phẩm được phân thành các gói theo từng giá tiền. Người mua thường là công nhân tại các khu công nghiệp vùng ven hay dân công sở trên đường đi làm về.
Chợ tự phát không chỉ nở rộ tại các khu vực vùng ven mà còn sôi nổi cả ở những tuyến đường trung tâm thành phố như Cách Mạng Tháng Tám (quận 10), Phạm Ngũ Lão (quận 1), Trần Nhân Tôn (quận 5)… Đến nay, lượng người tập trung mua bán cũng đã giảm do lực lượng chức năng triển khai kiểm tra dày dặn hơn.
Ông Duy, 35 tuổi, quê Bạc Liêu, cho biết cả gia đình 7 người nhà anh đều sống bằng việc kinh doanh “chợ chạy” này. Sau khi lấy ốc từ chợ đầu mối Bình Điền (Bình Chánh) vào buổi sáng ông cùng mọi người bắt đầu phân loại và chia nhỏ thành các bao tải để chia nhau đi bán.
“Mẹ tôi thì bán ở gần chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh), tôi thì ngồi ở Tân Bình, còn những người khác trong nhà thì bán ở Nguyễn Tri Phương (quận 10), Lý Thường Kiệt (quận 11) và An Phú Đông (quận 12). Tôi biết rõ là buôn bán như thế này là vi phạm lấn chiếm lòng lề đường nhưng đây cũng chính là nguồn thu nhập chính của cả nhà”, ông Duy nói thêm.
Theo ông Duy, việc buôn bán theo hình thức này nhẹ vốn và dễ bán hơn so với việc phải đăng ký sạp trong chợ. Khi lực lượng chức năng đi kiểm tra thì mọi người nhanh chóng dọn dẹp đợi đoàn kiểm tra đi khuất lại tiếp tục bày ra để bán. Có hôm công an khu vực tuần tra gắt quá thì phải dẹp hàng về sớm.
Tương tự, vợ chồng chị Huyền, 32 tuổi, quê Nam Định, đang bán trái cây tại khu vực quận 10, TPHCM, chia sẻ trước đây từng mang theo nghề tráng bánh cuốn để vào Nam lập nghiệp. Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài khiến vợ chồng chị phải bỏ nghề, bán rẻ đồ dùng để có tiền sinh hoạt trong thời gian vừa qua. Vừa qua, được một người anh bên chồng hướng dẫn mua xe, lấy hàng và bản thân chị Huyền cũng thấy việc buôn bán này khả quan hơn so với bán bánh cuốn trước đây.
“Tôi thường đến những khu chung cư cũ như Ngô Gia Tự, Ấn Quang ở quận 10 để bán vì những chỗ này bán hàng đi nhanh hơn. Về giá cả thì cũng không thấp hơn siêu thị hay cửa hàng đâu vì tôi lấy hàng loại 1, chủ yếu lấy công làm lời. Nếu tích góp đủ vốn tôi sẽ thuê sạp để mở bán trái cây thay vì phải chạy rong ruổi không đích đến mỗi ngày, xui rủi còn bị tịch thu xe và hàng hóa”, chị Huyền tâm sự.
Nhu cầu tất yếu của người dân
Đang đứng mua hàng tại một xe rau trên đường Phạm Ngũ Lão (quận 1), bà Nguyễn Phương Uyên cũng ở quận 1 chia sẻ từ đầu tháng 10 đến nay, bà đã thay đổi thói quen đi chợ. Trước đây, siêu thị, cửa hàng thực phẩm là nơi bà tin tưởng để mua hàng hóa thì nay bà Uyên chọn mua hàng ở chợ tự phát vì lo ngại nhiễm Covid-19 trong không gian kín, đông người và sử dụng hệ thống máy lạnh như siêu thị.
“Mỗi khi mua thực phẩm tôi phải xếp hàng chờ đợi vì cửa hàng chỉ chấp nhận 5 khách trong tiệm. Mặt khác, tôi thấy chợ tự phát không khí thông thoáng và người bán, người mua cũng biết tuân thủ 5K rồi. Nguy cơ dịch bệnh luôn hiện hữu từ mọi nơi, mọi lúc chứ không chỉ ở các chợ này”, bà Uyên nói.
Chia sẻ quan điểm về chợ tự phát khi phóng viên đề cập đến lúc đang mua hàng, bà Nguyễn Anh Thơ, ở quận 10, cho rằng từ khi nền kinh tế sinh ra thì chợ tự phát đã có và đó là nhu cầu tất yếu của đời sống xã hội. Tôi nghĩ thay vì ra sức ép để dẹp chợ chính quyền nên đưa ra những giải pháp chấn chỉnh một cách hợp lý để cùng thúc đẩy lưu thông hàng hóa.
“Chợ tự phát xuất hiện do nhu cầu thật sự trong việc mua bán, cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm mà ra. Tôi thấy TPHCM nên mở thêm nhiều chợ dã chiến để tránh tập trung đông người tại một khu vực, càng nhiều chợ thì tỷ lệ tập trung đông người sẽ giảm đi rất nhiều”, bà Thơ chia sẻ.
Trái ngược với ý kiến trên, ông Vũ Đình Chiến, ở quận 12, TPHCM cho rằng ông cảm thấy lo lắng bởi dịch bệnh dễ bùng phát trở lại do lượng người tập trung đông tại các chợ tự phát và do không ai quản lý nên vô cùng mất trật tự. “Ngoài ra, những người này khi tan chợ đều để lại một lượng rác lớn mà không hề có động thái dọn dẹp gây mất mỹ quan đô thị”, ông Chiến nói.
Đại diện UBND phường Tân Quy, quận 7, TPHCM, cho biết hiện nay lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra mỗi ngày với tần suất 1 lần/ngày để nhắc nhở, tuyên truyền cho người dân.
Bà Trương Thị Hường, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TPHCM, cho biết hiện nay khu vực đường An Phú Tây chỉ có một vài xe đẩy bán thực phẩm và lực lượng chức năng cũng thường xuyên kiểm tra nhắc nhở.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch để hỗ trợ cho bà con buôn bán để họ vừa có thể kinh doanh buôn bán thuận lợi vừa đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng chống dịch”, bà Hường thông tin.
Mới đây, ngày 11-11, tại cuộc họp báo thông tin về tình hình Covid-19 trên địa bàn TPHCM, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công Thương, cho biết hiện thành phố đã có chỉ đạo các địa phương không để chợ tự phát hoạt động trở lại trong điều kiện hiện nay. Đồng thời, ông Tú mong người dân ủng hộ quyết định này, không ủng hộ việc mua tại chợ tự phát, để đảm bảo phòng dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Minh Hoàng