Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Cho vay ngang hàng chờ ngày “hợp pháp hóa”

(SGTT) - Khó có thể phủ nhận tính tiện lợi của hình thức cho vay ngang hàng (P2P Lending) đang được áp dụng tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, nhưng để loại hình cho vay này thực sự phát huy được hiệu quả, chính phủ sẽ cần sớm đưa vào một khung pháp lý để quản lý hoạt động vay và cho vay, cũng như những công ty trung gian, để giảm thiểu tối đa rủi ro đổ vỡ thị trường.

Hợp pháp hóa P2P Lending

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện có khoảng hơn 40 công ty cho vay ngang hàng đang hoạt động tại Việt Nam. Dù có giấy phép đăng ký kinh doanh hợp lệ, hoạt động của các công ty này vẫn không nằm trong khuôn khổ pháp lý nào vì bản thân NHNN mới chỉ cho phép thí điểm hoạt động cho vay ngang hàng tại Việt Nam đầu năm nay.

Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng hình thức cho vay ngang hàng có cả mặt tích cực và tiêu cực như giải ngân nhanh chóng nhưng cũng đi kèm rủi ro gian lận khi thiếu kiểm soát từ cơ quan chức năng.

“Chính phủ đã giao cho NHNN là đầu mối nghiên cứu. Chúng tôi cũng đã tham khảo kinh nghiệm của các nước khác và đề xuất cho thực hiện thí điểm, theo đó sẽ coi hoạt động này là ngành kinh doanh có điều kiện. Sau khi thí điểm thì sẽ có tổng kết đánh giá”, bà Hồng nói tại buổi họp báo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng quí 1 đầu năm nay.

Trong tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Cụ thể, NHNN được giao triển khai thực hiện các nhiệm vụ bao gồm nghiên cứu, xây dựng Đề án cơ chế quản lý thử nghiệm cho hoạt động Fintech trong hoạt động ngân hàng và nghiên cứu cơ chế thí điểm quản lý hoạt động cho vay ngang hàng.

Theo quan điểm của NHNN báo cáo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về tình hình hoạt động cho vay ngang hàng tại Việt Nam, cơ quan này cho rằng trong thời điểm hiện nay nên quản lý trong phạm vi cho vay ngang hàng kết nối trực tiếp người vay với người cho vay như phần lớn các công ty đang hoạt động và chưa mở rộng cho sự tham gia của các tổ chức tài chính, đồng thời không cho phép các công ty P2P Lending được quyền huy động vốn để cho vay nhằm giảm thiểu rủi ro và gian lận cho hình thức này.

P2P Lending chờ ngày “bung lụa”

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, P2P Lending nếu được quản lý tốt sẽ góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, đặc biệt là tại các địa bàn mà hệ thống tài chính chưa phát triển, đưa các dịch vụ tài chính với chi phí thấp và ít thủ tục tới đại bộ phận người dân và các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thêm vào đó, khi một dự thảo về phương thức hoạt động của P2P Lending được ban hành trong thời gian tới đây, hình thức cho vay này được hy vọng sẽ thay đổi bộ mặt của ngành tài chính ngân hàng, giúp giảm thiểu rủi ro cho người cho vay và người đi vay, đồng thời giúp đẩy lủi vấn nạn tín dụng đen.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu trong một buổi tọa đàm về tài chính hồi đầu năm có nhấn mạnh rằng sự tiện lợi của loại hình cho vay ngang hàng với sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến có thể giúp kết nối nhu cầu tài chính cho hàng chục nghìn người dân trong vài phút đồng hồ.

Vị chuyên gia kinh tế này cũng nói thêm hiện các P2P Lending “đang đợi ngoài kia rất nhiều và họ chỉ đợi có hành lang pháp lý để nhảy vào thị trường cho vay của Việt Nam”. Trong hơn 40 công ty cho vay ngang hàng đang hoạt động ở Việt Nam thì hiện có khoảng 10 công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số công ty từ Indonesia và Singapore.

Minh Trang

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối